CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
“Bác sĩ” của cá, tôm
(Ngày đăng: 05/08/2013   Lượt xem: 609)
15 năm làm trong ngành thủy sản là 15 năm ông Đặng Hồng Đức không ngừng sáng chế ra nhiều sản phẩm thuốc thú y, giúp nông dân thoát nghèo

“Với tôi, mỗi công trình là thành quả của cả tập thể, gắn với những kỷ niệm vui buồn, gắn với bà con nông dân. Các thành tích tôi đạt được trong suốt quá trình công tác có rất nhiều đóng góp của anh em đồng nghiệp, của lãnh đạo công ty, hơn hết là của rất nhiều bà con nông dân ở khắp mọi miền đất nước” - ông Đặng Hồng Đức, 41 tuổi, kỹ sư thủy sản Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie (quận 9, TP HCM), khiêm tốn khi nói về những sáng chế của mình.

Miệt mài nghiên cứu

Ông Đức nhớ lại thời gian từ năm 2008 đến 2010, bà con nông dân thường nuôi thủy sản với mật độ dày nên cá, tôm dễ bị “stress”, cho sản lượng thấp. Khi đó, chưa có công ty thuốc thú y nào có khả năng sản xuất thuốc dinh dưỡng để khắc phục tình trạng trên. Trong khi đó, thuốc ngoại nhập có giá rất cao. Đọc nhiều tài liệu trong và ngoài nước, ông nảy sinh ý tưởng sản xuất sản phẩm có hiệu quả tương tự nhưng giá rẻ hơn. Được sự ủng hộ của ban giám đốc, ông cùng đồng nghiệp tích cực nghiên cứu để tìm ra công thức bào chế thuốc. Ông còn tìm ra nhiều chất phụ gia có giá rẻ để tiết giảm chi phí. Sau nhiều lần thử nghiệm, năm 2010, công thức thuốc Nutrifish hoàn thành trong niềm hân hoan của cả công ty. Thuốc giúp cá, tôm tăng sức đề kháng, lớn nhanh, đều mà giá rẻ, chất lượng bảo đảm.
 
Ông Đặng Hồng Đức (đứng) hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm cho bà con nông dân
 
Sản xuất thuốc dinh dưỡng đã khó, việc tìm ra thuốc phòng, trị bệnh cho cá, tôm còn khó hơn. Ông Đức nhớ mãi quá trình tìm ra kháng sinh trị bệnh đường ruột cho tôm, cá. Để sản phẩm áp dụng hiệu quả trong thực tế, ông phải nuôi cá thí nghiệm trong thời gian dài, kiên trì nghiên cứu công thức, tìm kiếm các thành phần chính, chất phụ gia của thuốc để tìm ra “liều an toàn”. Trộn được công thức phòng bệnh, ông tiếp tục nghĩ cách bào chế liều tối ưu để trị bệnh. “Đây mới thực sự là bài toán khó vì thuốc trị bệnh phải được pha chế một cách chính xác tuyệt đối, nếu không sẽ phản tác dụng. Tôi phải thử thuốc với các liều lượng khác nhau trên tôm, cá bệnh nhiều lần” - ông Đức cho biết. Các thí nghiệm đã được ông lặp đi, lặp lại ít nhất 6 lần/7 ngày, trong vòng hơn 3 tháng. Thế nhưng, lúc chuẩn bị áp dụng, ông phát hiện môi trường khó kiểm soát trong ao nuôi cũng tác động đến hiệu quả của thuốc. Vì vậy, ông quyết định bỏ thêm công sức khảo nghiệm trên ao nuôi trong 6 tháng nữa để tìm ra liều thuốc chuẩn nhất. Kết quả cho những tháng ngày vất vả là thuốc phòng, trị bệnh đường ruột ở thủy sản do ông và đồng nghiệp sản xuất được bà con nông dân tin dùng.

Được nhà nông xem như người thân

Tâm huyết với nghề, từ năm 2008 đến nay, ông Đức đã bào chế thành công 9 loại thuốc cho động vật thủy sản, làm lợi hàng tỉ đồng cho công ty. Ông là một trong những cá nhân tiên phong trong việc đưa mô hình nuôi trồng thủy sản công nghiệp đến với bà con nông dân.

Xuất thân từ nông dân nên ông Đức hiểu và cảm thông với nỗi lo của bà con mỗi khi mùa vụ cận kề. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, ông luôn trăn trở làm thế nào để những tiến bộ khoa học được chuyển giao rộng rãi đến địa phương. Không quản ngại khó khăn, ông còn tìm đến và tư vấn kỹ thuật tại ao nuôi cho bà con ở khắp các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Mũi Cà Mau. Ông tâm niệm: “Nơi nào nuôi thủy sản, nơi đó là nhà tôi. Tôi luôn muốn góp sức mình giúp bà con làm giàu, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nước nhà. Sung sướng nhất là mỗi khi đến các vùng quê, tôi luôn được bà con coi như người thân”.

Từ nhiều năm nay, ông Đức còn tham gia câu lạc bộ “Bác sĩ tình nguyện nông nghiệp” của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho nông dân huyện Nhà Bè, TP HCM. Ông còn giúp bà con tại đây thay đổi mô hình nuôi tôm sú truyền thống sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2012, ông chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ, TP HCM. Ngoài ra, ông còn phối hợp với Hội Nông dân TP HCM mở 4 lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá điêu hồng, cá rô phi, cá chép, cá lóc, tôm càng xanh cho nông dân huyện Bình Chánh.

Anh Giang Thanh Chung (nông dân xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Nhờ có anh Đặng Hồng Đức, chúng tôi biết về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản công nghiệp để thoát nghèo. Anh như anh cả trong gia đình, luôn nhiệt tình giúp đỡ bà con mọi lúc mọi nơi”. 

                                                                                      Theo: Người Lao Động

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.525.698
Tổng truy cập: