Từ xa xưa, chữ Nôm Dao đã gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Tuy nhiên, hiện nay người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao không còn nhiều, chủ yếu là lớp người cao tuổi. Trăn trở trước thực trạng này, một số người cao tuổi ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ đã tìm hiểu và mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho bà con địa phương, góp phần lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.
Ông Triệu văn Thuận, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, một người cao tuổi tâm huyết với chữ Nôm Dao bày tỏ tâm tư: "Chữ này tôi học từ năm 90... qua nghiên cứu cũng mấy chục năm rồi. Chữ Dao cũng mai một nhiều, tôi quan tâm nhất việc truyền lại cho giới trẻ người Dao nắm được tri thức bản địa cội nguồn xa xưa cha ông truyền lại về chữ Nôm Dao này".
Những lớp học chữ Nôm Dao ở xã Hợp Tiến luôn được huyện Đồng Hỷ quan tâm, hướng tới cộng đồng người Dao đều có thể nói và viết được chữ Nôm Dao. Hiện chính quyền địa phương liên tục mở các khóa học chữ Nôm Dao, mỗi khóa học diễn ra trong 10 ngày, có khoảng 30-40 học viên. Các thành viên cũng khá đa dạng, có cả các em nhỏ và lớp thanh niên, người lớn tuổi theo học. Hầu hết các học viên đều có chung một suy nghĩ là người Dao phải biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao để hiểu thêm về văn hóa dân tộc, từ đó bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Ngoài các lớp học được huyện Đồng Hỷ tổ chức tập trung tại xã Hợp Tiến, nhiều người cũng đã tranh thủ lúc rảnh rỗi tìm đến những bậc cao niên để học chữ Nôm Dao.
Với 70% dân số là người dân tộc Dao, xã Hợp Tiến hiện có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đó là nghi lễ cấp sắc, chữ Nôm Dao và nghệ thuật may thêu trang phục dân tộc Dao. Những di sản văn hóa phi vật thể này luôn được chính quyền địa phương và người dân trân trọng, lưu giữ và bảo tồn.
Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Chúng tôi triển khai sâu rộng tới đồng bào dân tộc thiểu số. Các đồng chí lãnh đạo huyện cũng quan tâm. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền trên thông tin đại chúng để đồng bào học chữ Nôm Dao và thêu thùa của đồng bào Dao".
Bộ chữ Nôm Dao truyền thống là di sản quý giá, đại diện cho văn hóa của dân tộc Dao không gì thay thế được. Để hiểu rõ về các di sản văn hóa của đồng bào Dao việc đầu tiên là phải giữ được chữ Nôm Dao. Chính vì vậy, huyện Đồng Hỷ đã có chính sách hỗ trợ về việc dạy chữ cũng như công nhận các nghệ nhân đã có nhiều đóng góp để bảo tồn, phục hồi chữ Nôm Dao.
Bà Lê Thanh Mai, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Hàng năm tham mưu cho huyện Đề án bảo tổn di sản văn hóa danh thắng làng nghề của huyện Đồng Hỷ, giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm hiện tại huyện đã thành lập được 64 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Trong 8 di sản văn hóa trên địa bàn huyện thì đồng bào Dao có 3 di sản. Phong trào học chữ Nôm Dao những năm qua đã phát triển. Phòng VHTT tiếp tục mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao với mong muốn bảo tồn chữ Nôm Dao. Bởi biết chữ Nôm Dao mới hiểu được văn hóa đồng bào Dao và nghi lễ cấp sắc đồng bào Dao".
Chữ Nôm Dao của đồng bào dân tộc Dao là di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc duy trì và phục hồi những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở huyện Đồng Hỷ đã góp phần bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề và du lịch của tỉnh Thái Nguyên.