DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Nỗi lo bảo tồn đàn bầu
(Ngày đăng: 09/10/2015   Lượt xem: 463)

Cũng giống như nhiều nhạc cụ truyền thống, giờ đây việc bảo tồn và phát triển đàn bầu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập đang đứng trước vô vàn thách thức. Trong đó, hai vấn đề lớn được đặt ra là công tác đào tạo và sáng tác các tác phẩm dành riêng cho đàn bầu.

Biểu diễn đàn bầu. (Ảnh minh họa).

Ngày 8/10, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, CLB Nghệ sĩ đàn bầu Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật đàn bầu ở Việt Nam”, với sự tham gia của các nghệ sĩ, chuyên gia âm nhạc và các nhà quản lý. Qua đó, điều dễ nhận thấy là vấn đề đào tạo, truyền nghề cũng như bổ sung các tác phẩm mới cho đàn bầu… hiện đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

PGS.TS Phạm Tú Hương chia sẻ: Khi tôi còn làm ở khoa Lý luận sáng tác của Học viện, có một thời gian bộ môn sáng tác yêu cầu bắt buộc mỗi học sinh khi tốt nghiệp phải có một tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc. Tuy nhiên, đến nay yêu cầu này đã không còn được áp dụng. Theo tôi, dù tác phẩm của các học sinh viết chưa hay nhưng đây cũng là bước đầu dành cho những người sáng tác có tham vọng viết các tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc.

Có thể thấy, kể từ khi bộ môn đàn bầu được đưa vào giảng dạy trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp, cho đến nay hình thức sáng tác vẫn lấy cải biên, chuyển soạn âm nhạc dân gian (như dân ca, nhạc cổ) là chính, về thủ pháp sáng tác phần lớn vẫn mượn chất liệu dân gian. Việc thiếu những sáng tác mới, mang hơi thở thời đại cho đàn bầu là do đâu? Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thế hệ trẻ không còn “mặn mà” với âm nhạc dân tộc. Đây chính là điều mà PGS.TS Tú Hương trăn trở.

Bà rất băn khoăn với một việc chưa làm được đó là các học sinh học khoa Sáng tác hiện nay cần phải có được những tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc. Bởi thực tế, không còn nhiều học viên chú ý đến việc sáng tác các tác phẩm ở thể loại này. Chúng ta cần duy trì lại mô hình xưa, nếu không nói là bắt buộc với các sinh viên khoa sáng tác. Muốn phát triển bộ môn đàn bầu, hoặc nhạc cụ dân tộc thì trong các học viện âm nhạc nên coi đây một yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là sinh viên tại các khoa sáng tác.

Còn theo NSƯT Quang Vinh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, không riêng gì với sinh viên đang theo học các trường âm nhạc, việc sáng tác các tác phẩm cho đàn bầu phù hợp với sân khấu biểu diễn cũng đặt ra nhiều thách thức ngay cả cho giới nhạc sĩ. Nguyên nhân chính là hiện nay họ ít quan tâm, chế độ đãi ngộ cũng chưa thật sự hấp dẫn đối với loại hình âm nhạc dân tộc. Nếu việc này kéo dài, chắc chắn nghệ thuật đàn bầu sớm muộn cũng sẽ mai một.

“Giờ đây cũng có một phương thức mới là sử dụng các ca khúc hay, cải biên sang cho loại hình âm nhạc đàn bầu thành dạng tác phẩm nhỏ, sẽ hấp dẫn hơn là chúng ta bắt khán giả nghe một buổi biểu diễn dài” - ông Vinh bày tỏ. 

Tại tọa đàm, theo chia sẻ của các chuyên gia về âm nhạc dân tộc, từ khi đàn bầu trở thành thành một bộ môn, phương pháp giảng dạy và truyền bá đã có nhiều thay đổi. Nếu như ngày xưa, việc dạy nghề của các nghệ nhân trong dân gian thường theo lối truyền khẩu và truyền miệng, thì nay ở trường nhạc việc giảng dạy đàn bầu đã được thông qua hệ thống giáo trình, có bản phổ chính quy. Phương pháp giảng dạy từ truyền khẩu và bắt chước đơn thuần đã chuyển sang sử dụng phương pháp ký âm 5 dòng kẻ.

Dẫu vậy, theo NSƯT Quang Vinh, dù là người từng tham gia trực tiếp giảng dạy âm nhạc dân tộc trong các trường chuyên nghiệp, song ông thấy rằng giáo trình dạy nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đàn bầu cũng chưa thực sự được quan tâm. Chủ yếu là do chính các giáo viên tự mày mò viết ra mà chưa được hệ thống hóa. Tiện bài nào thì học bài đó và với số lượng các ca khúc sáng tác cho đàn bầu hiện nay thì học 2 năm… là hết. Do đó cần sớm xây dựng một giáo trình khoa học hơn. 

Cũng theo ông Vinh, hiện không chỉ khó ở khâu đào tạo mà ngay cả “đầu ra” cho sinh viên chuyên ngành đàn bầu cũng đang là nỗi băn khoăn. Trong khi tính bình quân mỗi năm có chỉ khoảng 20 sinh viên tốt nghiệp đàn bầu từ khối các trường văn hóa nghệ thuật, nhưng họ cũng chưa biết đi đâu, làm gì. Thực tế đó đã tạo ra sự đắn đo với những ai có nhu cầu theo học chuyên ngành này. Đàn bầu nói riêng và các loại hình âm nhạc truyền thống hiện đang “ít đất” để thể hiện.

Một minh chứng rõ nhất là việc sản xuất đàn bầu hiện nay đang thiếu trầm trọng các nghệ nhân có tay nghề. Cụ thể, các sản phẩm nhạc cụ truyền thống hiện nay hầu hết đều do thợ mộc, công nhân sản xuất thủ công, do đó chất lượng nhạc cụ không đáp ứng được đòi hỏi của yêu cầu biểu diễn. Hơn thế, bản thân những nghệ sĩ trong nghề nhiều khi cũng chưa thực sự trân trọng đàn bầu. 

                                                                                                                     Theo: daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.287
Tổng truy cập: