CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
Làm sâm nam ở Phú Yên: Nghề lạ mà sung túc
(Ngày đăng: 18/02/2014   Lượt xem: 386)

Nghề làm thạch sâm nam khá phổ biến ở Nam Trung Bộ. Với nhiều thợ lành nghề, mỗi kg lá sâm nam sau khi chế biến thành món ăn đem bán, có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng. Từ rừng đến vườn

Dây sâm nam vốn loài mọc tự nhiên trên núi, chịu được đất cằn. Mỗi ngày, vừa mờ đất, anh Cao Thanh Bình (ở xã Hòa Quang, huyện Phú Hòa, Phú Yên) và mấy người bạn đã có mặt tại cửa rừng để hái lá sâm nam. Chỉ những người quen hái lá sâm nam mới biết chúng mọc ở đâu. Người không quen đôi khi lá ở ngay trước mắt vẫn không nhận ra hoặc hái lộn thứ lá khác như lá mối, lá bát...

Sâm nam trồng trong vườn nhà ở huyện Phú Hòa (Phú Yên).
Sâm nam trồng trong vườn nhà ở huyện Phú Hòa (Phú Yên).
Một người bạn cùng đi hái lá với anh Bình nói: “Tôi có thể thấy bụi sâm nam cách xa vài chục mét vì đọt của nó vươn lên cao, đọng sương mai, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời”. Mỗi người ghi nhớ lối đi có lá sâm nam cho riêng mình. Tích cực rong ruổi, luồn từ đồi này sang cánh rừng kia, đến trưa mới được 1kg lá, đủ cho vợ vò ra bán trong ngày. Anh Bình nói lá này ngày càng ít do người ta phá rừng làm rẫy, hôm nào trúng, hái được nhiều thì bán bớt, giá 100.000 đồng/kg.

Cũng đã lâu rồi, nhiều người lên núi lấy hột, có người bứng cả gốc sâm nam từ rừng đem về trồng vườn nhà. Người dân tại các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An (Phú Yên) hiện trồng nhiều sâm nam để hái lá bán. Tuy nhiên, sâm nam trồng thường bị úng chết, lá mỏng vò không lợi nước bằng lá ở rừng. Thế nên các hộ chế biến thạch sâm nam từ xưa đến nay đều vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lá rừng.

“Nghề lạ” nuôi nông dân

Trước khi chế biến, lá sâm nam được trải ra hong cho dịu đi để khi vò khỏi nát, lá càng già ngả sang màu vàng, càng chất lượng. Chị Phú bán sâm nam ở chợ Hòa Quang cho hay: “Vò sâm nam ai cũng biết. Bỏ ít lá vô thau vò với nước lạnh, lược xác đi, rồi mài chút nang mực biển rắc vô, đợi vài tiếng sẽ đông thạch màu xanh lợt (nhạt), cắt ra từng miếng, hòa nước đường là ăn được”.

Sâm nam là loài dây leo, còn gọi là sương sâm lông, thành phẩm làm ra từ lá của nó gọi là thạch sâm nam, sương sâm hoặc sâm sương. Theo đông y, thạch sâm nam có công năng hạ nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng và giải độc.

Còn chị Hoa - một người chuyên nghề làm sâm nam nói: “Dễ làm thì cũng dễ hư. Sạch sẽ là khâu phải nghĩ đến trước tiên khi vò sâm nam. Nang mực bỏ nhiều cũng hư, ít cũng hư. Khi vò không khéo thì sâm nam nổi bọt làm bề mặt không mịn, mau rã thành nước. Kén nhứt là nước để vò, có khi cả xóm chỉ có một giếng nước vò được sâm nam thôi, phải đến đó xin nước về vò. Bán 2-3 ngày, sâm nam hư một bận coi như hết lời”.

Theo anh Cao Thanh Bình, nếu không trục trặc gì, mỗi ngày vợ chồng anh kiếm được 400.000 đồng từ làm sâm nam, đủ trang trải, lo cho con ăn học và có tích trữ.

Sau nhiều năm làm nghề sâm nam những lúc nông nhàn, nhiều gia đình ở Hòa Quang đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang. Chị Hoa nói: “Cả Phú Yên giờ chắc chỉ khoảng vài ba chục hộ chuyên nghề. Người dân ở đây vẫn còn thói quen ăn sâm nam, như là món quà vặt hằng ngày, có nhà dùng đãi khách hoặc để tủ lạnh ăn dần, nhất là dịp lễ tết, ngày nắng nóng. Nghề này lai rai sống được, khi nào người ta hết ăn sâm nam thì mình mới nghỉ làm”.
                                                                                       Theo: danviet
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.569
Tổng truy cập: