MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Nhận diện bản sắc, kết nối tổng thể
(Ngày đăng: 17/04/2023   Lượt xem: 47)

Trong bối cảnh đương đại, nguồ lực văn hóa của các tộc người càng trở nên quan trọng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn phát triển xã hội, phát triển con người theo hướng nhân văn, hài hòa với tự nhiên. Nguồn lực này được phát huy không chỉ bảo đảm một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, mà còn xây dựng quốc gia vững mạnh, phồn vinh.

Nguồn lực phong phú, đa dạng

Phát biểu tại Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” sáng 15.4, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định: Việt Nam luôn tự hào là một quốc gia đa dạng văn hóa. Sự đa dạng này được thể hiện chủ yếu ở đa dạng sinh thái, đa dạng tộc người và theo đó là đa dạng các biểu đạt văn hóa. Trong bức tranh ấy, nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số cũng vô cùng đa dạng, có thể được nhận diện thông qua các biểu đạt văn hóa thể hiện ở hệ thống di tích, danh thắng; hệ thống các loại hình nhà ở, nhà cộng đồng; hệ thống các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng; hệ thống các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ; hệ thống các nghề, làng nghề; hệ thống tri thức dân gian…
Cần giải pháp tổng thể phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc - Ảnh: Ng. Phương

 
Cần giải pháp tổng thể, bao trùm phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc. Ảnh: Ng. Phương

“Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số cư trú ở khắp các vùng miền trên cả nước tạo nên sự đa dạng và giàu có cho văn hóa các tộc người. Mỗi dạng biểu đạt văn hóa của mỗi tộc người lại thuộc về và tạo ra một loại nguồn lực văn hóa khác nhau. Chính điều đó củng cố cho tính đa dạng, phong phú của nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay” - PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh.

Theo đó, nguồn lực văn hóa không đơn nhất mà luôn là một tổng thể, không có nguồn lực văn hóa nào tồn tại độc lập mà chúng luôn tồn tại trong hệ thống và chỉ khi kết nối thành hệ thống, các yếu tố thực hành văn hóa mới trở thành nguồn lực cho sự phát triển. Ví như người Mông ở Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, đang phát triển từ nguồn lực của danh thắng Tà Xùa - điểm “săn mây” nổi tiếng, của đặc sản chè cổ thụ, của các sản phẩm nông nghiệp địa phương, của nhà ở và đời sống người Mông qua các điểm homestay…

Người Thái ở Bản Áng, Mộc Châu, Sơn La, đã thành công trong việc đưa tối đa các nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế, xã hội, đó là các nghi lễ, lễ hội (Hết Chá, mừng cơm mới, xuống đồng), nhà sàn, các làn điệu dân ca, xòe, đan lát, thổ cẩm, ẩm thực, trang phục, cảnh quan làng bản… Các nguồn lực này kết nối chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau tạo nên sự phát triển của cộng đồng…

Giai đoạn gần đây, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số ngày càng được chú ý đúng mức hơn, được đề cập, tích hợp, nhấn mạnh trong nhiều chính sách, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số…

Nghiên cứu tổng thể và chuyên sâu

Văn hóa các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu lớn lao, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số vẫn chưa được khai thác, phát huy tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vùng đồng bảo dân tộc thiểu số vẫn là “vùng trũng” về phát triển kinh tế và văn hóa, Nhà nước vẫn phải nỗ lực hỗ trợ và ưu tiên đầu tư.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, muốn phát huy tốt nguồn lực văn hóa các tộc người trong phát triển, phải nhìn lại cách hiểu, cách ứng xử của xã hội đối với nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số. Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều quan điểm, nhận thức, nhiều chính sách và thực hành ứng xử mang nặng tính định kiến, áp đặt, một chiều, chưa quan tâm đúng mức đến bối cảnh cụ thể, riêng có của mỗi tộc người. Với nhãn quan như vậy, nguồn lực văn hóa các tộc người nhiều khi còn được nhìn nhận sai lệch và vì thế chưa huy động được nguồn lực này vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tộc người.

Hiện nay, du lịch được coi là giải pháp bảo tồn, tái phục dựng văn hóa truyền thống. Có những tộc người, nhờ du lịch mà không chỉ tái tạo được bản sắc văn hóa, còn có khả năng hòa nhập, phát triển... Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhận thấy, ở một số nơi nghiên cứu chưa thấu đáo đã vội vàng “biến văn hóa thành hàng hóa” để thu được lợi nhuận nhanh chóng, bất chấp các tác động đến công tác bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, thậm chí làm cho văn hóa tộc người mai một… "Bởi vậy, cần có những nghiên cứu vừa tổng thể, vừa chuyên sâu trước khi khai thác nguồn lực văn hóa".

Để phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam phục vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, GS.TS. Từ Thị Loan góp ý: cần tiếp tục hoàn thiện thể chế văn hóa, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật bám sát yêu cầu thực tiễn. Việc hoạch định chính sách phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc trưng văn hóa, điều kiện cư trú, tâm lý tính cách dân tộc của từng vùng, miền, địa phương, từ đó mới phát huy được tiềm năng, lợi thế và tinh thần tự lực của từng cộng đồng. 

Một vấn đề cần quan tâm là làm sao để bản thân cộng đồng các dân tộc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bản sắc văn hóa, từ đó củng cố ý thức giữ gìn, trao truyền văn hóa dân tộc, biến di sản thành tài sản, biến các giá trị bản sắc thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển. Hiện nay đã có những nỗ lực từ phía cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản, cũng như các nhà quản lý, chính quyền các cấp, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề xuất, cần có các giải pháp mang tính bao trùm, tổng thể về phát huy nguồn lực văn hóa. Ở đó cộng đồng các dân tộc, nhà nghiên cứu, chính quyền và doanh nghiệp có sự kết nối chung về nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ, sự sáng tạo, để từ đó có giải pháp phù hợp nhằm khẳng định vẻ đẹp của văn hóa các dân tộc, lan tỏa chúng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới .
                                  Theo: daibieunhandan.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.498.854
Tổng truy cập: