DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Tu bổ, tôn tạo các di tích phải giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ
(Ngày đăng: 15/08/2024   Lượt xem: 127)

Dẫn ví dụ, chùa đang cổ kính đẹp nhưng sau khi tu bổ, mất tiền thì như chùa mới hiện đại, đại biểu nêu, bảo quản tu bổ di tích phải đảm bảo giữ gìn bản sắc.

Di tích phải được kiểm kê, rà soát, cập nhật hàng năm

Chiều 14/8/2024,tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Chùa đang cổ kính đẹp nhưng sau khi tu bổ, mất tiền như chùa mới hiện đại
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. Quy định cụ thể các chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt về tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân người dân tộc thiểu số.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát các quy định tại dự thảo Luật và chỉnh lý theo hướng quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); các điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực tài chính, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90); nguồn nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại (Điều 84); chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực (Điều 85).

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét nội dung về hành vi sai lệch di sản văn hóa (khoản 1) để phù hợp với việc phổ biến, thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong thực tiễn.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy ý kiến đại biểu rất xác đáng. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định cụ thể hơn về hành vi làm sai lệch di sản văn hóa phi vật thể

Một số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “tổ chức lễ hội” sau cụm từ “lợi dụng hoạt động di sản văn hóa” (khoản 4); rà soát để phân biệt hành vi cố ý và vô ý tìm được di vật, cổ vật trong quá trình đánh bắt thủy hải sản (khoản 6); bổ sung hành vi cấm lấn chiếm đất đai, cảnh quan, mặt bằng, công trình thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (khoản 9); bổ sung hành vi tự ý thay đổi thiết kế khi thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (khoản 10); bổ sung hành vi cấm sử dụng từ ngữ nhạy cảm, quảng bá các sản phẩm không đúng với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung hành vi mua bán, sưu tầm đối với di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp); bổ sung các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa.

Chùa đang cổ kính đẹp nhưng sau khi tu bổ, mất tiền như chùa mới hiện đại
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm kê di sản tư liệu (Điều 11, Điều 23, Điều 54), một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính khả thi đối với quy định mốc thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm kê di sản tư liệu ở địa phương 05 năm một lần và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất bỏ các quy định về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm kê định kỳ 5 năm một lần và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần; danh mục kiểm kê phải được kiểm kê, rà soát, cập nhật hàng năm.

Cần có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cần có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai. Theo đó, cần giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hoá trong tương lai như: tác phẩm điện ảnh, bộ phim nhựa sản xuất trong chiến tranh, di vật của lãnh tụ, dòng họ để giữ gìn các tiềm năng này.

“Cần nghiên cứu phát hiện, xem xét bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu không phát hiện sớm thì sau này theo thời gian mất đi khôi phục thì rất khó” - ông Cường nói.

Dẫn chuyện bảo tồn tại quê hương ông là Vịnh Hạ Long, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn về quy định xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế -xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.

Ông Thanh đề nghị cân nhắc vấn đề này vì các công trình phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đệm, khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo thêm thủ tục hành chính. Vậy có cần thiết không, vì các công trình trên nằm ở trên bờ, cách xa khu vực vịnh.

Chùa đang cổ kính đẹp nhưng sau khi tu bổ, mất tiền như chùa mới hiện đại
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Bà Nguyễn Thanh Hải,  Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích phải bảo đảm di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ, tăng khả năng chống đỡ trước sự tác động của môi trường.

“Vừa qua việc làm mới gây ra xôn xao trong dư luận. Chùa đang cổ kính đẹp nhưng sau khi tu bổ, mất tiền thì như chùa mới hiện đại. Do đó, bảo quản tu bổ di tích phải đảm bảo giữ gìn bản sắc và phải có chế tài nếu xảy ra ảnh hưởng. Vì có di tích không tìm kiếm lại được hình dáng, màu sắc của di tích đó nữa” - bà Nguyễn Thanh Hải nói và đề nghị ngăn chặn việc làm mới các công trình di tích lịch sử mà không đảm bảo yếu tố về lịch sử, kiến trúc.

                                   Theo:  congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
73.226.724
Tổng truy cập: