DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(28)- Đánh thức tiềm năng văn hóa - du lịch Hòa Bình (1): Những người lưu giữ hồn chiêng, văn hóa xứ Mường
(Ngày đăng: 23/08/2023   Lượt xem: 73)

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, hội tụ các điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, văn hóa song sự phát triển của du lịch Hòa Bình thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17 (2020-2025) xác định xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

“Đây là chiêng thạch sùng, kia chiêng da cóc. Còn chiếc này là chiêng phân ngôi dát vàng độc nhất vô nhị, có người đến tham quan sẵn sàng trả 250 triệu đồng để được sở hữu nó nhưng tôi chỉ cười…”, Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Mường - Bùi Thanh Bình say sưa giới thiệu về bảo tàng hơn 6.000 hiện vật mà ông dày công sưu tầm suốt 40 năm qua.

Theo các nhà nghiên cứu dân gian, chiêng Mường là loại hình văn hóa đặc sắc, chứa đựng những linh thiêng huyền diệu, đầy sức hấp dẫn trong văn hóa dân gian và trong đời sống của người Mường. Văn hóa cồng chiêng được sáng tạo, lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa rất riêng.

Đánh thức tiềm năng văn hóa - du lịch Hòa Bình (1): Những người lưu giữ hồn chiêng, văn hóa xứ Mường  ảnh 1

Gian trưng bày hàng trăm chiêng Mường cổ được nghệ nhân Bùi Thanh Bình nâng niu, gìn giữ như báu vật

40 năm sưu tầm di sản văn hóa Mường
Vốn là người con xứ Mường nên ông Bùi Thanh Bình có ấn tượng sâu đậm và cảm tình với các di sản văn hóa của dân tộc mình. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi là hướng dẫn viên du lịch, ông Bình đã đưa rất nhiều đoàn khách quốc tế đến các bản làng vùng sâu, vùng xa của người Mường. Du khách rất thích trải nghiệm các nông cụ, nhạc cụ, đồ gia dụng mang đậm bản sắc văn hóa Mường. Thế nhưng mỗi lần trở lại, chứng kiến những nếp nhà sàn, những đồ dân tộc mà ông bà, cha mẹ và bản thân mình được tiếp xúc từ nhỏ cứ thưa thớt rồi mất dần theo thời gian khiến ông rất trăn trở. Ý tưởng bảo tồn các di sản văn hóa Mường nhen lên từ đó.

“Ban đầu tôi chỉ nghĩ sẽ thu gom làm một bộ sưu tập nhỏ, nhưng càng làm lại càng đam mê và có được bộ sưu tập đồ sộ như hiện nay” - ông Bình kể. Bắt đầu sưu tầm từ năm 1983, đến nay, ông Bình đã sở hữu hơn 6.000 hiện vật. Tất cả được ông nâng niu, gìn giữ và trưng bày tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường do chính mình tạo dựng, hoạt động từ năm 2014 đến nay. Bảo tàng được bố trí khoa học, mỗi gian tương ứng với một chủ đề như Văn hóa Hòa Bình trưng bày các hiện vật từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm sứ; khu tâm linh của người Mường. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với bảo tàng rất thích thú với các di sản đậm bản sắc văn hóa Mường, từ các nông cụ, trang phục, đồ gốm sứ cho đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc biệt là gian trưng bày chiêng Mường với hàng trăm hiện vật có niên đại, kích thước, đặc tính và âm vực khác nhau.

“Chiếc chiêng có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa và đời sống người dân tộc Mường. Tiếng chiêng theo họ suốt cuộc đời. Từ lúc sinh ra đến khi cưới hỏi, ngày Tết, khi săn bắn, kéo cây làm nhà, cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, đều có tiếng chiêng Mường song hành. Vì vậy, việc gìn giữ giá trị chiêng Mường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bảo tồn, phát huy văn hóa Mường”, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình chia sẻ.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”

Cùng với dòng chảy thời gian, người Mường di cư và sinh sống ở nhiều địa phương trên cả nước. Ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng có một bộ phận bà con dân tộc Mường sinh sống tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức… Dù ở đâu, mỗi người đều ý thức về tổ tiên, nguồn cội và mong muốn gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông.

Có mặt tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường của nghệ nhân Bùi Thanh Bình, chị Bùi Thị Thanh Hiền (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết vì yêu tiếng chiêng của dân tộc mà chị cùng 3 phụ nữ khác cùng xã đi xe máy vượt hàng chục cây số tìm đến gặp và nhờ thầy Bình chỉ dạy thêm các bài chiêng Mường. “Mấy tháng trước, thầy có về xã truyền dạy cho đội văn nghệ chiêng Mường. Ai cũng thích thú, càng học lại càng mê nên mấy chị em tìm đến nhờ thầy chỉ dạy thêm mấy bài mới” - chị Hiền kể và cho biết chồng mình - một người Mường - cũng rất mê xem biểu diễn chiêng Mường, vì vậy khi biết vợ tham gia đội chiêng của xã đã ủng hộ hết mình, sẵn sàng làm thay việc nhà để vợ có thời gian tập luyện hay đi giao lưu, biểu diễn.

Người Mường có 24 lễ hội sử dụng chiêng. Những bài chiêng phổ biến trong cộng đồng như “Đón khách”, “Đi đường”, “Bông trắng, bông vàng”, “Chẩm khẩm”, “Vào hội”, “Đập bông bông”, “Poỏng ba”, “Poỏng chín”… Theo chị Hiền, tiếng chiêng đã ngân vang trong ký ức người Mường từ khi còn nhỏ, tuy nhiên dần thưa thớt theo thời gian. Cộng đồng người Mường hiện sinh sống tại Ba Vì vẫn lưu giữ những chiếc chiêng cổ của dân tộc, thi thoảng có dịp hội hè cũng mang ra sử dụng nhưng không ai đánh đúng bài bản. Vì thế khi xã mời Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình về truyền dạy, ai nấy đều hào hứng tham gia.

Nhờ đó, mỗi dịp có hội làng, ngày hội đại đoàn kết dân tộc hay sự kiện giao lưu văn hóa các dân tộc, đội chiêng Mường xã Khánh Thượng tự tin biểu diễn những bài chiêng một cách bài bản, tự hào phô diễn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. “Chiếc chiêng như biểu tượng của văn hóa Mường, và như tiền nhân đã dạy: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Vì vậy mỗi người Mường chúng tôi, dù đi đâu vẫn luôn nhớ, luôn yêu và mong muốn gìn giữ tiếng chiêng của dân tộc mình” - chị Hiền bày tỏ.

Đánh thức tiềm năng văn hóa - du lịch Hòa Bình (1): Những người lưu giữ hồn chiêng, văn hóa xứ Mường  ảnh 2

Nghệ nhân Bùi Thanh Bình suốt 40 năm sưu tầm di sản văn hoá Mường và phát triển nghệ thuật chiêng Mường - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Hòa Bình

Ngân vang tiếng chiêng Mường
Để bảo tồn giá trị di sản chiêng Mường, khuyến khích các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia giữ gìn, phát huy di sản âm nhạc dân gian, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hòa Bình triển khai đề án “Bảo tồn chiêng Mường”. Toàn tỉnh thành lập được hàng trăm câu lạc bộ giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị chiêng Mường, nổi bật là thị trấn Mường Khến, các xã Phong Phú, Suối Hoa (Tân Lạc), thị trấn Bo, các xã Vĩnh Tiến, Xuân Thuỷ, Nam Thượng, Kim Lập (Kim Bôi)… Những lớp học và câu lạc bộ đều được hình thành từ sự đam mê, yêu thích của người dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Ở các bản làng, nhiều nghệ nhân chiêng còn tự tổ chức các lớp dạy nghệ thuật chiêng và văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình cho biết hàng năm các địa phương có cộng đồng Mường sinh sống đều đặn tổ chức các lớp ngắn hạn và mời ông về truyền dạy các bài chiêng Mường. Ban đầu là truyền dạy cho lớp người lớn tuổi, khoảng 3 năm trở lại đây, đối tượng được mở rộng tới các em học sinh trên địa bàn. Ông Bình đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương làm rất tốt công tác này. Bà con dân tộc Mường ở Thủ đô không chỉ được tiếp nhận văn hóa âm nhạc truyền thống của cha ông một cách bài bản mà còn được địa phương hỗ trợ kinh phí và dụng cụ học tập, nên ai nấy đều hồ hởi tham gia. “Không chỉ bà con mà bản thân tôi - một người con dân tộc Mường, yêu văn hóa và chiêng Mường - cũng rất vui khi có thể lưu truyền, góp phần gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc mình cho thế hệ sau”, nghệ nhân Bùi Thanh Bình tâm sự.

Để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị, chiêng Mường được đưa vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Điển hình như tại Lễ hội chiêng Mường năm 2016, hơn 1.600 nghệ nhân cùng tham gia trình tấu chiêng với chủ đề “Vật báu hồn thiêng”, xác lập kỷ lục Việt Nam. Chiêng Mường cũng hiện hữu trong các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, trở thành sản phẩm du lịch được ưa chuộng của du khách mỗi khi tới Hòa Bình.
                                         Theo: anninhthudo.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.495.182
Tổng truy cập: