DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(43)- Cụm tháp 'hút' các nhà nghiên cứu nghệ thuật Chăm
(Ngày đăng: 25/06/2023   Lượt xem: 103)

Nhà khảo cổ học Ngô Văn Doanh từng nhận định: 'Cụm tháp Khương Mỹ không có gì khác lắm so với những ngôi tháp cổ Champa truyền thống nhưng những tác phẩm điêu khắc đá, những hình chạm khắc trên mặt cả ba ngôi tháp lại là những đối tượng thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật Chăm'.


Từ làng Khương Mỹ...

Làng Khương Mỹ là một làng cổ của Quảng Nam, nay là thôn Khương Mỹ (thôn 4), xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Nhà nghiên cứu Phú Bình trong cuốn “Dấu cũ Hà Đông” (NXB Văn học, 2016) cho biết ở trang 81: “Tại vùng tháp Khương Mỹ và phụ cận người địa phương phát hiện rất nhiều dấu vết của những móng tường thành mà sau đó vào năm 1466 người Việt đã tận dụng để làm thành quách chăng?…”.

Ngôi thành mà tác giả Phú Bình đề cập là thành Đa Lang đã được Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt Sử ký toàn thư: “Ngày 23 (tháng 2 năm Bính Dần - 1466) các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang, Đa Lang, Cổ Lũy ở Chiêm Thành mở thông đường thủy, đắp xây thành bảo để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đến thẳng cửa biển Thị Nại” (Bản dịch của Viện Sử học, NXB KHXH&NV, 1972, tr.136).

Phú Bình cho rằng: “Xứ Ly Giang thuộc vùng Thăng Bình, Quảng Nam và xứ Cổ Lũy thuộc Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) còn xứ Đa Lang có lẽ nằm giữa hai vùng kia và có nhiều khả năng là vùng tháp Khương Mỹ và tháp Chiên Đàn”. Theo tác giả, nhiều khả năng Đa Lang xuất phát từ chữ Pa-nưng (cây cau) vì vùng ven tháp Khương Mỹ hiện nay còn có xứ đất với tên gọi là xứ Cây Cau!

Không tìm thấy dấu tích của địa danh Khương Mỹ trong Phủ biên tạp lục (1776) nhưng sách Địa bạ Gia Long (soạn trong thời kỳ 1812-1818) cho biết Khương Mỹ thuộc Liêm hộ của huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam. Làng có tứ cận: “Phía Đông giáp xã Phú Hưng (tổng Đức Hòa Trung), lập cột đá làm mốc. Phía Tây giáp xã Phú Lân Đông, lập cột đá làm mốc. Phía Nam giáp xã Đức Hòa, lập cột đá làm mốc. Phía Bắc giáp sông”.

Theo sách Đồng Khánh Địa dư chí (1887-1890), Khương Mỹ là một trong 54 xã (thôn, phường, ấp) của tổng Đức Hòa Trung, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình. Từ năm 1906, Khương Mỹ thuộc tổng Phú Quý, huyện Hà Đông rồi phủ Hà Đông và sau đó là phủ Tam Kỳ nhưng với tên Phú Khương (có lẽ do nhập với xã Phú Hưng).

Năm 1962, Khương Mỹ thuộc xã Kỳ Hưng, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín; từ năm 1983 đến nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành.

... Đến cụm tháp Chăm độc đáo

Cụm tháp Khương Mỹ có đặc điểm chung của một cụm tháp Chăm truyền thống còn tồn tại, gồm ba tháp dạng hình vuông nằm trên trục Bắc - Nam, có một cửa chính và 5 cửa giả. Cửa chính luôn quay mặt về hướng Đông, hướng mặt trời mọc, biểu trưng cho sự sống. Ba tháp có cấu trúc và hình dáng như nhau: hình vuông, có ba tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, đỉnh tháp được làm bằng sa thạch.

Bên cạnh sự “bình thường” rất giống với các tháp Chăm truyền thống khác, nếu đi vào tiểu tiết ta sẽ ngạc nhiên với nhiều điểm độc đáo:

Thứ nhất, đây là một cụm tháp Chăm còn khá nguyên vẹn (so với những tháp Chăm có cùng niên đại) dù trải qua hơn 1.000 năm tồn tại.

Thứ hai, cụm tháp Khương Mỹ nằm ở phía Nam kết hợp cùng cụm tháp Chiên Đàn nằm cách đó một đoạn chưa đầy 5km ở phía Bắc tạo nên điểm nhấn độc đáo của không gian đô thị Tam Kỳ. Khách du lịch từ Bắc vào, đến thành phố Tam Kỳ vẫn thường ví von: Đến thăm Tam Kỳ khách được chào đón bằng một tháp Chăm (Chiên Đàn) và tiễn đưa bằng một tháp Chăm (Khương Mỹ). Ít có đô thị nào trên cả nước có được đặc điểm này!

Thứ ba, về mặt vị trí, theo tính toán chưa đầy đủ của chúng tôi thì ba tháp Bằng An, Chiên Đàn và Khương Mỹ có thể nằm trên một trục kinh tuyến (độ lệch không đáng kể). Không biết khi quy hoạch xây dựng người Chăm có “chủ ý” tính toán điều này (hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên). Nếu có, ta phải ngạc nhiên về trình độ thiên văn học của họ ngày đó!

Thứ tư, theo các nhà nghiên cứu thì tháp Khương Mỹ được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ X (có thể là cuối thế kỷ IX) với kiểu tháp Nam lớn nhất và đây chính là cụm tháp cuối cùng được xây dựng theo kiểu tháp Nam lớn nhất để sau đó chuyển sang thời kỳ của kiểu tháp Giữa lớn nhất mà Chiên Đàn được xem là ngôi tháp đầu tiên (cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XI).

Thứ năm, về mặt chức năng, cụm tháp Khương Mỹ không giống như nhiều tháp Chăm truyền thống. Tại Khương Mỹ, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy các tác phẩm điêu khắc mang tính chất Vishnu giáo, không tìm thấy dấu tích của Brahma và Shiva, nên đây được xem là khu đền tháp dành riêng cho thần Vishnu.

Thứ sáu, tác giả Ngô Văn Doanh cho biết ở trang 170 cuốn Văn hóa cổ Champa (NXB Văn hóa Dân tộc, 2002): “Cụm tháp Khương Mỹ không có gì khác lắm so với những ngôi tháp cổ Champa truyền thống nhưng những tác phẩm điêu khắc đá, những hình chạm khắc trên mặt cả ba ngôi tháp lại là những đối tượng thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật Chăm vì đây là những tác phẩm mang tính chuyển tiếp giữa hai giai đoạn hay hai phong cách bản lề trong lịch sử nghệ thuật Chămpa: giai đoạn trước thế kỷ thứ X và giai đoạn từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVI và từ đó mới có được những phong cách kế tiếp nhau của nghệ thuật Chăm… Đến nay các tháp Khương Mỹ đã được các nhà khoa học định vị yên ổn vào một vị trí mang tính bước ngoặt của lịch sử nghệ thuật Chăm. Chính vì vậy Khương Mỹ được xếp vào một phong cách riêng: phong cách Khương Mỹ”.

“Phong cách Khương Mỹ” cũng được nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh lý giải trong cuốn Di tích Chăm ở Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 2008, tr.49): “thể hiện được sự chuyển tiếp từ những mạnh mẽ, dữ dội của phong cách Đồng Dương sang những nét nhẹ nhàng trang nhã của phong cách Trà Kiệu”.

                                   Theo: baodanang.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.476.605
Tổng truy cập: