DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
“Giấc mơ hồi sinh” sắp trở thành hiện thực
(Ngày đăng: 30/11/2015   Lượt xem: 378)

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng giới thiệu tác phẩm ủng hộ tại phiên đấu giá.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng giới thiệu tác phẩm ủng hộ tại phiên đấu giá.

Con đường hồi sinh nhà Lang của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đang ngày càng chứng tỏ sự “hướng tâm” của nhiều tấm lòng, sự hội tụ của nhiều nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật. Triển lãm và hoạt động bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật ủng hộ nhà Lang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (ngày 25-11) là một điểm nhấn quan trọng cho hành trình này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

Cảm động vì những tấm lòng

- Thưa họa sĩ Vũ Đức Hiếu, nhìn lại một chút thì trong suốt hai năm qua kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường, công việc tại bảo tàng của các anh có gặp phải khó khăn, va vấp, trở ngại gì không?

- Quả thật là sau những mất mát khó lòng đo đếm về vật chất và giá trị văn hóa của ngôi nhà Lang, chúng tôi còn mang theo một nỗi buồn tiếc lâu dài. Một thời gian dài chúng tôi giữ nguyên trạng do yêu cầu của công tác điều tra. Nhưng sau khi vụ việc tạm dừng không biết khi nào mới khơi lại, chúng tôi vẫn cứ để nguyên như thế đợi ngày bắt tay vào phục dựng.

Chúng tôi vẫn duy trì đều đặn các hoạt động chuyên môn và dịch vụ cần thiết. Vẫn tiếp tục các cuộc sáng tác, trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Vẫn tiếp tục hoạt động sáng tác lưu trú của các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Vừa do có cơ hội, được giới nghề hưởng ứng, nhưng cũng vì không hoạt động không được. Chúng tôi xây dựng và vận hành một bảo tàng tư nhân, bảo tàng phải có hoạt động để nuôi chính nó và những con người ở đây. Và cũng phải trên nền những hoạt động đều đặn ấy, chúng tôi mới chuyên chú được vào chiến dịch gây quỹ cộng đồng phục dựng nhà Lang.

- Đã có 61 tác phẩm của 57 họa sĩ cả trong nam ngoài bắc ủng hộ cho nhà Lang. Anh làm thế nào để được như vậy?

- Tôi nhớ lại thì từ sau khi suy nghĩ một cách hoàn toàn nghiêm túc về việc xin tác phẩm nhằm tổ chức một cuộc bán đấu giá cho nhà Lang, tôi đã đến gặp rất nhiều nghệ sĩ. Khi nguyện vọng được trình bày cụ thể, thì về phía các nghệ sĩ, hầu hết là không ngần ngại, băn khoăn gì, họ trao tặng tranh, tượng cho chúng tôi. Có những bức đã chuẩn bị sẵn, có những bức được chọn ngay tại xưởng, tại nhà khi chúng tôi đến. Ở xa, các họa sĩ chủ động đóng gói và gửi tác phẩm ra Hà Nội. Mọi người động viên, vui vẻ hy vọng công việc của chúng tôi sẽ suôn sẻ. Cho đến giờ, tôi biết vẫn còn người muốn tặng thêm, vẫn còn nghệ sĩ khác nữa muốn tặng tác phẩm. Mọi người đã ủng hộ như vậy đấy! Và cả trước nữa, trong hai sự kiện triển lãm - bán ảnh “Giấc mơ hồi sinh” và triển lãm - sắp đặt “Giai điệu núi đồi” nữa, cũng nhiệt tình, cũng vô điều kiện một cách hào hiệp. Đó là trợ lực vô cùng quan trọng để chúng tôi biết mình, và cả nhà Lang không đơn độc.

- Nhìn rộng ra một chút, anh có suy nghĩ gì về cách tổ chức một hoạt động như thế này, sử dụng tác phẩm nghệ thuật để phục hồi di sản văn hóa?

- Tôi xin nói về chia sẻ của chính các nghệ sĩ đã tặng tác phẩm. Nhiều người thích cách làm này và cho rằng nó có ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa cộng đồng, ý nghĩa xã hội khi mà mỗi người góp một tay vì di sản nhà Lang. Những người khác nhìn rộng thêm khi coi đây là một cầu nối đưa công chúng đến với nghệ thuật qua hoạt động bán đấu giá được giới thiệu rộng rãi. Một số ý kiến cho rằng nên phát huy cách làm này, sẽ càng tăng cường tiếp xúc giữa nghệ sĩ với người xem, nghệ thuật với công chúng...

Cá nhân tôi càng cảm kích trước sự quan tâm của báo chí, truyền thông khi câu chuyện nhà Lang và hành trình hướng về cuộc hồi sinh vẫn được mọi người quan tâm phản ánh rộng rãi.

Ngôi nhà phục dựng sẽ mang tinh thần mới

- Sự kiện triển lãm và bán đấu giá lần này như một cao trào của chiến dịch gây quỹ cộng đồng ủng hộ phục dựng nhà Lang. Sau đây, anh và bảo tàng có dự định gì tiếp theo?

- Chiến dịch đã phát động và đi vào triển khai từ hơn nửa năm nay, không chỉ chúng tôi mà còn nhiều người khác cũng đau đáu với giấc mơ hồi sinh nhà Lang, đặc biệt trong đó có nhiều bạn bè nghệ sĩ là những người góp công sức, tác phẩm ủng hộ. Không nên để mọi người phải chờ đợi lâu!

Chúng tôi đã dự định rồi, sau cuộc triển lãm và bán đấu giá này, trong thời gian tới đây, bảo tàng sẽ khởi công phục dựng nhà Lang. Hiện toàn bộ các chân cột vẫn còn nguyên vị trí vì được chôn xuống đất. Sẽ tùy theo tình trạng của các cột này mà gia cố hay thay thế. Còn từ phần sàn trở lên, vách, các cửa, mái, lan can, và cầu thang, sẽ phải làm lại hết vì đã cháy cả rồi. Nhưng chúng tôi còn hồ sơ, bản vẽ kỹ thuật ngôi nhà, ảnh chụp…, nên về cơ bản, kết cấu, bộ phận, hình dáng sẽ được tái hiện như cũ.

- Có ý kiến cho rằng, dù thế nào thì ngôi nhà Lang mới được dựng sẽ không thể mang đúng tính chất “cổ” của ngôi nhà Lang đã cháy, cả về vật chất lẫn ý nghĩa tinh thần?

- Thật ra, chẳng ai mong ngôi nhà bị cháy để phải cố công tìm cách phục dựng lại cả. Mà ngôi nhà hãy cứ như thế đi, nguyên vẹn, trầm lặng, ẩn chứa trong mình bao nhiêu câu chuyện kể về lịch sử của nó và những hiện vật quý mà chúng tôi đã trưng bày ở đó: dàn cồng chiêng, bộ súng săn, những gùi, những chăn, nệm…

Nhưng giả định đó không có thật, và ta phải đối diện một thách thức khác, đó là ngôi nhà Lang phục dựng có gợi lại được những gì mà nhà Lang trước kia đã mang chứa không? Tôi cho rằng điều này là có thể, ngôi nhà phục dựng sẽ sử dụng vật chất, gỗ lạt… cùng kỹ thuật lắp dựng cổ truyền do chính những thợ mộc người Mường thực hiện. Mà tôi sẽ mời chính những người thợ từng di chuyển và lắp dựng ngôi nhà Lang trước kia tiếp tục tham gia. Nhưng quan trọng hơn thế, là cách chúng ta kể lại về lịch sử ngôi nhà. Và quan trọng nữa, là chúng ta còn phải kể lại rằng chúng ta đã đem đến ý nghĩa mới cho nó như thế nào. Ngôi nhà ấy không chỉ là một công trình được phục dựng, một hiện vật lớn được phục hồi, đó còn là kết tinh của những tấm lòng nghệ sĩ và công chúng, đó là sự tái hiện của di sản bằng những nỗ lực nghệ thuật. Ý nghĩa văn hóa, nghệ thuật và xã hội của ngôi nhà ấy, vì thế sẽ mở rộng hơn nhiều.

Đó là câu chuyện của thời hiện đại, của hiện tại. Và tôi tin, qua những tổn thất, qua những tiếc nuối và buồn bực, câu chuyện ấy sẽ được nhớ như một ký ức đẹp trong lịch sử bảo tồn văn hóa cổ truyền.

- Vậy anh định kể những câu chuyện của ngày hôm nay ấy như thế nào?

- Khoan vội nghĩ đến những câu chuyện. Mục tiêu quan trọng nhất hôm nay của chúng tôi, và nhiều nghệ sĩ đã coi là của họ, của chúng ta, là phục dựng nhà Lang. Chúng tôi phải làm cho xong công việc này đã, một công việc thành tâm, nhưng đòi hỏi những thao tác khoa học và tôn trọng các tư liệu. Không chỉ bảo tàng và những người thợ, chúng tôi sẽ mời một số chuyên gia về bảo tồn, bảo tàng, về kiến trúc và phục hồi di tích gỗ… vào cuộc để cho chúng tôi những góp ý quý báu về chuyên môn và cùng chúng tôi theo dõi, đánh giá thường xuyên khi công trình được thi công. Các hiện vật khác trong nhà, như khung dệt, cồng chiêng, súng săn… cũng nằm trong kế hoạch thay thế hoặc tái tạo trong khả năng cao nhất có thể.

Tôi mong rồi đây, sẽ sớm được đón công chúng và bạn bè văn nghệ sĩ tại ngôi nhà Lang hồi sinh trong một cuộc gặp gỡ giản dị.

- Xin cảm ơn anh và mong kế hoạch phục dựng di sản nhà Lang tiến triển thuận lợi!

                                                                                                         Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.470.836
Tổng truy cập: