DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Khổ vì là di tích quốc gia
(Ngày đăng: 29/07/2015   Lượt xem: 616)
Quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật đình, chùa Nả, còn có tên là chùa Phúc Lâm - chùa Vĩnh Phệ tại thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội, được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia năm 2004. Tuy nhiên, hiện nay di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ thành phế tích, nếu không sớm được đầu tư tu bổ, tôn tạo.

Giá trị lịch sử, kiến trúc

Chùa Nả được coi là một trong những ngôi chùa cổ và có kiến trúc độc đáo bậc nhất tại Ba Vì. Theo thư tịch cổ và văn bia còn lưu lại, chùa Nả được xây dựng từ thời nhà Lý, đến thời nhà Mạc (năm 1578), chùa được trùng tu lần thứ nhất, thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (Giáp Dần, 1794), được tu sửa lần thứ hai. Chùa có kiến trúc độc đáo với 3 tòa, 7 lối, 9 dãy hành lang, được xây dựng theo kiểu chữ Tam sắp xếp theo thứ tự mô típ tiền Phật hậu Thánh (thờ hai vị Nguyễn Đạo Thông và Nguyễn Đạo Hạnh). Tuy nhiên hiện nay, do thời gian, thiên tai, chùa Nả chỉ còn phần hậu cung. Chùa hiện còn lưu giữ 17 đạo sắc phong, 5 tấm bia được tạo tạc hai mặt đặt ngay trước cửa chùa. Đặc biệt, chuông treo tại chính điện có niên đại năm Đinh Tỵ (1797), khám thờ sơn son thếp vàng từ thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh thời Hậu Lê, một bộ võng từ thế kỷ XVI. Ngoài ra còn hàng loạt pho tượng cổ, cổ vật giá trị khác.

Giá trị kiến trúc chùa Nả còn được khẳng định ở hai bộ vì vẫn giữ được thanh câu đầu (thanh xà nối hai đầu cột cái) và một số thanh rường cột bụng cá là dấu tích từ thời nhà Mạc. Tuy hình ván lá đề nằm ở bộ vì nóc của kiến trúc thời Mạc không còn nhưng những cấu kiện thay vào đấy cũng xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII). Bộ vì bên trái cũng có một vài chi tiết chạm khắc thời Lê Trung Hưng thay thế cho các cấu kiện từ thời Mạc...


Chùa Nả có nguy cơ thành phế tích

Nguy cơ thành phế tích

Đến chùa Nả lễ bái, vãn cảnh, chắc không ai không ngỡ ngàng khi thượng điện phía ngoài và các hạng mục xung quanh (ban tam bảo, ban thờ Mẫu...) hầu như đã được xây mới. Chùa chỉ còn phần hậu cung (tòa điện thờ Thánh) mang kiến trúc thời nhà Mạc, nhưng đang bị xuống cấp trầm trọng. Phía trong phải dùng cột chống đỡ hệ thống mái bị dột nát nham nhở như “chống nạng”, phía ngoài đeo tấm biển: “Chùa xuống cấp cấm vào”. Một góc mái đã bị thủng; một mảng chạm thời Lê Trung Hưng đã bị mối xông toàn bộ… Nhiều người xót xa khi từng ngày chứng kiến ngôi chùa gần 500 năm đang có nguy cơ đổ sập. Sau mỗi cơn mưa, ngôi chùa dột nát và tiều tụy hơn. Đáng buồn hơn, ngôi chùa đang dần bị lãng quên. Bà Trần Thị Thức, thôn Vĩnh Phệ chia sẻ, mấy năm nay, từ khi được đưa vào tình trạng bảo vệ khẩn cấp, nơi đây đã không còn nhiều người lui tới. “Phật tử trong làng và khách thập phương chỉ vào lễ bái tại thượng điện phía ngoài, thậm chí nhiều người cẩn thận không dám lại gần hậu cung”.

Từ tháng 8.2014, các tượng thờ phía trong cùng khám, khánh cũng đã được di dời để tránh bị sập và hư hại, chỉ còn duy nhất pho tượng Phật nằm ngay phía cửa để người dân có thể vái vọng. Theo trụ trì chùa Nả Thích Đàm Sơn: “Tình trạng xuống cấp của chùa diễn ra từ 5 - 6 năm trở lại đây. Mặc dù chùa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia hơn chục năm nay, dự án tu bổ cũng đã được phê duyệt, nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy vốn đầu tư tu bổ, sửa chữa. Cũng vì là di tích đã được xếp hạng nên nhà chùa cũng không dám tự ý sửa chữa. Tôi tin rằng nếu kêu gọi xã hội hóa sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân và Phật tử thập phương”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Chu Minh Trần Đình Hảo cho biết, tình trạng xuống cấp của chùa Nả đã được chính quyền địa phương làm hồ sơ báo cáo cấp trên và xin hỗ trợ kinh phí tu sửa từ năm 2011. “Nhiều năm qua, cũng đã có không biết bao nhiêu đoàn về kiểm tra, khảo sát tình trạng chùa nhưng chưa thấy trùng tu hay sửa chữa gì... Chùa Nả là di tích cấp quốc gia, việc trùng tu, tôn tạo vượt quá thẩm quyền của địa phương. Hơn thế, vẫn phải chờ vốn từ cấp trên rót về”.

Chẳng biết di tích chùa Nả có đợi đến khi có vốn đầu tư hay không khi đang hằng ngày bị gió mưa, mối mọt đe dọa. Gìn giữ những di tích cha ông để lại cũng là cách để tri ân thế hệ đi trước.

Đừng để di tích trở thành phế tích.

                                                                                       Theo: daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.494.346
Tổng truy cập: