CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
(29-33)- Phát huy giá trị làng nghề trong xây dựng nông thôn mới
(Ngày đăng: 26/09/2019   Lượt xem: 466)

Cùng với sự phát triển chung của làng nghề cả nước, các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội cũng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, phù hợp xu thế hội nhập kinh tế. Từ đó, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn thành phố.

 

Phát huy giá trị làng nghề trong xây dựng nông thôn mới

Chè lam Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết, lễ.

Giá trị của làng nghề

Nằm ở phía tây Thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống. Hiện, cả huyện có 59 làng có nghề với khoảng 14 nghìn hộ sản xuất, thu hút hơn 37 nghìn lao động nông thôn như làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, xã Phùng Xá; làng nghề đồ mộc - may xã Hữu Bằng; làng nghề mây tre, giang đan ở xã Bình Phú; làng nghề mộc Chàng Sơn, xã Chàng Sơn; làng nghề mộc - xây dựng ở xã Canh Nậu, Dị Nậu; làng nghề bánh chè lam thôn Thạch, xã Thạch Xá… Những năm qua, các làng nghề ở Thạch Thất đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: Để phát huy được những tiềm năng lợi thế, thời gian qua, các làng nghề ở Thạch Thất đã không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã phù hợp thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, thị trường được mở rộng, doanh thu tăng đều qua từng năm. Hiện nay, ngày công của một lao động tại các làng nghề ở vào khoảng từ 250 đến 300 nghìn đồng. Nhờ mức thu nhập ổn định, đời sống của người dân ở các làng nghề ngày càng nâng cao. Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của huyện Thạch Thất đạt 13,1 triệu đồng/năm, đến năm 2018 tăng lên 58 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,58% (năm 2010) xuống còn 1,97% (năm 2018). Đến nay, tất cả 21 xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thạch Thất đã hoàn thành bảy trong tổng số chín tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hai tiêu chí còn lại cơ bản đạt, phấn đấu trong năm 2019 sẽ hoàn thành hồ sơ đề nghị T.Ư, TP Hà Nội thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đồng ý cho huyện Thạch Thất thành lập cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn - giai đoạn 2 với quy mô 15,3 ha và cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu với diện tích 10 ha. Dự kiến quý I - 2021 sẽ hoàn thành. Các cụm làng nghề này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được nhu cầu về nhà xưởng, giãn mật độ sản xuất trong các khu dân cư, giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, có cơ chế khuyến khích mời các chuyên gia, nghệ nhân, thợ giỏi ở địa phương và ngoài địa phương tham gia dạy nghề, chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền và cả nghề mới. Đồng thời, sẽ xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm ở các làng nghề. Cùng với đó, huyện sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm trên trang web làng nghề truyền thống của huyện…

Cùng với làng nghề Thạch Thất, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng nổi tiếng từ hàng nghìn năm nay. Trải qua bao thăng trầm và những thách thức về thị trường tiêu thụ, các sản phẩm lụa từ làng nghề này vẫn trụ vững và ngày càng góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hiện nay, đây không chỉ là nơi mua bán sản phẩm mà còn dần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Điều này một mặt gia tăng sức bán sản phẩm lụa, mặt khác tạo thêm việc làm từ các dịch vụ du lịch khác, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và quảng bá văn hóa truyền thống.

Nâng cao giá trị kinh tế văn hóa của làng nghề

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 297 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 51 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm… Hiện thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề truyền thống phổ biến ở mức từ bốn đến năm triệu đồng/người/tháng. Một số làng nghề có doanh thu cao là làng nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) thu nhập đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, một số cơ sở làng nghề đã cập nhật công nghệ cao và có sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn những hạn chế như sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường sản xuất. Việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số làng nghề, đến nay hệ thống hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, mặt bằng sản xuất… còn chật hẹp, chưa đồng bộ. Nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu hàng hóa dẫn đến sức cạnh tranh kém. Lao động ở các làng nghề phần lớn không qua đào tạo cơ bản cho nên khó tiếp thu công nghệ mới, tác phong sản xuất công nghiệp và ý thức hoạt động nghề còn mang tính thời vụ.

Trước thực tế đó, thành phố cũng đang nỗ lực đổi mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế văn hóa của làng nghề, phù hợp xu thế hội nhập kinh tế chung. Theo đó, đến nay, thành phố có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong danh mục dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Giai đoạn 2016 - 2018, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã tổ chức được 27 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho gần 2.500 người dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại một số xã trọng điểm về phát triển du lịch, như: Cổ Loa, Thụy Lâm (huyện Đông Anh), Cổ Đô, Vân Hòa (huyện Ba Vì), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Mê Linh (huyện Mê Linh), Vân Từ, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Hồng Vân (huyện Thường Tín), Thạch Xá (huyện Thạch Thất)... Ngoài ra, thành phố cũng đã cho phép nghiên cứu xây dựng đề án “Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc”.
                                                                 Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.458.618
Tổng truy cập: