DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Người gìn giữ ‘báu vật’ của cha ông
(Ngày đăng: 05/01/2017   Lượt xem: 481)
Hát ví, hát ống là một loại hình nghệ thuật dân gian rất độc đáo, đặc sắc có một không hai nhằm tạo nguồn vui trong lao động sản xuất. Thế nhưng, trải qua thời gian lịch sử, chúng dần bị mai một...

“Bén duyên” với di sản của cha ông

Theo các bậc cao niên thôn Hậu (xã Liên Chung) kể rằng, loại hình hát ví, hát ống đã tồn tại ở vùng đất này từ vài trăm năm nay ở vùng Chung Sơn, Phủ Yên Thế ngày xưa (nay là thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Thời kỳ phong kiến là lúc hát ví, hát ống ở đây rộn ràng nhất, người dân thường xuyên tổ chức những canh hát bên gốc đa Nhã Nam (Phủ Yên Thế xưa), dưới sân đình làng. Ngày đó các “tay” (phường hát hoặc hội hát) thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, thợ nề… có thể tạm gác lại tất công việc một bên để tham gia các canh hát. Có những canh hát kéo dài cả ngày trời, có khi kéo dài cả tuần trăng. Trong đó có ông Cả Trọng (con trai cả của cụ Đề Thám) cũng tham gia phường hát. Ông Cả Trọng là người rất mê hát ví, hát ống và được xem là người hát hay và đối đáp thông minh nhất nghĩa quân Yên Thế thời bấy giờ.

Nghệ nhân Nguyễn Vân Đài bên dụng cụ chế tác do mình khôi phục cho loại hình hát ống đặc sắc.

Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, loại hình dân gian độc đáo, đặc sắc hát ví, hát ống ở Liên Chung đã bị mai một và có thời điểm tưởng chừng như thất truyền. Nhưng rất may, vẫn còn những nghệ nhân giàu tâm huyết như ông Nguyễn Vân Đài, cả đời trăn trở vì những làn điệu hát ví, hát ống “ngấm sâu” vào trái tim ông từ thuở thiếu thời. Với lối hát mộc mạc, trữ tình, dễ hát, làm say đắm lòng người do chính người dân thôn Hậu dày công gìn giữ, phục dựng như ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Vân Đài (năm nay 76 tuổi) kể lại: Ngay từ khi còn nhỏ (chừng 4 – 5 tuổi) tôi đã được nghe mẹ hát ru ngủ bằng những câu hát ví theo lối cổ ví von, giàu tính giáo dục. Không những vậy, vào các dịp trọng đại như ngày hội làng, tôi được mẹ hoặc chị gái cho ra sân Đình Vường (ngôi đình cổ có vài trăm năm tuổi, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia) chơi, nghe các mẹ, các chị hát đối đáp với nhau cả nửa ngày trời. Về nhà, những lúc rảnh rỗi, mẹ thường dạy tôi hát những câu ví mang tính triết lý và đúc kết của cha ông ta từ ngàn xưa để răn dạy các con, cháu sống bao dung, vị tha, sống có ích…

Thế nhưng, ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, những làn điệu dân ca thấm đẫm tình người ít được ngân vang ở sân đình bởi người dân nơi đây phần lo đánh giặc cứu nước, phần du nhập nhiều loại hình ca hát mới nên bị mai một. Song từ cuối những năm 2000 trở lại đây, ông Nguyễn Vân Đài, một cựu giáo chức nghỉ hưu đã dành thời gian, công sức dày công phục dựng di sản văn hóa dân gian “độc nhất vô nhị” ở Liên Chung đó là hát ví, hát ống. Hiện ông Đài đã phục dựng, lưu giữ hàng nghìn câu hát ví và hàng trăm bài hát ví, hát ống. Trong đó có nhiều bài đặc sắc theo lối hát cổ như: Bài Đố hoa, Hát họa, Tả cảnh, Hỏi đường, … Ngôn từ, giai điệu của loại hình hát ví, hát ống chủ yếu được làm theo thể thơ lục bát, vần vè rất dễ nhớ.

Phục dựng di sản “độc nhất vô nhị”

Nghệ nhân Nguyễn Vân Đài cho rằng: Hát ví, hát ống ở Liên Chung là loại hình nghệ thuật dân gian rất độc đáo thể hiện ngay từ đạo cụ, lối hát cho đến cách hát, cách biểu diễn trên sân khấu. So với các loại hình dân ca khác, hát ví, hát ống có giai điệu đơn giản, gần gũi, dễ học, dễ thuộc, lời hát thường là những câu lục bát. Điểm nhấn của hát ví chính là ở ngôn từ phong phú, khả năng ứng biến linh hoạt của người hát cũng như sự sáng tạo trong lời bài hát. Trong quá trình hát, người hát có thể tự sáng tác sao cho phù hợp với hoàn cảnh.

Ở bài Hỏi đường, mục đích của người hát là để làm quen: Phía bên người con trai hát trước: Rằng ai đi vội về đâu/Dừng chân cho hỏi đôi câu đã nào. Phía bên nữ trả lời: Quê nhà thôn xóm nơi nao/Cho em biết để hôm nào đến chơi! Phía bên nam hát: Đường xa cách trở đôi nơi/Biết rồi hỏi có giữ lời ấy chăng/Đôi ta như gió với trăng/ Như trăng với nước ví bằng bỏ đi/Phải lòng nói trước làm ghi/Làng anh làng Hậu nhà thì ngõ trong.

Khi nói đến nghệ thuật độc đáo này, ông Đài cho biết cụ thể hơn: Hát ví vận dụng lối hát dân ca ở đồng bằng Bắc Bộ. Nội dung câu hát, bài hát có sự ví von và so sánh gọi là hát ví. Nét đặc trưng khác nữa là hát ví, hát ống có làn điệu đơn giản, dễ hát và có thể hát bất cứ ở đâu cũng được (từ ngoài đường, ngoài chợ, ngoài đồng áng… cho đến hát ở sân đình, ở lễ hội, khu công cộng, khu sinh hoạt văn hóa…), cứ gặp nhau có thể hát đối đáp.

Thông qua câu hát sẽ gần gũi nhau hơn. Hoặc khi cặp đôi nam nữ đã yêu nhau hát lên để giãi bày tâm tư, tình cảm của mình, bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình, để củng cố tình cảm. Và khi họ đã hiểu nhau, nhớ nhau rồi thì: Uớc gì tình sánh với tình/Ước gì cành cúc, cành quỳnh sánh đôi

Còn đối với loại hình hát ống nó đặc biệt ở chỗ, hai đội hát (hai phường hát) thông qua một dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre già để khô, thành ống mỏng, có đường kính từ 7-10cm, dài chừng 15-20cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Tuỳ thuộc vào cự ly hát mà sợi dây hai đội sử dụng dài hay ngắn, thường là từ 60 - 70 sải tay (tương ứng khoảng 80 - 90m). Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người nghe dù đứng xa hàng chục mét vẫn nghe rõ tựa như phát ra từ chiếc loa nhỏ.

Lý giải về sự ra đời của hát ống có một không hai ở Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Vân Đài cho rằng: Ngày trước, thời kỳ phong kiến các cụ đề cao quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, nghĩa là dù có thương nhớ nhau cũng chỉ bày tỏ qua lời ca, câu hát. Bởi vậy, các cụ đã sáng tạo ra môn nghệ thuật hát ống rất đặc sắc này để có thể truyền nhau những tiếng hát giao duyên, hát đối nam - nữ, thông qua đó để gửi gắm tâm tư, tình cảm yêu thương, nhớ nhung giữa nam và nữ.

Người con trai hỏi: “Hỏi cô thắt cái bao xanh/Có về làng Hậu quê anh thì về/Làng Hậu có gốc cây đề/Có sông tắm mát có nghề làm ăn”. Người con gái đáp: “Thương anh em cũng muốn về/Chỉ e vụng dại bạn chê, người cười/Thương nhau chín bỏ làm mười/Thế gian cứ nhại ai cười mặc ai”.

Chính nhờ loại nhạc cụ đặc biệt “có một không hai” này mà các chàng trai, cô gái có cơ hội trò chuyện, tâm tình cùng nhau. Họ có thể dùng câu hát nói với nhau những điều mà khi gặp nhau không thể nói thành lời. Cũng từ những canh hát ống này đã có không ít đôi nam - nữ đã nên vợ nên chồng.

Điểm đặc biệt, cái hay của hát ví, hát ống là thể hiện tình cảm thật, yêu là yêu thật chứ không khách sáo, rào trước đón sau như các loại hình nghệ thuật khác: Có yêu thì nói rằng yêu/Không yêu thì nói một điều cho xong. Ở hát ví, hát ống nếu không yêu thì nói toạc ra để cho nhau biết: Bao giờ Trạch để ngọn đa/Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình/Bao giờ cây cải làm Đình/Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta.

Cũng ở loại hình hát ví, hát ống đã thể hiện sự đứng đắn, nghiêm túc, phù hợp với lễ giáo phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, khi nam nữ chưa phải vợ chồng không được ngồi gần nhau, đấm phát, chòng ghẹo nhau, đùa pha, dẫn đến sự hư hỏng. Đứng cách xa nhau mà hát thì cha mẹ chấp nhận ngay, vẫn đảm bảo được tình cảm và tính nghiêm túc, tính trong sáng trong quan hệ nam nữ, ông Nguyễn Vân Đài nhấn mạnh.

Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Vân Đài mong muốn, loại hình hát ví, hát ống độc đáo ở Liên Chung cần được bảo tồn và phát triển không chỉ cấp xã hay cấp huyện mà phải được bảo tồn ở cấp tỉnh, cấp nhà nước, mà xa hơn nữa là lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong tương lai gần.

                                                                                         Theo: kinhdoanhnet.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.473.745
Tổng truy cập: