DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn ca trù bền vững
(Ngày đăng: 06/11/2015   Lượt xem: 469)

Biểu diễn ca trù tại buổi Tọa đàm Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội.
Biểu diễn ca trù tại buổi Tọa đàm Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội.

Trên địa bàn thành phố hiện có 14 nhóm ca trù, với 220 người tham gia biểu diễn. Con số này vượt xa so với sáu năm trước, khi ca trù được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, loại hình âm nhạc truyền thống này vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát triển, trao truyền cho các thế hệ sau. Nhiều nhà khoa học đề nghị Hà Nội, "thủ đô" của ca trù, có những biện pháp đột phá, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị ca trù được bền vững.

Mừng, nhưng vẫn lo

Hà Nội hiện là nơi sở hữu "vốn" ca trù nhiều nhất cả nước. Sau sáu năm kể từ ngày ca trù được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại, ca trù đã có những bước phát triển đáng kể. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, hiện trên địa bàn thành phố có 14 câu lạc bộ, nhóm ca trù đang hoạt động. Một số câu lạc bộ đã tạo được tiếng vang cả trong và ngoài nước như: CLB Ca trù Thái Hà, CLB Ca trù Hà Nội, Giáo phường Ca trù Thăng Long... Trong đó, 220 người có thể trình diễn, 50 người đủ khả năng truyền dạy. Đây là con số đáng ghi nhận nếu so với thời kỳ làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản. Khi ấy, toàn thành phố chỉ có vài nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Cùng với đó, các nghệ nhân đã khôi phục thành công khoảng 30 thể cách, điệu múa trong ca trù, sáng tác thêm một số làn điệu mới. Thành phố cũng đã hai lần tổ chức Liên hoan nghệ thuật ca trù, như những "cú huých" để các nghệ nhân gắn bó hơn với di sản này.

Tuy nhiên, cho đến giờ, ca trù vẫn nằm trong diện cần được bảo vệ khẩn cấp. Và nguy cơ bị rút lại danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vẫn còn hiện hữu. Lý do bởi sự "hồi sinh" này còn hết sức mong manh, chủ yếu do tự phát. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh thừa nhận: "Thời gian qua, ngành văn hóa mới chỉ hỗ trợ được các thiết bị như loa, đài, nhạc cụ cho một số câu lạc bộ. Ca trù được khôi phục phần lớn nhờ cái tâm, nhờ sự say nghề của các nghệ nhân".

Chính vì phụ thuộc hoàn toàn vào tâm của nghệ nhân, cho nên đối với một số câu lạc bộ, nguy cơ các ca nương, kép đàn "nửa đường đứt gánh" rất dễ xảy ra. Ca nương Phạm Thị Huệ - Giáo phường Ca trù Thăng Long, cho biết: "Giáo phường chúng tôi luôn chú ý đào tạo thế hệ trẻ. Nhưng một số em sau này đã bỏ nghề, mặc dù có năng khiếu và giọng hát tốt. Bởi vì các em chưa nhìn thấy tương lai của ca trù". Một cái thiếu hết sức quan trọng, như Giáo sư Tô Ngọc Thanh - Hội Văn nghệ dân gian phân tích là số lượng thể cách được khôi phục còn quá nhỏ bé so với vốn cổ, các câu lạc bộ cũng chỉ diễn được khoảng mười thể cách. Về "lượng" tuy có tăng, nhưng về "chất" còn là vấn đề phải bàn. Về sâu xa, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược mang tính tổng thể để bảo tồn, phát huy giá trị ca trù một cách bền vững.

Cần có những giải pháp chiến lược

Ca trù hiện tồn tại ở 14 tỉnh, thành phố. Với bề dày văn hóa, Hà Nội là "Thủ đô" của ca trù, với lực lượng câu lạc bộ, nghệ nhân, tần suất biểu diễn, chất lượng nghệ nhân tốt nhất cả nước... Tại cuộc Tọa đàm Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể ca trù do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đề nghị, với vai trò "đầu tàu" như vậy, Hà Nội không nên trông chờ những chính sách của Trung ương rồi mới tiến hành. Thành phố cần xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiên phong, để góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù trong cả nước.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa) cho rằng, Hà Nội cần có một cuộc đánh giá toàn diện, tổng thể di sản về ca trù. Từ đó, xây dựng đề án bảo tồn cụ thể. Trong đề án bảo tồn này, cần xác định những vấn đề ưu tiên một cách cụ thể như; đầu tư cho việc truyền dạy di sản; tạo điều kiện cho ca trù có không gian biểu diễn, thực hành thường xuyên ở những địa điểm khác nhau. Ca trù hiện nay vẫn chỉ truyền dạy bằng phương pháp truyền miệng, vì thế Hà Nội cần sớm tư liệu hóa một cách hệ thống để khi các nghệ nhân cao niên mất đi rồi, vẫn có thể dùng tư liệu này để truyền dạy.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh là người có nhiều đóng góp trong xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong việc xây dựng hồ sơ này, những tư liệu khai thác từ các câu lạc bộ ca trù Hà Nội chiếm vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, ông rất gắn bó và luôn đồng hành với ca trù Hà Nội. Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, Hà Nội nên cụ thể hóa việc bảo tồn ca trù bằng xây dựng những chương trình mục tiêu cụ thể. Có chương trình mục tiêu, thì việc triển khai sẽ thuận lợi hơn, với các mục đích rõ ràng, như việc ấn định đến năm bao nhiêu, phải đạt được những mục tiêu cụ thể thế nào về số người có thể trình diễn, về số lượng thể cách được khôi phục, về số câu lạc bộ... Song song với chương trình mục tiêu dài hơi, thì có những kế hoạch cụ thể. Nếu như chương trình mục tiêu giải quyết những vấn đề có tính bao quát, lâu dài, thì kế hoạch xử lý từng bước những vấn đề cấp bách. Giáo sư Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: "Nếu coi di sản ca trù là một tòa tháp, thì hiện nay ta mới đang khôi phục được ở tầng đầu tiên mà thôi. Vậy cần phải tính khôi phục các "tầng" tiếp theo. Một chương trình tổng thể, mỗi năm xây một "tầng" thì tôi cho rằng trong mười năm nữa, ca trù sẽ được phát huy giá trị mạnh mẽ".

Song song với việc bảo tồn các giá trị di sản, thì việc tìm kiếm và "nuôi" khán giả là điều cần thiết. Hiện huyện Đông Anh đã làm khá tốt điều này, với việc đưa ca trù vào các tiết học của học sinh tại xã Liên Hà - nơi có ca trù Lỗ Khê, cùng một số xã lân cận. Nhiều nhà nghiên cứu đề xuất mô hình này cần được nhân rộng, trước hết, là ở những địa phương có ca trù. Vì chỉ khi có khán giả thì ca trù mới có môi trường để tồn tại một cách bền vững.

                                                                                                                                 Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.490
Tổng truy cập: