CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái: Xây dựng nông thôn mới, đâu phải cứ có tiền là làm tốt
(Ngày đăng: 23/11/2013   Lượt xem: 640)

“Nhiều người nghĩ Hà Nội có tiền nên xây dựng nông thôn mới (NTM) dễ hơn các địa phương khác. Thực tế không phải như vậy. Ở thủ đô, nhiều nơi có tiền, lại về đích chậm hơn những nơi khó khăn về kinh tế nhưng biết khơi dậy nguồn lực trong dân” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Hà Nội Nguyễn Công Soái (ảnh bên), khẳng định.

Với vị thế là Thủ đô, nhưng TP Hà Nội có tới gần 85% diện tích đất tự nhiên thuộc khu vực nông thôn với 401 xã (trong tổng số 577 xã, phường), trong đó có 44 xã vùng đồi gò và 13 xã miền núi. Vậy, đâu là bí quyết để đến hết năm nay có 48 xã đạt tiêu chí NTM như chương trình, mục tiêu Thành ủy đề ra?

Đó là mục tiêu trong năm nay, còn dài hơn, theo Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố, từ nay đến năm 2015, phấn đấu có hơn 40% số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn NTM. Trong đó, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa đạt 87%, trạm y tế được kiên cố hóa đạt 98%, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia từ 50-55%; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%, 66% thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; có 100% số cơ sở giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu về an ninh, quốc phòng. Đây là một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong xây dựng NTM.

Tôi thường tự nhủ, làm việc gì cũng cần phải có lòng say mê thì mới mong gặt hái thành công được.

Thực tế thành công ở một số địa phương thời gian qua cho thấy, công tác xây dựng NTM đòi hỏi phải biết phát huy tốt mọi nguồn lực, trong đó giữ vai trò chủ đạo là nguồn lực từ chính nhân dân. Thời điểm ban đầu, đi đến đâu cũng thấy kêu khó. Nhiều người còn “thách đố” chúng tôi làm được, vì theo họ việc xây dựng NTM đã có chủ trương từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng chưa ở đâu thành công. Muốn làm tốt được vấn đề này, các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở phải nâng cao nhận thức cho người dân; cán bộ phải gương mẫu, giải thích, tuyên truyền cho họ, coi đây là công việc của cả cộng đồng xã hội, phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Thêm vào đó, mỗi cách làm hay, sáng tạo được phổ biến, áp dụng tùy theo hoàn cảnh thực tế mỗi nơi. Nhờ vậy, chỉ trong vài năm phong trào xây dựng NTM mới đã có những bước tiến vượt bậc ở Thủ đô. Thay vì ỷ lại, trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước như trước đây, nay tại nhiều địa phương công việc này đã có được sự đồng thuận cao từ mỗi người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, thôn xóm. Từ nhận thức đúng đắn xây dựng NTM là phục vụ cho chính lợi ích của mình nên mọi nguồn lực đã được huy động tại chỗ khá hiệu quả. Đó chính là bí quyết mà Hà Nội đã, đang và sẽ thực hiện.

Quy hoạch xây dựng là một vấn đề quan trọng trong xây dựng NTM, song chi phí cho việc này khá tốn kém. Phải chăng Hà Nội có cách làm riêng của mình để vừa giảm kinh phí lại vẫn bảo đảm quy hoạch?

Đúng là xây dựng NTM phải có quy hoạch cụ thể vừa mang tính tiêu chuẩn và tầm nhìn lâu dài. Nếu theo chỉ đạo của Trung ương, chi phí cho mỗi quy hoạch như vậy phải mất hàng tỷ đồng. Trong khi một địa phương phải có tới ba quy hoạch, bao gồm quy hoạch khu dân cư, sử dụng đất và kết cầu hạ tầng. Để thực hiện công tác này một cách có hiệu quả mà giảm chi phí, Hà Nội đã giao cho từng địa phương góp ý, lấy ý kiến nhân dân, sau khi thống nhất thuê thiết kế đưa ba quy hoạch vào một dựa trên thực địa và các quy hoạch đã có từ trước. Vì vậy, lẽ ra phải tốn kém hàng tỷ đồng cho công tác quy hoạch, nay giảm xuống còn khoảng 400 triệu đồng. Số tiền dư ra được sẽ đưa vào đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Khi quy hoạch xong, các địa phương tập trung vào thực hiện. Nhờ việc quy hoạch đã thông qua nhân dân và một phần nhờ họ đóng góp ý kiến trong quá trình thiết kế nên mọi người đều đã thông suốt, do vậy khi triển khai được đồng thuận, thống nhất hơn. Chính vì lẽ đó, hiệu quả của công tác này cũng tốt hơn.

Sau năm năm sáp nhập, Hà Nội được mở rộng hơn, đồng nghĩa với diện tích đất tăng lên, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là đất sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một lĩnh vực quan trọng của xây dựng NTM. Vậy địa phương đã thực hiện công tác này thế nào?

Mặc dù sản xuất nông nghiệp những năm qua gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền các cấp, được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, sản xuất nông nghiệp Thủ đô vẫn có bước phát triển, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội).

Chỉ tính năm 2012, tổng giá trị nông, lâm, thủy sản toàn thành phố đã đạt 8.727 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2008. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng đã được chuyển dịch theo hướng tích cực, trồng trọt tăng 43,93%, chăn nuôi 51,54% và dịch vụ nông nghiệp tăng 3,53%. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 1,75%, các chương trình, đề án phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, phát triển cây ăn quả chất lượng, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển sản xuất hoa, cây cảnh, phát triển rau an toàn, nuôi trồng thủy sản... cũng từng bước phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Làm công tác Đảng nhưng lại giữ trọng trách Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM của Thành phố, việc nào được ưu tiên hơn?

Công tác Đảng với tôi là chuyên trách còn chức Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM là kiêm nhiệm. Chuyên trách đang chỉ đạo “kiêm nhiệm”. Tuy nhiên, công việc nông thôn đang có sức thu hút khá mạnh mẽ đối với tôi. Là người sinh ra từ làng quê thuộc Hà Nội, tôi yêu công việc này là có cái lý của nó. Nhiều khi do bận với công việc, tôi dành cả những ngày nghỉ xuống các vùng nông thôn để kiểm tra, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, xem họ nói gì, nghĩ gì, muốn gì ở người cán bộ, ở cơ chế chính sách để từ đó mà đưa ra những chính sách áp dụng phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân. Để giải đáp băn khoăn cho vợ vì lý do gì mà say mê với NTM đến thế, tôi đã chọn ngày chủ nhật, đích thân lái xe đưa bà xã đi xuống các vùng thôn quê để cùng cảm nhận và chia sẻ với tôi về cái sự “phải lòng” ấy. Đến với người dân vất vả, tới những cánh đồng hoa, đồng màu, làng quê trù phú, thành quả của công tác xây dựng NTM, vợ tôi cũng hiểu ra và ủng hộ tôi rất nhiều. Tôi thường tự nhủ, làm việc gì cũng cần phải có lòng say mê thì mới mong gặt hái thành công được.

Còn một năm nữa cái đích 40% số xã đạt chuẩn NTM cần hoàn thành, trong khi bây giờ mới đạt hơn một nửa chỉ tiêu. Ban Chỉ đạo chắc phải tập trung dồn sức cho công tác này?

Đúng vậy! Tuy mới đạt hơn nửa chỉ tiêu, song có nhiều việc đã ổn rồi. Giống như ta xây nhà, cứ phải cất nóc mới coi là hoàn thành. Bây giờ ở nhiều địa phương khối lượng công việc coi như đã xong tới 99% rồi, còn chờ “cất nóc” nữa thôi. Dù vậy, một khối lượng công việc lớn vẫn còn đang cần phải giải quyết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với nhiều việc cần làm khác, hiện nay tại nhiều địa phương của thành phố đang tập trung vào công tác dồn điền, đổi thửa. Tuy không thuộc tiêu chí xây dựng NTM, song không làm tốt việc này thì không hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được. Và đây cũng là việc khó. Ở Sóc Sơn phải mất gần tám năm mới hoàn thành công việc này. Sau đó, vừa làm vừa học tập rút kinh nghiệm, đến nay các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa đã và đang gấp rút hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa. Sau khi xong việc này, các địa phương nói trên bắt tay ngay vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch và tiến độ đặt ra. Chính vì vậy, khi đặt ra mục tiêu 40% số xã đạt chuẩn NTM, Thành phố đã có căn cứ cụ thể, bảo đảm.

Cũng phải nói thêm, xây dựng NTM là cần dựa trên sự đồng lòng, thống nhất, có cơ chế, chính sách phù hợp thực tế chứ không phải cứ có nhiều tiền là làm được. Biểu hiện rõ nhất là huyện Đông Anh, tiền huy động vào xây dựng NTM khá lớn, song lại đi chậm hơn các huyện nghèo như Đan Phượng, Gia Lâm. Đó là kinh nghiệm và có lẽ cũng là bí quyết để Hà Nội vững vàng hơn trong công tác xây dựng NTM.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                                                             Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.569
Tổng truy cập: