MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(29-33)- Khai thác sức hút từ tinh hoa nghề truyền thống
(Ngày đăng: 09/05/2023   Lượt xem: 85)

Thời gian qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được quan tâm. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm giải pháp để giữ các nghề thủ công gắn với các phố cổ, tạo sức hấp dẫn du lịch, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội.

Không gian giới thiệu nghề truyền thống

UBND quận Hoàn Kiếm vừa tổ chức Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim hoàn năm 2023, với nhiều hoạt động, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh trên phố Hàng Bạc, cùng nghệ nhân các làng nghề, phố nghề lân cận như chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), vàng bạc Châu Khê (Hải Dương)... Trong những ngày diễn ra hoạt động lễ hội có tổ chức trình diễn các công đoạn, kỹ thuật nghề, giới thiệu sản phẩm kim hoàn đặc trưng...
Trình diễn giới thiệu nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân - Ảnh: Th. Nguyên

 
Trình diễn giới thiệu nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân. Ảnh: Th. Nguyên

Phó Trưởng ban, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, sau khi trùng tu năm 2010, đình Kim Ngân mở cửa phục vụ nhân dân và khách tham quan. Bên cạnh phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân khu phố cổ và khách thập phương, ngôi đình còn là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghề kim hoàn, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật quảng bá, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của phố cổ Hà Nội. 

Nhiều điểm di tích tại phố cổ Hà Nội được tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề như thế. Tiêu biểu như: Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 42 hàng Bạc, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, đền Quan đế 28 Hàng Buồm, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông) 22 Hàng Buồm...

Đình Nam Hương, 75 Hàng Trống, hiện là điểm sáng tạo để các nghệ sĩ trẻ được tiếp cận với tranh dân gian Hàng Trống. Tại đây đang trưng bày 11 tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh này. Qua các buổi giới thiệu, hướng dẫn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, các nghệ sĩ trẻ được học hỏi, trải nghiệm kỹ thuật vẽ tranh; đồng thời, sáng tác và tổ chức nhiều triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng như: triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống”, “Hổ dạo phố”, “Cõi Tiên”…

Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Đề án Bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với quảng bá di tích đình Nam Hương phục vụ phát triển du lịch quận giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo. Đây sẽ là cơ sở để các nghệ sĩ sáng tạo dòng tranh dân gian trên nền tảng các giá trị truyền thống...

Gắn du lịch với phố nghề

Khu phố cổ Hà Nội chính là khu 36 phố phường, nơi hội tụ tinh hoa của nhiều nghề truyền thống với các phố nghề và những ngôi đình thờ tổ nghề. Trải qua biến động của lịch sử, 36 phố phường xưa dần trở thành hoài niệm. Những khu phố gắn với nghề nghiệp hoặc mặt hàng đặc trưng bị mất dần. Đa số các con phố chỉ giữ lại được tên, Hàng Bông, Hàng Da, Hàng Chiếu, Hàng Mắm… nhưng không còn kinh doanh các mặt hàng như tên gọi của nó.

Tuy nhiên, với chính sách phục hồi nghề thủ công truyền thống khu phố cổ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khuyến khích hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch văn hóa, phố nghề Hà Nội bắt đầu hồi sinh. Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của thủ đô coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống là ngành công nghiệp sáng tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện để bảo tồn, phát huy các nghề thủ công gắn với phố Hàng. 

Theo PGS.TS. Đỗ Thị Hảo - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, thủ đô cần kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa hiện còn tại khu phố cổ, từ đó quảng bá rộng rãi; có chính sách cho vay vốn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ kỹ thuật để nghề thủ công truyền thống có thể phát triển. Bên cạnh đó, kịp thời tôn vinh và có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân - báu vật nhân văn sống của các nghề thủ công truyền thống...

“Hà Nội nên tổ chức những cuộc thi nghề khéo hàng năm để phát hiện những người thợ tài năng và làm giàu thêm truyền thống khéo tay hay nghề - một di sản văn hóa vô giá do ông cha để lại... Ở khu phố cổ Hà Nội nên có một bảo tàng thủ công nghiệp gắn với những tên phố có chữ Hàng. Đây là đầu mối quan trọng gắn với du lịch từ phố nghề đến các làng nghề” - PGS. TS. Đỗ Thị Hảo đề xuất.

Để khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội (phố Hàng), tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận sẽ phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống gắn với thiết kế sáng tạo. Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm mang thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.
                                       Theo: daibieunhandan.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.263
Tổng truy cập: