CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
(29-33)- Cách tân nón Việt
(Ngày đăng: 02/04/2021   Lượt xem: 237)

Là người con của làng nón Chuông, nghệ nhân Tạ Thu Hương (sinh năm 1968) không chỉ kế nghiệp ông cha mà còn phát triển nghề làm nón truyền thống của địa phương. Nhiều sản phẩm nón lá do chị sáng tạo được du khách trong và ngoài nước yêu thích, tìm mua.

Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội) nức tiếng với nghề làm nón lá từ bao đời nay. Từ nhỏ, chị Thu Hương đã lớn lên bên những chiếc nón. Năm 6 tuổi, cô bé Thu Hương mới tập đọc, tập viết nhưng đã thạo việc lồng nhôi, nức cạp, khâu nón. Học xong THPT, Thu Hương bắt đầu suy nghĩ đến con đường tương lai. Thay vì ly hương như một số chúng bạn, chị tự hỏi, sao không dựa vào chính thế mạnh tổ nghiệp đã trao cho mình.

Tuy nhiên ngày đó, giá bán một chiếc nón lá rất thấp, trong khi công sức người thợ bỏ ra thì nhiều. Người dân trong làng Chuông phải đổi rất nhiều chiếc nón cho HTX mới được một cân gạo. Chị trăn trở, muốn sống được bằng nghề thì phải nâng cao giá trị của chiếc nón.

Cách tân nón Việt
Chị Thu Hương bên những mẫu nón mới. 

Một lần, chị tình cờ biết tới một vị khách đang có nhu cầu đặt 20.000 chiếc nón lá để mang ra nước ngoài với điều kiện hàng phải đẹp, thời gian giao phải nhanh, chỉ trong vòng một tháng. Chị liền tìm mọi cách thuyết phục vị khách đó để chị thực hiện đơn hàng, còn dùng cả chứng minh thư để “đặt cọc”, cùng lời hứa sẽ hoàn thành công việc tốt nhất và đúng hạn. Được nhận đơn, chị bắt đầu gõ cửa từng nhà, vận động bà con làng Chuông làm nón bán cho chị. Chị chấp nhận mua vào với giá cao hơn với giá ngoài chợ để kịp hoàn thành đơn hàng. Lần đó, lãi chị thu về không nhiều, nhưng đổi lại, chị đã tích lũy được không ít kinh nghiệm trong việc làm nón. Thành công bước đầu giúp chị càng tự tin lập nghiệp.

Dấu ấn thứ hai chị tạo dựng được là khi chị lại đồng hành cùng người dân làng Chuông làm 70.000 chiếc nón để xuất khẩu sang Nhật Bản. Chị có một nguyên tắc là luôn đặt chữ tín, chất lượng lên hàng đầu. Trong suốt quá trình làm nón, chị chạy ngược xuôi như con thoi, kiểm tra cặn kẽ từ nguyên liệu đầu vào đến quá trình làm nón. Trước khi hàng được xuất đi, chị cũng tự tay kiểm tra từng sản phẩm, cắt đi từng mẩu chỉ thừa với mong muốn chiếc nón Việt khi đến tay khách hàng sẽ thật hoàn thiện.   

 Người làng Chuông đặt búp lá cọ tươi từ vùng nguyên liệu Hương Sơn, Hà Tĩnh. Lá sau khi được vò phải phơi qua 3 nắng hoặc sấy bằng than cho khô rồi miết lá dưới lưỡi cày nóng bọc giẻ. Lá sau đó được rải đều trên những vòng cước quấn khéo léo trên khuôn. Tốn nhiều công sức và cần sự tỉ mẩn là công đoạn khâu nón với kim, cước lần lượt từ các vòng nón trên đỉnh xuống đến vòng cạp. Hiện nay, dù máy móc đã phát triển nhưng các công đoạn làm nón gần như vẫn được tiến hành theo phương pháp thủ công. Vì thế, nhìn một chiếc nón được khâu thẳng, mũi kim đều, nhỏ không để tia nắng lọt qua khi giơ nón dưới ánh mặt trời, người ta có thể biết thợ làm nón lành nghề đến mức nào.

Xã hội càng hiện đại, nhiều người tìm đến mũ vải thời trang hơn là chiếc nón lá. Chị Hương thấy rằng, chiếc nón muốn có sức sống lâu bền thì cũng phải được cải tiến hợp với thị hiếu mới. Vì thế, ngoài chiếc nón lá truyền thống với đường kính 41cm, cao 18cm... chị bắt đầu thử nghiệm sáng tạo nhiều kiểu dáng nón mới như như nón bộ, nón chùm... Bên cạnh nón trắng, chị còn đưa ra thị trường cả nón nhuộm màu. Đặc biệt, chị đã ghi dấu ấn với nón lá lụa Hà Đông. Gọi là nón lụa vì bên trong nón vẫn là lá, nhưng bên ngoài được phủ một lớp lụa truyền thống Hà Đông. Để có thể sáng tạo thành công loại nón này, chị đã không ít lần thất bại. Đó là khi lụa căng trên nón không phẳng như mong muốn. Nón lụa khi tiếp xúc với nắng, mưa cũng dễ bị hỏng, rách. Chị Hương đã phải kỳ công nghiên cứu, rút kinh nghiệm để tìm ra bí quyết riêng cho mình. Mới đây, chị còn sáng tạo thêm một loại nón lá khác cũng đậm chất văn hóa Việt là nón sen. Những lá sen được chị làm khô, bảo đảm còn nguyên vẹn tới từng gân, thớ lá... được phủ ra ngoài chiếc nón tạo nên một sự duyên dáng, độc đáo khiến nhiều khách thích thú tìm mua.

                                                       Theo: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.461.442
Tổng truy cập: