DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(36)-Mở lối đi riêng cho di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh (Bài 2): Loay hoay bảo tồn, phát huy di sản phi vật thể
(Ngày đăng: 16/09/2020   Lượt xem: 265)

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu của xứ Thanh được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Trò Xuân Phả (Thọ Xuân); Trò diễn Pôồn Pôông (Ngọc Lặc); Lễ hội Trò Chiềng (Yên Định); Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh); Trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê (Đông Sơn); Lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc); Nghề đúc đồng làng Chè (Thiệu Hóa); Lễ hội đền Độc Cước (Sầm Sơn); Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa); Lễ hội đền Mưng (Nông Cống); Xường giao duyên của dân tộc Mường (Ngọc Lặc). 3 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể (Lễ hội Quang Trung; Hát nhà trò Văn Trinh; Nghề đục đá làng Nhồi) đang trình Bộ VH,TT&DL xem xét đưa vào danh mục. Tuy nhiên, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau công nhận nói riêng dường như vẫn là bài toán khiến nhiều địa phương loay hoay.

Từ niềm vui những di sản đầu tiên được vào danh mục

Năm 2016, trò Xuân Phả chính thức được Bộ VH,TT&DL ký quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa được đưa vào danh mục, là niềm tự hào với xứ Thanh nói chung và đặc biệt phải kể đến sự “vỡ òa” cảm xúc vui mừng của nhân dân Xuân Phả mà trực tiếp là những con người nghệ nhân không quản khó khăn, vất vả, miệt mài ngày đêm tìm cách khôi phục lại những tích trò độc đáo.

Vỡ òa là bởi, dù có lịch sử ra đời từ xa xưa, được lưu truyền trong đời sống người dân song biến động của lịch sử, chiến tranh khiến cho trò Xuân Phả không tránh khỏi sự mai một, thất truyền. Trong khi tài liệu về trò diễn mang màu sắc cung đình không được ghi chép lại thì những bậc cao niên trong làng được xem là người biết rõ, hiểu rõ về trò diễn cũng không còn nhiều. Trước nguy cơ đánh mất hoàn toàn một trong những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chủ trương khôi phục lại các điệu múa, trò diễn Xuân Phả mới được bắt đầu manh nha. Từ việc “Ăn bánh giò không bằng xem trò làng Xuân Phả” thì lúc bấy giờ, cả làng Xuân Phả khi ấy để tìm ra những người còn hiểu được về trò diễn còn ít ỏi hơn cả đầu ngón tay. Và hành trình thu thập, tổng hợp các điệu, trò thất lạc trong dân gian bắt đầu thực hiện.

“Kể lại thì thấy đơn giản nhưng có trực tiếp tham gia công tác sưu tầm khi ấy mới hiểu hết những gian truân. Vì chẳng có một sự hứa hẹn chắc chắn nào cả và cũng không ai dám khẳng định việc khôi phục liệu có thành công. Nhưng, vì trăn trở, vì sự thôi thúc với tiền nhân nên cứ cố gắng thôi” - nghệ nhân Bùi Văn Hùng, một trong những hạt nhân trẻ được lựa chọn để truyền dạy trò Xuân Phả nhớ lại.

Hành trình khôi phục trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê (dân ca, dân vũ Đông Anh) cũng là những gian nan, khó khăn mà nếu không đam mê, không say sưa với những giá trị văn hóa dân gian, chắc chắn sẽ chẳng thể có “quả ngọt” di sản văn hóa hôm nay. Vốn là các trò diễn phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, tâm tư tình cảm của nông dân Việt xưa kia. Nhưng kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước bước vào hai cuộc chiến tranh vệ quốc gian khổ, mất mát, hy sinh, nên Ngũ trò Viên Khê cũng không còn được biểu diễn, tổ chức. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những tích trò thuộc dân ca, dân vũ Đông Anh chỉ còn được lưu giữ trong kí ức những người đã từng sống với nó, là cụ Nguyễn Sỹ Lịch, Nguyễn Thị Cốc... Vậy nhưng, may mắn hơn trò Xuân Phả, đầu những năm 2000, trong dự án “khôi phục văn hóa phi vật thể” do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì, việc khôi phục các trò diễn thuộc dân ca, dân vũ Đông Anh đã được bắt đầu. Và sau hơn 10 năm, 12 trong số 13 trò diễn được khôi phục. Để rồi năm 2019, huyện Đông Sơn đã tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Ngũ trò Viên Khê trong niềm vui của nhân dân địa phương, đặc biệt là những người đã dốc lòng tâm huyết cho việc khôi phục di sản.

Khôi phục, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể là một hành trình khó khăn và nhiều thách thức. Điều đó không chỉ với riêng trò Xuân Phả hay Ngũ trò Viên Khê. Bởi, sự gián đoạn trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc và bộn bề khó khăn những năm xây dựng đất nước sau chiến tranh khiến cho những giá trị văn hóa tinh thần không tránh khỏi mai một, mất mát. Dù đó là trò diễn, lễ hội, nghề truyền thống...vậy nhưng, bắt đầu từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 10 khóa IX về Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa thì các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đã và đang được khôi phục, bảo tồn. Và xứ Thanh, với sự đa sắc trong bức tranh văn hóa, con số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được đưa vào danh mục đương nhiên sẽ không dừng lại ở 11 di sản hiện tại.

Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vẫn đang là bài toán với nhiều cấp ngành và địa phương sở hữu di sản.

Loay hoay tìm hướng phát huy giá trị cho di sản văn hóa phi vật thể

Sau những niềm vui, tự hào của những địa phương sở hữu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được đưa vào danh mục sẽ là trách nhiệm. Trách nhiệm trong việc bảo tồn gắn với phát huy giá trị. Di sản dù được phục dựng thành công nhưng nếu không có phương án bảo tồn, phát huy giá trị hiệu quả thì ai dám chắc sẽ không tiếp tục bị mai một.

Trong số 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Thanh Hóa đã được đưa vào danh mục thì huyện Ngọc Lặc sở hữu 2 di sản: trò diễn Pôồn Pôông và Xường giao duyên của dân tộc Mường. Được biết, sau khi được công nhận, ngoài xã Cao Ngọc là “cái nôi” của di sản thì huyện Ngọc Lặc đã tổ chức 3 lớp dạy múa Pôồn Pôông tại 3 xã (Minh Sơn; Thúy Sơn; Thạch Lập) với tất cả 90 học viên. Lớp học do chính các nghệ nhân đã được nhà nước vinh danh như nghệ nhân Phạm Thị Tắng, Phạm Vũ Vượng... trực tiếp truyền dạy. Và hạt nhân tham gia lớp học là những người đam mê với văn hóa truyền thống viết đơn tự nguyện tham gia, cán bộ công chức văn hóa xã...

Ông Phạm Đình Cường - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ngọc Lặc cho biết: “Mục tiêu của các lớp học bồi dưỡng trước hết là “đào tạo” thế hệ trẻ kế cận nắm bắt các giá trị văn hóa của di sản, đây chính là công tác bảo tồn. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ động viên những nghệ nhân, hạt nhân văn hóa trong việc giữ lửa di sản”.

Dù mới chỉ như vậy cũng thực sự đã là rất nhiều cố gắng, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Lặc trong việc bảo tồn di sản.

Ở nhiều địa phương khác, sau lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức khá hoành tráng thì những hoạt động cụ thể, rõ ràng gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thực sự chưa nhiều.

Ngay sau khi trò Xuân Phả được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được biết từ năm 2017, huyện Thọ Xuân đã giao cho phòng chuyên môn xây dựng đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trò Xuân Phả. Tuy nhiên đến nay, một đề án thực sự vẫn chưa thể hoàn thành. Tương tự, tại huyện Yên Định, trao đổi với ông Trịnh Trọng Định - Trưởng phòng VHTT huyện về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Trò Chiềng, được biết: Trước đó, do sự mai một của lễ hội, huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tiến hành phục dựng thành công các trò diễn trong lễ hội và theo quy định, cứ 3 năm tổ chức đại lễ (lễ hội quy mô lớn) một lần. Song một chương trình cụ thể gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào danh mục thì vẫn chưa có. Hiện tại, về phía xã đang động viên các nghệ nhân có tuổi truyền dạy việc “đan” voi chọi (sẽ hóa sau mỗi lễ hội) cho thế hệ trẻ.

Ngay tại TP Sầm Sơn, việc Lễ hội đền Độc Cước được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự “nâng tầm” cho một lễ hội đặc trưng của cư dân biển. Từ đây, lễ hội còn được kỳ vọng sẽ là sản phẩm văn hóa phục vụ du khách khi về du lịch tại Sầm Sơn. Song, cũng theo lãnh đạo phòng VHTT TP Sầm Sơn, thì tùy vào đặc thù của từng loại hình di sản (lễ hội; nghề truyền thống...) mà mỗi địa phương có những cách làm khác nhau. Nhưng thực tế, một chương trình hay đề án cụ thể về việc việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội đền Độc Cước thời gian qua là chưa có.

Quả thực, mỗi loại hình di sản văn hóa phi vật thể sẽ có những đặc thù riêng. Vì vậy, không thể có “mẫu số chung” cho bài toán bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Vậy nhưng, những hành động cụ thể đối với di sản là điều cần thiết. Và để việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực sự hiệu quả, bền vững cần đến là những trăn trở trong cách nghĩ, hướng đi. Và đó đương nhiên không thể chỉ là câu chuyện của những nghệ nhân nắm giữ di sản.

                                                   Theo: vanhoadoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.462.284
Tổng truy cập: