Nghề thủ công truyền thống các dân tộc được hình thành từ nhu cầu cuộc sống, trải qua quá trình tồn tại lâu dài, các kỹ thuật dần được cộng đồng tích lũy, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những sản phẩm tạo ra từ nghề thủ công luôn thấm đượm các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và khả năng sáng tạo không giới hạn của cả cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, nghề thủ công truyền thống đã chịu sự tác động lớn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến dần mai một. Một số nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ “thất truyền”. Điều này gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Nghề thủ công truyền thống có vai trò rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng, là hoạt động nhằm tạo ra các công cụ lao động, săn bắt, hái lượm; dụng cụ sinh hoạt; y phục, trang sức; nhạc cụ… Tất cả những sản phẩm này đều được chế tác thủ công và đã tồn tại trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của mỗi dân tộc. Mỗi sản phẩm được làm ra đều mang đậm giá trị về văn hóa, nghệ thuật, tâm linh, hàm chứa trong đó cả một hệ thống các tri thức dân gian được đúc kết, trao truyền trong suốt quá trình chế tác của các nghệ nhân.
Mỗi nghề thủ công lại cung cấp các sản phẩm khác nhau, như nghề rèn đúc tạo ra các công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt; chạm khắc đáp ứng nhu cầu về tâm linh, làm đẹp của mọi người; đan lát tạo ra các công cụ sinh hoạt, lao động, sản xuất; nghề dệt vải, thêu may trang phục tạo ra những bộ trang phục mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác… Có thể nói, mỗi nghề thủ công đều có vai trò riêng, không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng. Giờ đây nghề thủ công đã trở thành loại hình di sản văn hóa độc đáo, nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế.
Hơn 30 năm tái lập, tỉnh Lào Cai luôn rất quan tâm đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế. Ngành văn hóa và thể thao luôn xác định bảo tồn văn hóa nói chung, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và sản phẩm nghề là một trong những nhiệm vụ chính của toàn ngành.
Nghề thủ công được công nhận là di sản văn hóa đã góp phần khẳng định vai trò của nghề thủ công trong đời sống của cộng đồng. Sản phẩm được làm ra từ nghề thủ công đã trở thành nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng trong định hướng phát triển du lịch, kinh tế của các địa phương, như nghề thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc…
Nghề thủ công truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc. Nghề thủ công tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng, phù hợp với phong tục, tập quán của cộng đồng mỗi dân tộc. Sản phẩm nghề thủ công là kết quả từ sự khéo léo, khả năng thẩm mỹ đầy tính sáng tạo của các nghệ nhân được đúc kết trong quá trình chế tác của họ. Do đó, nghề và sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống được xem là loại hình di sản văn hóa đặc trưng. Toàn bộ quy trình làm ra sản phẩm đều mang giá trị về văn hóa, tri thức bản địa rất cao.
Với thực tế đó, những năm qua, tỉnh Lào Cai rất quan tâm đến bảo tồn nghề thủ công truyền thống, coi việc bảo tồn nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bảo tồn văn hóa các dân tộc. Cùng với bảo tồn và phát huy nghề, vấn đề vinh danh nghề thủ công truyền thống cũng rất được quan tâm. Trong tổng số hơn 20 nghề thủ công truyền thống được UBND tỉnh công nhận, thì có 14 nghề thủ công được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa.
Hệ thống tri thức của nghề thủ công được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ bảo vệ và tổ chức các lớp trao truyền trong cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn giá trị của nghề. Sản phẩm từ nghề thủ công vừa góp phần làm giàu hơn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng từ phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm từ nghề thêu dệt thổ cẩm.
Với sự đa dạng về mẫu mã, màu sắc, hoa văn trang trí được tạo nên từ giá trị đặc trưng về văn hóa dân tộc nên các sản phẩm được cộng đồng làm ra theo phương pháp thủ công đã trở thành một loại sản phẩm đặc thù, được khách du lịch ưa chuộng.
Mặc dù nghề và sản phẩm nghề thủ công có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng các dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi sản phẩm đều mang đậm giá trị văn hóa tiêu biểu của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của công nghệ, đã tác động nhiều đến các sản phẩm từ nghề thủ công. Một số nghề đang có nguy cơ mai một do cộng đồng dần thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm từ nghề thủ công. Trước thực tế đó, các cấp, các ngành cần có giải pháp hỗ trợ cộng đồng bảo vệ và phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn giá trị của nghề thủ công trong bối cảnh hiện nay.
Trước sự mai một, biến đổi nhanh của nghề thủ công truyền thống các dân tộc như hiện nay, các địa phương cần tăng cường nghiên cứu, đánh giá cụ thể về giá trị tiêu biểu và vai trò của mỗi nghề thủ công truyền thống trong cộng đồng mỗi dân tộc. Dự báo về những biến đổi của các sản phẩm được làm ra từ nghề thủ công. Từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, chính sách đặc thù hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của mỗi nghề phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và vinh danh các nghề thủ công truyền thống có những giá trị tiêu biểu về văn hóa, nghệ thuật và hệ thống tri thức dân gian được cộng đồng gìn giữ, thực hành và trao truyền để sáng tạo ra các sản phẩm đặc thù của dân tộc.
Thực hiện tốt hơn nữa chủ trương “biến di sản thành tài sản”. Mỗi nghề thủ công truyền thống là một loại hình di sản văn hóa, bởi các sản phẩm được tạo ra đều thấm đượm các giá trị văn hóa tộc người, được chắt lọc từ kinh nghiệm và sự sáng tạo của cộng đồng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Mỗi sản phẩm được làm ra từ một nghề thủ công truyền thống đều mang những ý nghĩa và giá trị riêng, phù hợp với phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng. Cần giúp cho cộng đồng thu được lợi ích về kinh tế từ sản phẩm nghề thủ công của họ.
Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng bảo vệ và sử dụng sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, nhiều sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống đã trở thành sản phẩm nghề đặc trưng, được mọi người quan tâm, sử dụng. Đặc biệt là sử dụng trang phục truyền thống do cộng đồng mình tự làm ra, bởi ngoài ngôn ngữ, thì trang phục có vai trò quan trọng để xác định sự khác nhau của mỗi nhóm ngành dân tộc.
Có thể nói, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của mỗi nghề thủ công truyền thống trong cộng đồng các dân tộc là vấn đề cấp thiết, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành để khuyến khích cộng đồng các dân tộc chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống. Nếu không có chiến lược cụ thể, rất khó khăn để gìn giữ, phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công trong giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ của các sản phẩm công nghiệp như hiện nay.