DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Nguy cơ mai một làng nghề đan lát Triệu Xá
(Ngày đăng: 23/04/2015   Lượt xem: 1271)
Nghề truyền thống đan lát ở làng Triệu Xá, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đã có hàng trăm năm nay. Người dân ở đây, ai cũng đều giỏi vót nan, đan lát. Đời này nối tiếp đời kia, nguyện sống chết, gắn bó với nghề truyền thống ông cha để lại. Tuy nhiên hiện nay, làng nghề đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, có nguy cơ thất truyền, thậm chí nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống đan lát...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, làng Triệu Xá có 193 hộ, 752 nhân khẩu. Trước đây, 100% người dân làm nghề thì nay chỉ còn 25-30%, trong đó chủ yếu là người già, người yếu không còn sức khỏe làm việc nặng. Thanh niên khỏe mạnh đều đi làm xa hoặc chuyển nghề khác. Những năm trước đây, nghề đan lát không chỉ tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn cho người dân mà còn là “cần câu cơm” của người làng Triệu Xá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các sản phẩm đan lát của làng Triệu Xá cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Các sản phẩm rổ, rá… đều được làm bằng nhôm, nhựa được bày bán tràn lan nên các sản phẩm từ mây, tre của người dân nơi đây rất khó tồn tại. Cùng với đó là nguyên liệu để làm nghề cũng khan hiếm dần, tre, hóp đều phải đi mua từ rất xa, cự ly đến vài trăm ki-lô-mét như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái... Vì thế, việc duy trì sự tồn tại của nghề đan lát ở làng Triệu Xá là rất mong manh.

Chị Triệu Thị Huệ, một trong số ít người còn gắn bó với nghề đan lát.

Ngược dòng thời gian, khoảng từ năm 1995 trở về trước, các nguyên liệu tre, nứa, hóp... của làng Triệu Xá rất nhiều. Ven đường làng, ngõ xóm, vườn, bờ ruộng… đều được trồng để cung ứng cho làng nghề. Trước đây cả làng làm nghề, không khí đan lát luôn sôi động, nhộn nhịp. Người già truyền cho người trẻ, cha truyền cho con, ông truyền cho cháu. Nhà nào nhà ấy chất đầy hàng ở sân hoặc hiên nhà. Nhiều mặt hàng, sản phẩm gắn bó với nhà nông cũng được ra lò từ làng Triệu Xá, như: Gầu, nơm, đó, giần, sàng… đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó có nhiều mặt hàng được du khách nước ngoài lựa chọn để mua về làm kỷ niệm.

Cụ Lưu Văn Vẹn, 84 tuổi, một người dân ở làng Triệu Xá kể: “Từ bé, tôi đã thấy ông nội và bố tôi làm nghề đan lát. Những ai đã biết làm nghề này thì luôn say nghề và nhớ mãi, nhiều năm sau vẫn nhớ. Bởi nghề đan lát góp phần rèn cho con người tính kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo. 7 người con của vợ chồng tôi cũng đều theo nghề ông cha để lại. Nhưng đến thế hệ các cháu là hầu như chúng không làm nữa, mỗi ngày công thợ giỏi cũng chỉ đạt từ 40.000-50.000 đồng, thu nhập kém xa những việc khác…”. Chị Triệu Thị Huệ, một thợ lành nghề, tâm sự: “Có nhiều người không muốn bỏ nghề truyền thống, tranh thủ làm vào lúc nông nhàn. Cũng có lúc, tôi nản chí muốn tìm nghề khác có thu nhập cao hơn nhưng lại thôi. Tôi luôn nghĩ, bao nhiêu đời ông cha sống được với nghề, lẽ nào mình lại chết đói. Vẫn biết rằng, sản phẩm đan lát bây giờ khó có thể cạnh tranh được với hàng nhôm, nhựa. Ở làng hiện vẫn còn người làm nghề nhưng số lượng giảm nhiều so với trước. Song người dân làm nghề đan lát chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó, làng nghề truyền thống lại đến thời kỳ hưng thịnh…”.

Trao đổi với chúng tôi về hướng đi của làng nghề, ông Phạm Huy Hoạt, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Đề, cho biết: “Đúng là làng nghề truyền thống ở đây đang có nguy cơ mai một. Để giải được “bài toán” trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề nghị lãnh đạo huyện, tỉnh xem xét, hỗ trợ, tạo cơ chế để duy trì làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Trước mắt, chúng tôi vận động, tuyên truyền người dân làm nghề khắc phục khó khăn, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, cạnh tranh một cách lành mạnh để làng nghề tồn tại và từng bước phát triển…”.

                                                                                         Theo : qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.518.664
Tổng truy cập: