DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Lúng túng bảo tồn nhà cổ
(Ngày đăng: 10/11/2015   Lượt xem: 493)

Trong khi quan điểm của ngành văn hóa là dân phải đóng vai trò chính trong giữ gìn nhà cổ thì chủ nhân của những ngôi nhà này lại đang hết sức lúng túng. Lý do: Họ không biết lấy kinh phí từ đâu, và bảo tồn bằng cách nào.

Nét cổ phai nhạt

Đến làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) vào một ngày đầu tháng 11, chúng tôi bị níu chân bởi sức hút kỳ lạ của nhiều ngôi nhà trên 100 năm tuổi, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ với vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi của làng quê xưa. Ngôi nhà cổ của ông Trịnh Đắc Tâm (60 tuổi, trú tại xóm 2 thôn Thổ Hà,  mới được đại tu năm 2009, hiện  có 5 gian chỉ dùng để tiếp khách, 2 gian được sửa để làm khu sinh hoạt của gia đình.

lung tung bao ton nha co hinh anh 1

Ngôi cổ của gia đình ông Trịnh Đắc Mùi ở làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) đang trong tình trạng xuống cấp, một phần mái ngói hư hỏng nặng nề. Ảnh: M.L

Kể lại quá trình trùng tu nhà cổ, gia đình ông Tâm chia sẻ không ít khó khăn. Theo ông Tâm, ngôi nhà là tài sản chung của hai anh em ông, được bố mẹ để lại. Vì vậy, muốn trùng tu bảo vệ nhà cổ cần quy ngôi nhà về một chủ để người đó có trách nhiệm lo liệu, tránh việc chia năm xẻ bảy ngôi nhà. “Việc nâng 30 chiếc cột gỗ của ngôi nhà bằng loại gỗ lim lên 50 phân, chi phí sẽ hết khoảng 90 triệu đồng. Gia đình đành trùng tu từng phần bằng cách thay tạm thời bằng cột bê tông, đến khi kinh tế ổn định sẽ tiếp tục thay thế cột bằng gỗ lim” – ông Tâm cho hay.

Tại một làng cổ nổi tiếng khác là làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), mặc dù vẫn tồn tại nhiều ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp được xây cách đây cả trăm năm nhưng không gian làng cổ đã không còn nguyên vẹn như trước. Nếu chỉ thoạt nhìn bên ngoài, nhiều người sẽ ngỡ làng Cự Đà như những làng quê Việt Nam bình thường.

Tuy nhiên, đặt chân vào từng con ngõ mới thấy những nếp nhà cổ nằm e ấp, bị lép vế bên những ngôi nhà cao tầng. Cụ Trịnh Văn Thái (87 tuổi), người làng Cự Đà bảo: “Ở làng tôi ghi nhận rằng ai giàu đến mấy nhưng nếu không có một ngôi nhà ở quê coi như không phải người làng Cự Đà. Khi chứng kiến những ngôi nhà cổ, hoặc những chiếc cổng làng bị tháo dỡ, dù buồn nhưng biết làm sao được. Cuộc sống biến đổi khiến cấu trúc nhà biến đổi để phù hợp hơn”.

Gian nan việc bảo tồn

"Khi chứng kiến những ngôi nhà cổ, hoặc những chiếc cổng làng bị tháo dỡ, dù buồn nhưng biết làm sao được. Cuộc sống biến đổi khiến cấu trúc nhà biến đổi để phù hợp hơn” - Cụ Trịnh Văn Thái cho biết.

Theo ông Vũ Văn Bằng – cán bộ văn hóa xã Cự Khê,  những yếu tố khiến cấu trúc làng cổ Cự Đà bị phá vỡ do áp lực về dân số khi có từ 4 đến 5 thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà cổ. Cùng với đó, năm 2004, làng Cự Đà được công  nhận là làng nghề làm tương và làm miến, vì vậy không tránh khỏi việc người dân mở rộng mô hình sản xuất khi nhiều ngôi nhà mái bằng được xây dựng để tận dụng  làm nơi phơi miến. Đặc biệt, năm 2010, 80% đất canh tác của xã Cự Khê - trong đó có làng Cự Đà đã nhường lại cho khu đô thị mới Thanh Hà, hầu hết nhà nào trong làng cũng nhận về hàng tỷ đồng tiền đền bù (tổng số tiền đền bù ở Cự Đà là 650 tỷ đồng- số liệu của UBND xã Cự Khê).

Những năm 1980 trở về trước, làng Cự Đà có khoảng trên 100 ngôi nhà cổ, trong đó có khoảng 20 ngôi nhà kiến trúc nửa phương Đông, nửa phương Tây. Còn lại 80% các ngôi nhà theo kiến trúc nhà cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đến nay, số lượng nhà cổ chỉ còn giữ được trên 50 ngôi. “Để làm hồ sơ công nhận làng cổ Cự Đà ở thời điểm hiện tại là rất khó vì không gian của làng cổ đã bị phá vỡ. Trong khi làng chưa được công nhận danh hiệu làng cổ thì việc tuyên truyền quảng bá thúc đẩy du lịch làng nghề cũng trở nên khó khăn hơn” – ông Bằng cho biết.

Hiện tại số lượng nhà giữ được nguyên bản chưa được trùng tu sửa chữa, làm mới tại nhiều làng cổ đã ngày càng trở thành “của hiếm”. Tại Thổ Hà, cả làng còn duy nhất ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Đắc Mùi (68 tuổi) ở đến nay đã là đời thứ 8. Việc mua được nguyên liệu thay thế đúng với nguyên bản là bài toán khó đối với người dân sống tại nhiều nhà cổ hiện nay. Ông Mùi lo lắng: “Cứ khoảng 20 năm, gia đình tôi lại thuê thợ đảo ngói một lần. Mỗi lần chi phí thuê thợ và mua sắm nguyên vật liệu cũng hết chục triệu đồng. Mỗi lần đảo lại mái nhà, tôi phải lên khu Hiệp Hòa (Bắc Giang) mua ngói về thay thế”.


Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội: Hầu hết làng cổ chưa được công nhận

Hiện nay, tính riêng Hà Nội có khoảng 60 ngôi làng cổ trên 100 tuổi, nhưng chỉ có làng Đường Lâm là được công nhận. Thông qua kinh nghiệm quản lý phát huy giá trị di tích Đường Lâm, mới thấy được giá trị  và sức sống của di sản không như là một phố cổ của Hà Nội hay phố cổ Hội An. Thực ra, việc bảo vệ làng cổ bằng việc dùng pháp luật -đặc biệt là Luật Di sản điều chỉnh là điều rất khó. Dự kiến cuối năm 2015 này, Sở sẽ hoàn thành đề án tổng kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố, trong đó sẽ xác định luôn các làng cổ hiện tại và giá trị của từng nơi để phối hợp với các địa phương bảo vệ những ngôi nhà cổ, giữ gìn làng cổ.

Ông Bùi Tá Thành – Phó chủ tịch UBND xã Vân Hà (Việt  Yên, Bắc Giang): Khó cho người quản lý

Xã chúng tôi ngoài việc thống kê những ngôi nhà cổ thì chưa có chính sách hỗ trợ cho người dân, vì địa phương cũng nghèo. Tôi nghĩ, việc hỗ trợ cho người dân giữ gìn nhà cổ cần có vai trò của các cấp trung ương, tỉnh, huyện, còn cấp xã kinh phí không đủ. Nhiều ngôi nhà cũng được sở, ban, ngành liên quan yêu cầu khi sửa chữa cần phải báo cáo. Tuy nhiên nên báo cáo vấn đề này về đâu, báo cho ai? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Vì vậy, việc gìn giữ làng cổ hiện tại chỉ dừng lại ở góc độ tuyên truyền cơ sở chứ chưa có biện pháp thiết thực, cụ thể trong việc bảo vệ.

                                                                                                             Theo: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.570
Tổng truy cập: