"Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn ngay tình trạng xuống cấp, lấn chiếm di tích di sản. Để mất rồi không thể tìm lại được nên bằng mọi cách phải làm cho được. Thứ hai, nâng cao vai trò của cộng đồng để cùng nhau bảo quản di tích, di sản. Trước hết là cộng đồng ở khu dân cư đó, rộng hơn là cộng đồng ở cấp phường, xã, quận, huyện để cùng nhau bảo vệ di tích di sản đó. Thứ ba, phải đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học cho di tích, di sản, từ đó đề ra các giải pháp tổng thể để bảo vệ. TP chúng ta có 172 di tích, di sản thì mỗi hồ sơ phải có những chi tiết được bảo quản, trùng tu như thế nào, nâng cấp ra sao trong tổng thể, như vậy sẽ giúp cho người làm chủ di sản, di tích đó dễ dàng hơn trong công tác bảo quản, trùng tu và phát huy di tích. Thứ tư, vừa đầu tư ngân sách nhiều hơn nữa, không phải chỉ là 500 tỉ đồng, vừa đẩy mạnh xã hội hóa, không chỉ là 400 tỉ đồng; nếu có số tiền đầu tư như thế thì hoạt động bảo tồn sẽ hiệu quả. Thứ năm, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện tốt hơn công tác bảo quản di tích, di sản" - ông Hải nêu.

Giải pháp cấp bách bảo tồn di sản văn hóa tại TP HCM - Ảnh 1.

Chùa Giác Lâm - di tích văn hóa của TP HCM cần sớm được trùng tu Ảnh: THANH HIỆP

Với 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP HCM đang lưu giữ nhiều tinh hoa di sản văn hóa đô thị. Đây chính là lợi thế, tiềm năng để xây dựng và phát triển các di sản thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa riêng của TP.

Theo thống kê, TP HCM hiện có 172 di tích đã được xếp hạng, 97 công trình địa điểm thuộc danh mục kiểm kê. Thực tế có khoảng 40 di tích, công trình địa điểm thực sự thu hút khách du lịch. Các di tích văn hóa ở TP rất phong phú về nội dung, số lượng và có bề dày lịch sử gắn liền với những nét đặc trưng nhất của người dân Nam Bộ.

Cụ thể, một số di tích trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, thậm chí bị xâm hại, điển hình là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, chùa Giác Lâm (quận Tân Bình). Đây là ngôi chùa cổ, có lịch sử hình thành hơn 250 năm (xây dựng từ năm 1744), đang lưu giữ 113 pho tượng cổ bằng gỗ mít (từ đầu thế kỷ XVIII) và những hiện vật quý giá.

Tương tự, tình trạng xâm hại các di tích cũng xảy ra tại di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (quận 8); di tích quốc gia chùa Phụng Sơn (quận 11)… Mặt khác, các di tích văn hóa đang hoạt động có hiệu quả, mang lại nguồn thu cho ngân sách TP như: Địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà… lại nằm ở khu vực trung tâm thành phố, vì thế dẫn đến mất cân đối, chênh lệch trong quá trình phát huy giá trị của từng di tích, di sản.

Qua cuộc trao đổi, mặc dù nguồn tài nguyên di sản văn hóa TP rất đa dạng nhưng TP HCM vẫn chưa có quy hoạch tổng thể và cụ thể với các di tích, di sản văn hóa tương đồng nhằm xác định giá trị, kế hoạch tu bổ, phối hợp khai thác một cách phù hợp. Ông Phạm Đức Hải tin tưởng: "Năm giải pháp cấp bách này sẽ giúp cho công tác quản lý, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa hiệu quả hơn, xóa bỏ những hạn chế đang đáng lo ngại về di tích, di sản văn hóa tại TP HCM".
                                                                       Theo: nld.com.vn