DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Người đau đáu lo cho kho di sản
(Ngày đăng: 10/12/2015   Lượt xem: 761)
Ngày 15/11/2005, Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để có được sự kiện này là một quá trình lao động công phu, bền bỉ của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, trong đó nổi bật là những đóng góp của GS.TSKH.Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam. Ở đây, ông và cộng sự đã tiếp cận văn hóa sử thi và cồng chiêng theo phương pháp đa ngành với hơn 2.000 trang ghi chép cùng rất nhiều phim, ảnh, ghi âm tư liệu lễ hội, tập tục. Nhân tròn 10 năm kỷ niệm sự kiện quan trọng trên, xin giới thiệu chân dung cuộc đời nhà nghiên cứu văn hóa lão thành đó.            

Người lữ hành không mỏi

Có thể gọi GS. Tô Ngọc Thanh là người lữ hành không mỏi. Gần 60 năm nay ông cặm cụi độc hành qua bao “cánh rừng” VNDG. Ví VNDG là cánh rừng, bởi cái gốc hoang dã, tự phát như rừng, ẩn chứa nhiều của ngon vật lạ như rừng và cũng mong manh như rừng; tốt tươi, truyền đời đấy nếu biết giữ gìn, cũng dễ bị hủy hoại nếu vô tình hay hữu ý tàn phá rừng.

Người đau đáu lo cho kho di sản

GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh.

Ông là con cả của họa sĩ danh tiếng Tô Ngọc Vân (1906-1954). Hồi Tô Ngọc Thanh còn nhỏ, nhà danh họa cũng muốn con trai theo nghề mình. Nhưng rồi ông bắt gặp mấy lần cậu bé buổi chiều đứng hàng giờ ngơ ngẩn trước cửa ngôi nhà số 38 Quán Sứ (Hà Nội) để nghe bạn ông là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đàn; ông còn biết chuyện con nhịn ăn sáng nhiều bữa để gom được 15 xu mua một cây sáo 6 lỗ và thường ra công viên thổi lén, ông hiểu niềm say mê nghệ thuật của con đã ngả sang hướng khác. Thi vào lớp sáng tác của Trường trung cấp Âm nhạc khóa 1 (1956-1959), có thể Tô Ngọc Thanh cũng sẽ trở thành nhạc sĩ sáng tác như các bạn cùng lớp về sau đều thành danh như: Hoàng Việt, Hồng Đăng, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Hồng Thao, Vĩnh Cát... Song, anh lại chọn một hướng đi lúc đó rất ít người quan tâm là nghiên cứu âm nhạc dân gian. Tốt nghiệp, “tiếng gọi nơi hoang dã” đã sớm đưa anh lên núi rừng Tây Bắc. Một chuyện như huyền thoại đã xảy ra. Ngày đó, Tây Bắc còn nhiều hổ, do vậy có quy định bất thành văn trong bộ đội và dân công, đi đường rừng phải đông người và tránh buổi chiều tà. Anh cán bộ văn hóa trẻ Tô Ngọc Thanh biết điều đó, nhưng lần ấy đang dở công việc tìm hiểu, ghi chép một lễ hội của người Xá Châu Yên (Cũng cần nói thêm, khúc dân ca Xá nổi tiếng Mưa rơi - Mưa rơi cho cây tốt tươi/Búp chen lá trên cành...là do Tô Ngọc Thanh sưu tầm, ký nhạc trong thời gian này). Sự sốt sắng yêu nghề đã làm anh quên cả nguy hiểm, cứ một mình rảo bước bên bìa rừng. Vừa qua một khúc quanh, ngẩng lên bỗng toàn thân anh sởn gai ốc: cách chừng dăm mét, chú hổ vằn to bằng con bò mộng đang nháp, miệng há đỏ lòm, hàm răng nhọn hoắt, may mà lúc đó mắt nhắm tịt nên nó không nhìn thấy một con người nhỏ bé đang run rẩy cách có đúng một tầm vồ. Bỗng trong khoảnh khắc đứng tim ấy, một khúc gỗ mục to trên cây cao tự dưng rớt “bụp” xuống mặt đường ngay trước đầu chúa sơn lâm. Phản xạ bản năng làm con hổ giật mình, quật đuôi nhảy tót vào bụi rậm. Tại sao khúc gỗ mục lại rơi đúng lúc, đúng chỗ như vậy? Điều này có thể giải thích đơn giản: một sự ngẫu nhiên! Vào đầu năm 1977, khi Tô Ngọc Thanh đang làm nghiên cứu sinh ở Nhạc viện Sofia, Bungari. Hôm ấy ông cùng thầy là GS. TS. Stoijan Diujev tản bộ ở ngoại ô Sofia, gặp một bà già Digan. Dân du mục Digan từ xa xưa đã nổi tiếng về bói toán, bà ta bỗng nhiên chỉ vào Tô Ngọc Thanh nói ngay: “Anh bạn tóc đen. Chuyện đã xảy ra cách đây 15 năm rồi, chính cha anh đã cứu anh thoát chết!”. Họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những liệt sĩ cuối cùng của giai đoạn chống Pháp, ông bị trúng bom tại đèo Lũng Lô khi chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc. Làm sao một người đàn bà xa lạ từ phương trời xa lắc kia, lại nói trúng một sự việc mà chỉ riêng ông biết? Khoa học hiện đại vẫn chưa thể giải thích nổi...

Ta hãy trở lại với sự nghiệp VNDG của nhân vật chính. Gần 10 năm “3 cùng” với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đã cho Tô Ngọc Thanh một vốn hiểu biết đa dạng, phong phú không chỉ trong âm nhạc truyền thống, mà cả các lĩnh vực khác như: tập tục, lễ hội, ngôn ngữ, chữ viết, ẩm thực, trang phục... Một phần của vốn hiểu biết này được đúc kết trong luận văn “Những vấn đề về phương pháp nghiên cứu âm nhạc dân gian”, ông bảo vệ thành công học vị phó tiến sĩ âm nhạc (nay là tiến sĩ) năm 1978. Và 9 năm sau ông bảo vệ xuất sắc học vị tiến sĩ (nay là TSKH) về âm nhạc truyền thống. Bắt đầu những chuyến điền dã không ngừng nghỉ khắp Bắc - Trung - Nam. Sau thời kỳ  làm Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, đến khi lãnh đạo Hội VNDG Việt Nam ông càng đi nhiều, tập hợp được một đội ngũ đông đảo những người tâm huyết với văn hóa truyền thống. Sau Tây Bắc, Tây Nguyên là nơi ông trở lại nhiều lần. Ở đây ông và cộng sự đã tiếp cận theo phương pháp đa ngành với hơn 2.000 trang ghi chép cùng rất nhiều phim, ảnh, ghi âm tư liệu  lễ hội, tập tục của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ông còn đến với những tộc người sống như thuở sơ khai, một học trò của ông sau chuyến điền dã đã kể câu chuyện này. Thầy trò đến làng Đăk Mế, thuộc tỉnh Kon Tum, nơi dân tộc Bờ Râu hiện chỉ còn khoảng 300 người. Họ rất quý khách, muốn kết nạp giáo sư vào cộng đồng. Ông  coi đó là một cơ may và vui vẻ thực hiện “thủ tục”, xắn quần lội xuống suối bắt 3 con cá nhỏ đem nướng. Rồi bà cụ già nhất làng, da mặt sạm đen, nhăn nheo cầm lấy cá bỏ vào mồm, tóp tép nhai, rồi bỏ ra đưa khách. “Công dân danh dự” của làng đã nhai tiếp “ngon lành”. Sau giáo sư giải thích cho học trò: Đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn ở xã hội mẫu hệ, giống như bà mẹ Kinh đồng bằng mớm cơm cho con nhỏ. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là người đã trực tiếp ghi lại thang âm cồng chiêng Tây Nguyên trong bộ hồ sơ đưa không gian cồng chiêng trở thành Di sản văn hóa thế giới, nói rằng: “Tôi luôn kính trọng GS. Tô Ngọc Thanh bởi tầm nhìn, sự hiểu biết về di sản văn hóa dân tộc và chính ông đã chỉ bảo cho tôi cách thức ghi thang âm cồng chiêng sao cho chuẩn mực nhất”.

Đi nhiều, hòa nhập sâu với cộng đồng, có lẽ GS. Tô Ngọc Thanh là người giữ “kỷ lục” ở nước ta về biết nhiều “nội ngữ”. Ông thành thạo trong giao tiếp các tiếng: Mường, Thái, Mông, Lào, Xá, Khơ Mú, Tày, Nùng, Dao, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai (còn ngoại ngữ, ngoài tiếng Pháp, ông tự học tiếng Anh, có thể viết sách hoặc thuyết trình ở các hội nghị quốc tế, hiện ông đang học thêm tiếng Đức). Đến giờ, trước tác của ông về nhiều lĩnh vực VNDG được nhiều đồng nghiệp thừa nhận là đạt chuẩn mực khoa học cao, có thể kể tên các tác phẩm tiêu biểu như: Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969); Âm nhạc dân gian Mường (1971); Fonclo Bahna (1988); Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995)...

Nỗi niềm với kho di sản

Hội VNDG Việt Nam hiện có hơn 1.200 hội viên, trải rộng trong 84 chi hội thuộc 63 tỉnh, thành. Hằng năm, giáo sư Chủ tịch Hội đều mở lớp tập huấn cho hội viên về kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm. Vào năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Hội đã đưa ra kế hoạch mang tên Tầm nhìn 2010, phát động cuộc điều tra di sản trên quy mô cả nước, theo phương châm Chủ tịch Hội đề ra “phải sờ tận tay di sản”. Nghề thủ công truyền thống đục đá, chạm bạc của người Bố Y (còn gọi là Chủng Chá, Tu Dí) ở Hà Giang qua điều tra được biết chỉ sót lại ở một làng và chỉ còn một người nắm giữ di sản là cụ Ngũ Khởi Phối, năm nay đã 78 tuổi. Điệu hát dô ở khu vực thờ thánh Tản Viên, núi Ba Vì cũng chỉ một nghệ nhân đã 94 tuổi biết được làn điệu. Cách truyền nghề “khẩn cấp” do Hội VNDG đưa ra: chọn 10 người già trong xã để nghệ nhân truyền lại. Hội cấp kinh phí cho các bà, tuy chẳng là bao, song các bà phấn khởi, đi học hát còn được tiền. Năm sau cụ nghệ nhân qua đời, 10 bà đã thạo hát dô, lại chọn các cháu gái, trai 13-15 tuổi để truyền tiếp... Qua cuộc tổng kiểm kê như thế mới thấy “cánh rừng” VNDG Việt Nam đang trong tình trạng báo động, nếu không có biện pháp kịp thời để “cứu nguy”, thì chỉ một thời gian ngắn nữa, “rừng” sẽ... biến mất!

Một ngày đầu năm 2007, GS. Tô Ngọc Thanh được đồng chí Trương Tấn Sang lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư mời lên làm việc. Chả là trước đó, đồng chí đã đọc trên báo Lao Động có bài phỏng vấn giáo sư Chủ tịch Hội VNDG: “Hàng nghìn công trình VNDG đang nằm trong kho của Hội. Hội không có kinh phí để văn bản hóa các công trình thuộc về di sản”. Sau cuộc gặp với đồng chí Trương Tấn Sang, GS. Tô Ngọc Thanh còn được bố trí gặp toàn thể Ban Bí thư để trình bày vấn đề cấp thiết ấy. Chính nỗi niềm đau đáu lo cho kho tàng VNDG đang bị mai một, cùng những kiến nghị hợp lý hợp tình đã có sức thuyết phục cao (Trong chuyện này, giáo sư kể với người viết là, có lúc ông nói bằng tiếng Tày về lễ hội, tập tục người Tày, Nùng với đồng chí Nông Đức Mạnh; rồi quay sang đồng chí Tòng Thị Phóng, nói bằng tiếng Thái...). Các vị lãnh đạo đã hoàn toàn nhất trí với đề xuất của ông. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Dự án Công bố và phổ biến tài sản văn hóa VNDG các dân tộc Việt Nam, xuất bản 2000 đầu sách trong vòng 10 năm, Nhà nước đầu tư theo 2 đợt, tổng số tiền ngót nghét 300 tỷ đồng. Sau này có vốn về rồi, ông là Trưởng ban dự án đã tuân thủ ngặt chế độ chi tiêu tài chính, cần nói thêm, mấy chục năm là Chủ tịch Hội, ông không nhận một đồng lương nào.

Kho di sản hiện có 5.000 bản thảo nghiên cứu, sưu tầm, đã chọn được 2.000 công trình để in ấn. Từ 2008 đến nay, Hội VNDG Việt Nam đã phát hành được hơn một nửa số đầu sách của dự án, trung bình mỗi cuốn 300 trang có bản tóm tắt tiếng Anh, được gửi tới tất cả các thư viện trong toàn quốc, đặc biệt còn gửi cho các cụm biên phòng nơi thường xuyên tiếp xúc với các dân tộc thiểu số. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2016. Chính việc văn bản hóa các di sản thời gian qua, đã cứu được 182 di sản đang trên bờ vực của sự mai một.

Trong Đại hội lần thứ VII (2015-2020) Hội VNDG Việt Nam vừa diễn ra, GS. Tô Ngọc Thanh tái đắc cử Chủ tịch Hội và đây là lần thứ 6, tức 30 năm liền ông đảm nhiệm cương vị này. Một trường hợp hy hữu! Điều may mắn là, hiện GS. Tô Ngọc Thanh tuy tuổi cao nhưng còn mẫn tiệp, dẻo dai, hầu như không tháng nào ông không về một vùng di sản nào đó. Và ông cũng đang tập trung trí lực viết một cuốn chuyên khảo lớn nhất của đời mình: VNDG Việt Nam qua các thời đại, dự tính khoảng gần 1.000 trang in. 

                                                                                                          Theo: suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.520.274
Tổng truy cập: