MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Mỹ thuật trẻ và bước chuyển thế hệ
(Ngày đăng: 25/04/2019   Lượt xem: 282)

Công chúng xem triển lãm “Tranh lụa và điêu khắc nhỏ”.
Công chúng xem triển lãm “Tranh lụa và điêu khắc nhỏ”.

Nhìn lại đời sống mỹ thuật của những người trẻ thời gian qua không thấy kỳ cuộc nổi trội, mà nghiêng lệch về những trình diễn mang tính cá nhân. 

Thậm chí, một số nhà phê bình mỹ thuật cho rằng, mỹ thuật trẻ thiếu vắng những gương mặt, tác phẩm hoặc giải thưởng nổi bật. Tuy nhiên, cũng thấy le lói dấu ấn của những cá tính với bước chuyển mang tính thế hệ.

Lối đi ngay dưới chân mình

Lớp trẻ của mỹ thuật Việt có nhiều cái tên được nhắc nhớ. Riêng thế hệ 8X cũng có thể kể đến những Thái Nhật Minh (điêu khắc), Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa).

Trong số này, Hà Mạnh Thắng là một trong những tên tuổi nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Một vài bức tranh của anh đang được trưng bày ở bảo tàng Nghệ thuật Singapore. Anh có mặt trong rất nhiều triển lãm quan trọng đại diện cho nghệ thuật Việt Nam.

Còn Nguyễn Phương Linh - một trong những nghệ sĩ trẻ Việt Nam triển vọng nhất. Chị đã trưng bày tác phẩm tại rất nhiều nơi với các triển lãm cá nhân gần đây nhất tại 3.147.966 cm3 phòng tranh di động ở Thái Lan, Nhà Sàn Studio tại Việt Nam và Bảo tàng Nghệ thuật Á Châu Fukuoka tại Nhật Bản.

Phương Linh cũng tham gia nhiều chương trình lưu trú nghệ thuật quốc tế với các tổ chức như là Seoul Art Space tại Hàn Quốc, Kaman Art Foundation tại Rajasthan, Ấn Độ và The Luggage Store tại San Francisco, California, Mỹ

Những cá tính hội họa trẻ được sống, làm việc trong điều kiện đất nước hội nhập, với nhiều thuận lợi để tiếp cận các trào lưu, xu hướng mỹ thuật mới, đồng thời cũng dễ giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới. Tuy nhiên, chính những thuận lợi ấy cũng ẩn chứa nhiều thách thức mà nếu thiếu vắng bản lĩnh, không có định hướng đúng sẽ khiến tâm lý hoang mang xuất hiện. Do vậy, việc lựa chọn cho mình một lối đi riêng và từ đó có sự bứt phá, là hết sức cần thiết.

Nghệ sĩ điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh cho rằng, việc sau khi ra trường các nghệ sĩ trẻ không chọn một cơ quan hay công ty nào cố định mà thường làm việc tự do. Điều đó theo anh có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Làm việc tự do giúp nghệ sĩ chủ động về cách nhìn, về tư tưởng, nghệ sĩ sáng tạo cần có cái nhìn độc lập chứ không phải theo định hướng nên là tự do là tuyệt vời nhất. Làm việc tự do có thể có khó khăn chút về kinh tế, như thu nhập không đều nhưng đã dấn thân thì phải trả giá, đó là điều đương nhiên.

Những tín hiệu mới

Quan sát từ thực tế, có thể thấy tác phẩm điêu khắc xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực xây dựng nhà cửa, trang trí không gian nội thất. Người chơi nghệ thuật cũng đang từng bước tiếp cận các tác phẩm điêu khắc, tìm đến yếu tố mỹ thuật như đặt tượng, treo tranh tường, thay vì mua đồ phong thủy.

Nghệ sĩ Thái Nhật Minh cho rằng: “Nhà của người Việt hiện nay ngoài bày tranh còn có không gian cho điêu khắc. Điêu khắc salon, điêu khắc trong nhà thâm nhập vào không gian sống, không gian nội thất. Người chơi dễ sáng tạo, đầu tư hay kết hợp hơn so với điêu khắc không gian công cộng”.

Còn theo nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, “các tác phẩm điêu khắc hiện không quá phụ thuộc vào hình tượng con người mà đơn thuần là hình khối, là không gian và trên hết là sự ngẫu hứng của cảm xúc. Nó thể hiện sự “dịch chuyển” trong tư duy nghệ thuật của nghệ sĩ trước những gì họ đang sống và trải nghiệm”.

Lý giải cho sự chuyển dịch này, một số nhà điêu khắc trẻ cho rằng, khi thực hiện tác phẩm điêu khắc nhỏ dễ thể hiện hơn do ít phải đầu tư tài chính, nhân công và thời gian. Chính điều này khiến các họa sĩ có thể sáng tạo thêm những tác phẩm điêu khắc mới.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, hình ảnh cá nhân của các họa sĩ trẻ trong thời gian gần đây chưa có sự bật nổi rõ ràng.

Nhưng đáng kể đến đó là cuộc triển lãm “Tranh lụa và điêu khắc nhỏ” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) tổ chức.

Triển lãm giới thiệu 203 tác phẩm tranh lụa và điêu khắc kích thước nhỏ của 45 họa sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước, thuộc thế hệ sinh từ năm 1970 trở về sau. Hầu hết các tác phẩm được sáng tác trong những năm gần đây, thể hiện sự phong phú về ý tưởng, đề tài và phong cách, sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác cũng như những chuyển biến sâu sắc trong tư duy nghệ thuật của các nghệ sĩ thời kỳ mới.

Triển lãm được giám tuyển bởi 2 nghệ sĩ Vũ Đình Tuấn cho mảng tranh lụa và Khổng Đỗ Tuyền cho mảng điêu khắc.

“Thông qua triển lãm này có thể nhận thấy bước chuyển thế hệ. Tuy nhiên, cần thêm thời gian thì mới có thể nó có trở thành một khuynh hướng sáng tác hay không. Nhưng rõ ràng, xem những tác phẩm của lớp họa sĩ trẻ ở triển lãm này, thấy lóe lên tín hiệu vui, cho thấy sự tích cực chuyển hướng của các họa sĩ trẻ” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét.

Trong khi đó, họa sĩ Đỗ Phấn nhìn nhận, mỹ thuật thời gian qua hay cũng có mà dở cũng nhiều.

“Cái hay là ở chỗ đã có nhiều sân chơi mỹ thuật được mở ra ở những doanh nghiệp lớn, sàn đấu giá nghiêm túc. Nhưng cũng đồng thời có cái dở kèm theo là khả năng kiểm soát những tác phẩm mang bày hoặc đấu giá chưa được chuẩn mực.

Điều khiến tôi suy nghĩ nhất là phong trào sưu tập tranh của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương đã đẩy giá tác phẩm của họ lên một tầm mức chưa từng thấy. Nhiều bức tranh của họa sĩ Việt Nam đã có mức giá như các bậc thầy châu Âu. Thậm chí vài bức còn cao giá hơn cả những thiên tài hội họa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Thẩm mỹ của người Việt có thực sự cao đến thế không?” - họa sĩ Đỗ Phấn nêu quan điểm.
                                                                      Theo: giaoducthoidai.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.409.144
Tổng truy cập: