MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(36)-Kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch
(Ngày đăng: 08/04/2023   Lượt xem: 73)

Thanh Hóa có hơn 70 khu, điểm du lịch, gần 1.000 cơ sở lưu trú và gần 60 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, được xem là thị trường tiêu thụ lý tưởng cho các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm lưu niệm đặc trưng làm quà tặng cho khách du lịch còn khá hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức chi tiêu của du khách đến Thanh Hóa còn thấp.

Một số cơ sở sản xuất đồ đồng truyền thống tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đang nghiên cứu sản xuất các sản phẩm quà lưu niệm, phục vụ khách du lịch.

Thanh Hóa có những khu, điểm du lịch thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Thế nhưng mặt hàng được bày bán chủ yếu tại đây phần lớn là quần áo, đồ trang sức, đồ chơi cho trẻ em (chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc), là những thứ rất dễ bắt gặp ở bất cứ đâu. Trong khi đó, về đồ mỹ nghệ, Thanh Hóa có không ít làng nghề và nghề truyền thống lâu đời, với nhiều sản phẩm từ lâu đã nức tiếng khắp cả nước, thậm chí đã xuất khẩu sang một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN, EU...

Là khu đô thị du lịch biển trọng điểm của tỉnh, hằng năm TP Sầm Sơn đón hàng triệu lượt khách. Tại đây nổi tiếng với nghề làm đồ lưu niệm từ các loại vỏ trai, ốc biển. Từ những vỏ ốc thô ráp hay những nhành san hô bé nhỏ qua đôi tay tài hoa của người thợ thủ công mỹ nghệ trở thành những kỷ vật lạ, độc đáo và mang đậm “hồn biển”. Những chiếc chuông gió được kết từ những vỏ sò nhỏ xíu, một chiếc đèn ngủ, một chậu hoa có hình bắt mắt... bên ngoài khắc dòng chữ “Sầm Sơn” trở thành món quà tặng độc đáo cho du khách khi đến với thành phố biển xinh đẹp. Cùng với bán trực tiếp cho các cơ sở kinh doanh tại khu du lịch, các hộ làm nghề tại các phường Trường Sơn, Trung Sơn còn tiêu thụ sản phẩm tại khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Phòng... Thế nhưng, cho đến nay trong số hàng trăm nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Sầm Sơn chỉ có rất ít đơn vị trưng bày, giới thiệu những sản phẩm này.

Đại diện một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TP Sầm Sơn chia sẻ, hầu hết các đoàn khách từ tỉnh ngoài hay khách quốc tế đến nghỉ dưỡng đều có nhu cầu mua quà lưu niệm hoặc đặc sản địa phương. Tuy nhiên, ngoài hải sản thì gần như không biết giới thiệu gì cho khách. Đối với các sản phẩm lưu niệm làm từ vỏ trai, vỏ ốc của người dân Sầm Sơn giờ đây rất ít khách quan tâm.

Cách TP Thanh Hóa 12 km về phía Tây, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) - quê hương Nhà sử học Lê Văn Hưu, nổi tiếng với nghề đúc đồng. Những năm gần đây việc phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch được địa phương đặc biệt chú trọng. Cùng với hệ thống giao thông thuận lợi, làng nghề đã được quy hoạch bài bản, có trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm... Thế nhưng một trong những trở ngại khiến cho các sản phẩm truyền thống chưa đến được với đông đảo khách du lịch bởi chưa có sự kết nối hình thành tour du lịch và giá thành sản phẩm cao.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung Trần Ngọc Tùng cho biết: Trong những năm gần đây địa phương đã có những định hướng cụ thể đến các hộ sản xuất, kinh doanh về việc sản xuất những sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách du lịch. Theo đó, cùng với sản xuất các sản phẩm đồ đồng truyền thống, thời gian tới một số hộ sẽ sản xuất thêm mặt hàng mỹ nghệ làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Cụ thể sẽ tập trung vào một số sản phẩm như tượng cụ Lê Văn Hưu, đèn dầu, bút, nghiên đồng... Tuy nhiên, để sản phẩm đến được với đông đảo du khách và làng nghề của xã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của xứ Thanh rất cần có sự kết nối của các doanh nghiệp lữ hành.

Thực tế trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm làng nghề, nhất là khảo sát để đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình tour, tuyến du lịch. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm đồ lưu niệm gắn với hoạt động du lịch còn gặp một số khó khăn như mẫu mã chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung; điểm đến chưa bố trí nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến khách du lịch... Điều đáng nói hơn cả là việc kết nối giữa các cơ sở sản xuất, làng nghề với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các khu, điểm du lịch chưa được chú trọng.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Phạm Đức Trí cho biết: Với lượng khách đến Thanh Hóa ngày càng tăng, nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn thì sự thiếu vắng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm đã làm thất thoát đi một nguồn thu không nhỏ, đấy là chưa kể đến việc để tuột mất cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch. Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng, với giá cả hợp lý, các đơn vị tiêu thụ cần phối hợp với các nhà sản xuất chuyên nghiệp nhằm bảo đảm yếu tố chính xác, mỹ thuật, bền vững, tiện lợi. Đồng thời đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho các mặt hàng lưu niệm này. Có như vậy, sản phẩm hàng lưu niệm của tỉnh mới sớm xây dựng được hình ảnh, khẳng định dấu ấn riêng và được đông đảo du khách đón nhận.

Có thể nói, việc sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch vừa giúp giải quyết đầu ra bền vững, vừa góp phần quảng bá và định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh. Đặc biệt, năm 2022 tỉnh Thanh Hóa đã chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà sản xuất mặt hàng lưu niệm, đặc biệt là các làng nghề truyền thống tham gia vào hoạt động du lịch một cách hiệu quả, độc đáo và có bản sắc riêng.

                                       Theo; baothanhhoa.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.498.680
Tổng truy cập: