DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Nỗi lo di sản biến tướng
(Ngày đăng: 30/03/2017   Lượt xem: 783)
Ngày 2-4 tới, lễ đón bằng UNESCO vinh danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” sẽ diễn ra tại không gian trong Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Khác với những di sản đã được UNESCO vinh danh trước đây, bên cạnh niềm tự hào về giá trị văn hóa của dân tộc được tôn vinh, nỗi lo di sản bị biến tướng vẫn đang thường trực.

Sự kết hợp kỳ diệu

Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. Vì thế thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của đất nước, con người Việt Nam mà còn của cả thế giới, vì sự đóng góp làm đa dạng bản sắc văn hóa của UNESCO và thế giới.

Theo GS. Nguyễn Chí Bền, sở dĩ tín ngưỡng thờ Mẫu được vinh danh bởi bản thân nó chứa đựng những sáng tạo độc đáo, sáng tạo văn chương nhằm ca ngợi những nhân vật huyền thoại, thể hiện truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời đây là những câu chuyện dân gian đề cao giá trị người phụ nữ, nói lên khát vọng giải phóng phụ nữ, và tình thương yêu bao la vô hạn đối với người mẹ. “Nó trôi chảy trên dòng thời gian, lắng đọng ở đâu thì thể hiện dấu tích văn hóa đến đó” - ông Bền nói.

Phân tích kỹ hơn về những giá trị nổi bật của di sản, TS. Nguyễn Thị Minh Lý chỉ rõ: Tín ngưỡng thờ Mẫu được vinh danh bởi đó là một nghệ thuật trình diễn tổng hợp có âm nhạc, bài hát, điệu múa, trang phục, có các đạo cụ, lề lối trong trình diễn cùng những thực hành văn hóa như ăn trầu, uống rượu, dâng hương, phát lộc hoặc lắng nghe lời thỉnh cầu, giao tiếp với cộng đồng… Tất cả những cái đó là giá trị văn hóa. Đâu đó có trong các nghệ thuật trình diễn khác của Việt Nam cũng có, nhưng nó đã được hội nhập, tích hợp và sáng tạo ở tín ngưỡng này tạo thành giá trị văn hóa đặc sắc - lên Đồng.

Giá trị văn hóa của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc trình diễn với thể hiện quy tắc ứng xử trong văn hóa tâm linh. Các nghi thức như một vở kịch có lớp lang, được trình diễn theo thứ tự bởi ý niệm, bởi thực hành với sự thay đổi âm nhạc, ca từ, nghi lễ, khăn áo, đạo cụ và cách thức trình diễn. Ngoài ra không thể không kể đến giá trị văn hóa của nghệ thuật điêu khắc, hội họa, trang trí, thêu may trong điện thờ, trang phục và đồ lễ. “UNESCO không vinh danh tín ngưỡng, dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh, mà vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng” - TS. Minh Lý nhấn mạnh.

Dòng chảy và sự tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu vừa làm phong phú thêm giá trị văn hóa, nhưng cũng là thách thức trong vấn đề quản lý. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian có sự biến thiên theo mỗi vùng miền, địa phương chứ không đồng nhất. Thí dụ tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung thường thấy ở vùng hay xảy ra vỡ đê. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ở những nơi xuất hiện dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn. Cách thực hành nghi lễ của mỗi ông đồng, bà đồng các vùng miền cũng khác nhau, không có quy chuẩn chung, khiến hầu đồng dễ bị lợi dụng, biến tướng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể.

Xây “barem” chuẩn

Một thời gian dài, tín ngưỡng này bị cấm. Khi lệnh cấm được dỡ bỏ, một bức màn sương huyền ảo đã phủ lên di sản, gây tò mò rất nhiều người. TS. Từ Thị Loan, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có cái nhìn khá tích cực khi cho rằng sẽ không có việc bùng nổ hiện tượng này: “Thời gian qua chúng tôi đã ghi nhận một số trường hợp các thanh đồng phấn khích quá với sự kiện này. Có một số bộ phận rất tin nghi lễ ấy, nhưng còn đông đảo người dân khác dù khuyến khích thực hành nghi lễ cũng không làm theo bởi họ không có nhu cầu. Vì thế, không nên quá lo lắng về việc bùng phát hiện tượng nhà nhà hầu đồng, người người hầu đồng…”. Thời gian qua, trên nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải hàng loạt video clip cho thấy nghi thức này đã bị lạm dụng, bị lệch lạc, biến tướng. Hầu đồng xuất hiện trên thuyền của những liền anh liền chị quan họ hát giao duyên, ở hội chợ, ngày hội thơ… Nhiều trường hợp hầu đồng tập thể, cô đồng kết hợp chữa bệnh bằng các nghi thức nhảy múa, dẫm đạp lên người khác, sử dụng nhiều loại nhạc bị biến tấu phản cảm. Ở nhiều nơi cửa thiền thanh tịnh cũng xuất hiện các giá hầu đồng với cung văn lảnh lót, mâm xôi thủ lợn, vung tiền ném lộc...

GS. Nguyễn Chí Bền, thành viên tham dự lập hồ sơ di sản lên UNESCO, nhấn mạnh: Tôi không ủng hộ làm hầu đồng tại bất cứ ở đâu như ngoài đường ngoài chợ... Việc tổ chức có thể diễn ra trong chùa, nếu chùa đó có ban Mẫu, song không phải chùa nào cũng có thể tổ chức hầu đồng được. Hiện nay nhiều người hiểu sai, coi hầu đồng với tín ngưỡng thờ Mẫu là một. Do đó, vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn là cộng đồng, những người đang thực hành tín ngưỡng - các ông đồng, bà đồng. Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ có lên đồng mà còn có lễ hội, sáng tạo văn chương và cả tình thương người mẹ.

Cần chế tài xử phạt mạnh

Trong dự thảo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017-2020 đã đưa ra nhiều quy định như thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ. Về trang phục hầu đồng, nhiều thanh đồng cũng thừa nhận có nhiều dị bản, nhiều đồ hoa văn trang trí, đồ trang sức trong thực hành nghi lễ được sử dụng không hợp lý khiến không thể phân biệt được đó là hình ảnh hóa thân của vị thánh nào trong mỗi giá hầu. Tuy nhiên, quy định một trang phục chuẩn sẽ hơi cứng nhắc. Bởi lẽ trong dòng chảy và tiếp biến văn hóa, việc thực hành nghi lễ này ở mỗi vùng miền đều có những tiếp thu và biến đổi phù hợp với mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Thậm chí ngay mỗi người thực hành nghi lễ cũng tùy vào gia cảnh giàu nghèo khác nhau để biện trang phục, đồ lễ lớn, nhỏ. Thận trọng hơn với quy định này, nhiều nhà văn hóa cho rằng trang phục quy định như thế nào cần phải tham khảo và lấy ý kiến từ cộng đồng, chủ thể sáng tạo.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý văn hóa, GS. Nguyễn Chí Bền cho rằng: "Mọi biện pháp quản lý có tính chất cực đoan sẽ rất khó bởi tín ngưỡng thờ Mẫu luôn là hiện tượng đi giữa hai "lực", một bên là quá khứ với các vị thánh, một bên là thái độ hiện tại của người dân đẩy nó lên. Có hiểu rõ mới xác định được thái độ bảo vệ, phát huy kể cả những cái chúng ta thấy phức tạp nhất như ranh giới mong manh giữa tín ngưỡng và mê tín. Biến tướng của di sản chắc chắn có nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị của tín ngưỡng, các nhà quản lý không cương quyết, các nhà khoa học không bắt tay bảo tồn cùng các nhà quản lý”. Đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cho biết đến nay vẫn chưa có trường hợp biến tướng nào trong việc thực hành nghi lễ này được ghi nhận bị xử phạt. Vì vậy, nhiều nhà quản lý kỳ vọng Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu do Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch ban hành tới đây, việc tuyên truyền được đẩy mạnh giúp các thanh đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp, bản sắc văn hóa của người Việt, cùng với việc áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc sẽ giúp ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền…

                                                                                         Theo: saigondautu.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.495.033
Tổng truy cập: