DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Kết sợi tơ truyền thống
(Ngày đăng: 06/01/2016   Lượt xem: 857)
Đằng sau những ngón đàn, lời ca, vốn nghề, nhịp phách… là những con người đã chấp nhận hy sinh một kiếp để si, để say, một cái say khả kính! Ai đó đã ví các nghệ nhân như đời tằm “rút ruột nhả tơ”, ấy là sợi tơ vàng của truyền thống dân tộc được kết tinh từ ngàn năm trước, lan tỏa đến thế hệ hiện tại và cả tương lai.

Báo công với Tổ nghề

Đôi bàn tay xoa trên mặt kính, đường gân xanh gồ lên trong ánh nắng phản chiếu, chiếc phong bì được lồng khéo léo vào một góc của tấm bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. “Sao hai năm rồi mà cụ vẫn không lấy tiền ra tiêu?”. Nghe tiếng hỏi, bà mỉm cười, mấy sợi tóc bạc trắng lọt khỏi búi khăn quấn đầu, vờn vờn trên vầng trán lấm chấm đồi mồi: “Ơ! Cái chú này chả hiểu gì cả. Cái này khi mà tôi nằm xuống, tôi phải mang xuống dưới kia để còn đãi đằng bà con chứ! Tôi sống cả đời rồi, chẳng có gì ngoài cái vốn văn hóa cha ông truyền lại. Giờ được tặng danh hiệu, thế là từ đây Thánh nghề của tôi được thờ, Tổ nghề của tôi được nhớ, như thời xưa vậy. Tức là tôi cũng có một chút công báo lên với Tổ”. Cụ chính là cố nghệ nhân chèo tàu Tiến Thị Lục, huyện Đan Phượng, Hà Nội, được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian đợt đầu tiên (năm 2001).

Hơn chục năm trôi qua, hình ảnh nghệ nhân già bên tấm bằng phong tặng danh hiệu ấy cứ trở đi trở lại, GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam không sao quên được. Ở đây, mọi giá trị vật chất bị lu mờ, ý nghĩa tinh thần như sức mạnh lan tỏa, thắp sáng tấm lòng thiết tha với văn hóa dân tộc của các nghệ nhân. Việt Nam có biết bao con người như vậy, những con người lúc nào cũng trĩu nặng nỗi băn khoăn trước trách nhiệm lưu truyền, phát triển vốn nghề cha ông để lại, luôn trăn trở trước cái nghiệp truyền thống của một cá nhân khi cùng hòa chung với dòng chảy văn hóa dân tộc, dòng chảy văn hóa nhân loại.


Nghệ nhân làm gốm Đàng Xem, làng gốm Bàu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận)

Mốc son bảo tồn di sản

Đa số các nghệ nhân Việt Nam hiện nay đều đã bước vào tuổi xế chiều, gắn bó mấy chục năm với các loại hình văn hóa dân gian như: xẩm, ca trù, hát Xoan, hát Đúm, hát Dô…; hay nắm giữ các tri thức truyền thống như ẩm thực, nặn tò he, làm diều sáo, chế tác nhạc cụ… Những vốn nghề này có được không chỉ nhờ năng khiếu mà phải dày công, kiên trì khổ luyện và thật sự có “tâm” mới theo được. Như nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương, vào nghề từ năm 17 tuổi, đến nay đã bước sang tuổi 85 vẫn tâm huyết đóng góp trong đoàn rối nước Làng Ra (Thạch Thất, Hà Nội). Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, 88 tuổi ở Hải Dương, được mệnh danh là “Đệ nhất danh cầm” Việt Nam, vẫn đau đáu giữ lửa cho ca trù. Hay cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (ca trù, Hà Nội), cố nghệ nhân Hà Thị Cầu (hát Xẩm, Ninh Bình) đến cuối đời vẫn còn trăn trở với khúc ca, nhịp phách… Hơn bất cứ sách vở, lý luận khoa học nào, họ chính là những người am hiểu sâu sắc đối với di sản văn hóa mình đang nắm giữ, là pho tư liệu sống về những loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc. GS. Tô Ngọc Thanh khẳng định: “Những người có học hàm học vị, ví như leo đến đỉnh cao của khoa học rồi, nhưng muốn nghiên cứu sâu về văn hóa dân gian vẫn phải đến tận nơi học các nghệ nhân. Các cụ chính là người thầy vĩ đại của chúng ta, xứng đáng được tri ân, xứng đáng được vinh danh, ca tụng”.

Cuối năm 2015, những người yêu văn hóa, nghệ thuật truyền thống đón nhận niềm vui lớn, khi Nhà nước chính thức phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây được ghi nhận như một mốc son cho nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc trước những thách thức về tuổi tác của các nghệ nhân, sự mai một làn điệu và nguy cơ biến mất của nhiều nghề truyền thống… Thay vì chỉ được biết đến trong nhân dân, giờ đây, tên tuổi của họ đã được vinh danh, chính thức có danh hiệu được Nhà nước công nhận. Trước đây chỉ âm thầm cống hiến bằng tâm huyết, tình yêu với nghệ thuật dân gian, thì nay, họ được tiếp thêm động lực và tự tin tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ sau… “Được Nhà nước để ý, công nhận, đối với những nghệ nhân đã lớn tuổi như chúng tôi là một món quà tinh thần vô cùng to lớn. Đây cũng là một động lực, sự khuyến khích cho chúng tôi lưu giữ, truyền dạy cho con cháu một cách chuyên sâu, giúp lưu truyền được hồn cốt của dân tộc mình” - bà Phạm Thị Tuyết (Ánh Tuyết), nghệ nhân loại hình tri thức dân gian (ẩm thực) chia sẻ trong dịp đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vừa qua.


Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc và Phạm Thị Huệ

Phục hồi vốn xưa

Nhiều người cho rằng, mỗi nghệ nhân chính là một ngôi sao trên bầu trời văn hóa Việt và việc vinh danh các nghệ nhân cũng giống như hành trình tìm lại “thời gian đã mất”, khôi phục thời huy hoàng của các di sản văn hóa mà cha ông đã sáng tạo nên. Đó cũng là cách để khui ra vốn quý trước bè bạn năm châu trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay.

617 nghệ nhân ở 56 tỉnh, thành phố, quá nửa đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều người cận tuổi 100 như nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế Lưu Hữu Thi, nghệ nhân ca trù Đỗ Thị Khuê… Thực tế đó khiến xã hội không chỉ quan tâm đến việc phong tặng danh hiệu mà còn dồn sự quan tâm đến việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với họ, nhằm tạo điều kiện cho trao truyền, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện hiệu quả hơn. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, với mức cao nhất 1,1 triệu đồng/người/tháng. Các nghệ nhân bắt đầu được hưởng trợ cấp từ ngày 1.1.2016 và ước tính ban đầu sẽ có khoảng 560 nghệ nhân được hỗ trợ. Con số ấy mặc dù khiêm tốn, nhưng là tin mừng năm mới cho các nghệ nhân dân gian Việt Nam. Và có lẽ, niềm vui sẽ còn nhân lên nhiều lần, nếu những báu vật sống ở tuổi cổ lai hy này được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân sớm hơn, không phải chờ đến 5 năm như quy định đối với các nghệ sĩ.

Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú chỉ là bước đi đầu tiên, nhưng đã đặt tiền đề quan trọng, gieo niềm tin vào hành trình bảo tồn di sản thời gian tới.

 TS. TRẦN HỮU SƠN, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Việc Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú có ý nghĩa vô cùng lớn lao về mặt tinh thần, không chỉ đối với nghệ nhân dân gian mà và còn là niềm tự hào chung của xã hội. Từ đó, giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, lan tỏa, phát huy. Tôi tin rằng, đây chỉ là bước khởi đầu, Nhà nước còn phải làm thường xuyên, tích cực hơn nữa, ví như ngọn lửa liên tục được truyền hơi ấm vậy. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, với vai trò của mình, sẽ hỗ trợ hết sức trong việc phối hợp với các cơ quan, chi hội cơ sở để có nhiều biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, mà trước hết là thông qua các nghệ nhân.

___________

Nghệ nhân ca trù VÂN MAI (CLB Ca trù UNESCO Hà Nội): Tôi là nghệ nhân hát ca trù đã hơn 20 năm, nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, tôi rất vui mừng, vinh dự, thấy mình phải cố gắng để xứng đáng với danh hiệu đó. Bây giờ, tôi đang trên đường tìm kiếm, thuyết phục các em nhỏ đến với ca trù, nhưng còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và các em dường như cũng thờ ơ với âm nhạc dân tộc. Tôi không mong muốn gì hơn là với những làn điệu hát cổ tôi còn giữ, sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau, để ca trù không bị mai một.

Lê Thủy ghi


                                                                                            Theo: daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.520.620
Tổng truy cập: