DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Giải pháp giúp các làng nghề phát triển bền vững
(Ngày đăng: 08/12/2015   Lượt xem: 775)
Làm dao, kéo tại làng nghề truyền thống Đa Sỹ (Hà Đông). Ảnh: BÍCH LÊ

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Để quản lý, khai thác và phát triển làng nghề theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, cần phải coi làng nghề là di sản để bảo tồn và phát triển.

Làng nghề đối mặt nhiều thách thức

Làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng về nghề rèn. Cả làng hiện có khoảng 1.000 hộ dân làm nghề rèn, trong đó 70% số hộ trực tiếp sản xuất, còn lại tham gia các khâu dịch vụ, cung cấp vật tư, trang thiết bị. Hàng ngày, người dân phải làm việc trong môi trường bụi bặm, nhiều tiếng ồn, lại thiếu các trang, thiết bị bảo hộ lao động, cho nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính, do số hộ làm nghề đông, quy mô sản xuất lại nhỏ lẻ, cho nên việc quản lý chất lượng sản phẩm rất khó khăn. Năm 2003, chính quyền địa phương đã đề xuất quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề với diện tích khoảng 14 ha, cách xa khu dân cư. Dự án đã được phê duyệt nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở khâu san ủi mặt bằng và quây rào chung quanh. Chính vì vậy, mong mỏi của người dân nơi đây là dự án sớm được hoàn thành để họ yên tâm sản xuất và phát triển làng nghề bền vững.

Theo số liệu của Sở Công thương, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có khoảng 200 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề tồn tại hàng trăm năm nay. Những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài bởi những giá trị lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, các làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa. Tuy nhiên, môi trường, hoạt động sản xuất và cảnh quan của các làng nghề hiện nay đang bị biến đổi bởi tác động của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn. Môi trường các làng nghề bị ô nhiễm. Sản phẩm có sự thay đổi theo xu hướng tiêu dùng của thị trường; những sản phẩm thủ công mất dần theo thời gian; một số sản phẩm độc đáo, đặc sắc vẫn duy trì được nhưng chỉ tập trung ở một số gia đình nghệ nhân... Quá trình đô thị hóa cùng với hoạt động sản xuất đã khiến cho không gian kiến trúc, cảnh quan của các làng nghề bị phá vỡ: các ngôi nhà truyền thống bị phá bỏ để xây mới; các công trình văn hóa dân gian công cộng bị lấn chiếm, biến đổi... Những thách thức trên đang cản trở sự phát triển của các làng nghề theo hướng bền vững.

Quản lý, khai thác làng nghề như những di sản

Để phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong thời điểm hiện nay, nhất là khi Hà Nội đang tập trung xây dựng nông thôn mới, vừa qua, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Làng nghề trong xây dựng nông thôn mới”.

Về góc độ văn hóa, giải pháp mà Hội Kiến trúc sư đề xuất là thành phố cần hoàn thiện bộ khung pháp lý bảo tồn di sản văn hóa làng nghề truyền thống. Cần chú trọng công tác nghiên cứu quy hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Có chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc quy hoạch, giữ gìn bản sắc văn hóa các làng nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của thành phố, trong đó có sản phẩm du lịch của làng nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ có trình độ thẩm mỹ, kiến thức khoa học, sự hiểu biết về truyền thống và văn hóa làng nghề. Nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo tồn các giá trị truyền thống của làng nghề.

Dưới góc độ công tác cải tạo chỉnh trang, bảo tồn cảnh quan làng nghề truyền thống, thành phố cần nhận thức làng như một di sản, một phức hợp cộng cư kiến trúc- cộng đồng lịch sử sống động để có được phương án bảo tồn khả thi, tức là bảo tồn kết hợp với kế thừa và phát triển trong điều tiết. Gắn bảo tồn, cải tạo với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, yêu cầu sản xuất, phát triển du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường. Bảo tồn trên cơ sở đánh giá đầy đủ giá trị kiến trúc cảnh quan làng nghề, đề xuất các giải pháp bảo tồn công trình và quy hoạch bảo tồn thích ứng. Lưu ý các yếu tố tạo nên hình ảnh đặc trưng làng nghề truyền thống. Đối với từng đối tượng, cần ban hành quy chế bắt buộc và hướng dẫn tu bổ, cải tạo hoặc xây mới.

Về quản lý kiến trúc, cần hoàn thiện các công tác như: đánh giá quỹ di sản để làm cơ sở cho công tác bảo tồn và khai thác, phát triển sản xuất. Hoàn thiện tổ chức quản lý, bao gồm hệ thống quản lý nhà nước và hiệp hội làng nghề. Hoàn thiện nội dung quản lý, bao gồm quy hoạch bảo tồn, cấp phép cải tạo, quyền lợi và trách nhiệm, phân bổ lợi nhuận...

Để những giải pháp trên sớm trở thành hiện thực, trước mắt thành phố cần phân loại và đánh giá tiềm năng của các làng nghề để có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển. Bên cạnh đó, cần khẩn trương thực hiện quy hoạch làng nghề; có phương án xử lý ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng cần quan tâm đầu tư mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nông dân tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng phát triển thương hiệu làng nghề, nâng cao vai trò của các tổ chức, hiệp hội, chính quyền địa phương. Đồng thời khuyến khích hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hội thi về sáng tác mẫu mã sản phẩm cho các làng nghề.

                                                                                           Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

32
Đang xem:
72.520.063
Tổng truy cập: