MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Người Tây Nguyên làm homestay
(Ngày đăng: 22/06/2020   Lượt xem: 399)

Để phát triển kinh tế, giới thiệu bản sắc văn hóa, những người con của Tây Nguyên đang chọn du lịch homestay làm hướng đi mới. Việc này còn có ý nghĩa trong tạo dòng chảy cho mạch nguồn văn hóa tới những thế hệ về sau.

Làng homestay Kon Pring nằm giữa bạt ngàn thông xanh và núi đồi trùng điệp.
Làng homestay Kon Pring nằm giữa bạt ngàn thông xanh và núi đồi trùng điệp.
Đinh A Ngưi - người mở đường
 
Đinh A Ngưi tiên phong làm homestay để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến du khách gần xa.

Là người con của làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai), Đinh A Ngưi (38 tuổi) đau đáu việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong thời gian công tác tại Trung tâm VH-TT&TT huyện Kbang, A Ngưi thường được phân công tổ chức các lễ hội tại địa phương. Trong những dịp này, anh chứng kiến nhiều du khách trong và ngoài nước tò mò, thích thú với những nét văn hóa truyền thống, ẩm thực của dân tộc mình. Cũng từ đây A Ngưi quyết tâm mang văn hóa địa phương đến gần hơn với thế giới.

"Khi dẫn du khách đến huyện Kbang, mình thấy họ vô cùng thích thú với văn hóa, ẩm thực Tây Nguyên. Mọi người tò mò, muốn khám phá và trải nghiệm nhiều hơn với vùng đất nắng gió này. Do đó, mình nghĩ ngay đến ý tưởng mở homestay để thu hút khách du lịch đến và níu giữ họ ở vùng đất, con người Bahnar", anh A Ngưi chia sẻ.

Khi bắt tay vào xây dựng homestay, A Ngưi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình. Bởi ở trong hốc núi, người dân chỉ quen với con rựa, lưỡi rìu chứ định nghĩa về du lịch, về homestay vẫn còn mông lung. Không những thế, để làm homestay cho "ra tấm ra món" cũng tốn một khoản tiền rất lớn. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn, rào cản từ gia đình, A Ngưi vẫn quyết tâm làm du lịch.

Đầu năm 2019, A Ngưi vay vốn đầu tư xây dựng. Homestay của A Ngưi được trang trí mộc mạc, diện tích 1ha với 4 phòng ngủ và 1 phòng sinh hoạt cộng đồng. Ngay cổng ra vào đặt tấm biển hiệu bằng gỗ thô mộc với dòng chữ "Không gian văn hóa Bahnar". Những món ăn truyền thống cũng được ghi lên các tấm biển gỗ đặt xung quanh homestay. Bên trong phòng ngủ những tấm đệm, gối, chăn mới được sắp xếp gọn gàng.

Anh nhờ các nghệ nhân trong làng mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang và các loại nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ. Hướng dẫn người dân làm cơm lam, gà nướng, rượu cần hợp vệ sinh để du khách thưởng thức. Người dân chăn nuôi heo, gà... để phục vụ khi cần. Đầu năm 2020, homestay của A Ngưi đã thu hút được hơn 4 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Tin tưởng anh, người dân cũng bắt tay vào chăn nuôi, đan lát, dệt thổ cẩm... Chính vì vậy, từ thực phẩm đến đồ lưu niệm đều có sẵn để phục vụ du khách.

"Khi du khách đến, người dân có cơ hội trình diễn văn hóa độc đáo, những món ăn đặc sản... Điều này giúp họ phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, lưu giữ, truyền dạy những nét văn hóa truyền thống của người Bahnar trên mảnh đất Tây Nguyên", A Ngưi chia sẻ. Để có thể đón thêm lượng khách lớn, A Ngưi làm thủ tục vay ngân hàng để xây dựng thêm 2 nhà sàn. Khi đó, nếu khách muốn tổ chức tiệc ngoài trời thì homestay có thể phục vụ.

Già làng Đinh B’lich cho biết, từ khi A Ngưi bắt tay vào mở homestay làm du lịch thì vùng đất này ngày càng được nhiều người biết đến và ghé thăm. Homestay cũng giúp nhiều người dân có thêm thu nhập. Đặc biệt quảng bá văn hóa truyền thống của người Bahnar đến những du khách trong và ngoài nước.

Du khách đến lưu trú tại homestay có cơ hội tự chế biến món ăn và mặc đồ truyền thống.


Những đặc sản của núi rừng được du khách mua về làm quà tặng.


Thoát nghèo
Làng du lịch Kon Pring (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nằm giữa bạt ngàn thông xanh và núi đồi trùng điệp. Nơi đây được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 ở Tây Nguyên bởi khí hậu mát lạnh, trong lành. Nhìn từ xa, làng du lịch Kon Pring như sáng bừng lên bởi sắc màu của hàng chục loài hoa dại. Nơi đây tạo cho du khách cảm giác ban sơ, hoang dại của đại ngàn. Để phát triển kinh tế, phục vụ du khách đến tham quan, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng các homestay và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Những homestay này sẽ được giao cho người dân bản địa trông coi, quản lý.
Làng Kgiang có 140 hộ, 100% là người đồng bào Bahnar đều chung tay với anh làm du lịch. Trong đó, hàng chục nghệ nhân nam, nữ đánh cồng chiêng. 15 nghệ nhân chuyên độc tấu chiêng. 10 nhóm chuyên diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc. 30 người chuyên nấu ăn...

Bà Y Lim, 40 tuổi, thôn Kon Pring, huyện Kon Plông cho biết, trước đây kinh tế của gia đình chỉ phụ thuộc vào vài sào rẫy. Điều kiện sống khó khăn nên mỗi khi ai thuê gì bà đều nhận làm. Dù đã làm đủ mọi nghề nhưng kinh tế chẳng khá hơn là bao, ngày đói nhiều hơn bữa no. Năm 2018, huyện lên phương án chọn Kon Pring làm điểm du lịch cộng đồng. Lúc này gia đình bà Lim cùng 2 hộ khác được chọn để thí điểm mô hình homestay. Huyện Kon Plông cũng cử 1 đoàn ra tỉnh Hòa Bình để học tập kinh nghiệm làm du lịch. Bà Y Lim cũng được chọn tham gia chuyến công tác.

"Hòa Bình làm du lịch rất công phu và chuyên nghiệp nên mình học được rất nhiều thứ. Đến khi về nhà mình tu sửa homestay cho hoàn thiện và chỉn chu hơn. Tuy nhiên, mình vẫn lưu giữ những nét văn hóa, truyền thống của dân tộc để du khách cảm nhận được cái mộc mạc, gần gũi. Mình luôn đón nhận góp ý của khách để thay đổi, làm mới homestay", bà Y Lim tâm sự.

Sau chuyến công tác, bà Y Lim được huyện Kon Plông đầu tư xây dựng homestay trích từ quỹ phát triển cộng đồng. Homestay của gia đình bà Lim là 1 căn nhà sàn rộng lớn, phục vụ tối đa được khoảng 26 người. Ngày thường homestsy của bà chủ yếu phục vụ khách vãng lai đến du lịch tham quan. Còn những dịp lễ tết, homestay luôn kín chỗ.

Không chỉ phục vụ lưu trú, homestay của bà Lim còn chế biến những món ăn truyền thống, như: Gà nướng, cơm lam, cá suối, thịt chuột gác bếp, rượu cần… Bên cạnh đó, khách có thể thuê váy áo truyền thống của người bản địa để chụp hình, lưu giữ lại những khoảnh khắc ở ngôi làng yên bình, đậm nét văn hóa.

"Tất cả đồ ăn, thức uống đều là của nhà tự nuôi trồng và chăm sóc nên bảo đảm vệ sinh. Mình còn nói bà con xung quanh nuôi gà, trồng rau để mỗi khi khách đông thì có sẵn nguyên liệu để phục vụ. Khi đó khách vừa có thức ăn, rượu ngon để thưởng thức mà người dân còn có thu nhập. Từ ngày làm homestay cuộc sống gia đình mình không còn khổ nữa.

Mình không quảng cáo homestay của mình nhiều như những nơi khác. Mình phục vụ khách đến bằng những gì gần gũi, thân thiện nhất. Mình muốn mọi người biết đến homestay qua chất lượng dịch vụ và đánh giá của những người đã từng ghé thăm. Có như vậy, homestay mới ngày càng hoàn thiện và là nơi yên bình, mộc mạc để du khách lưu luyến", bà Y Lim tâm sự.

                                               Theo: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.464.306
Tổng truy cập: