DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Gốm Thổ Hà trước nguy cơ thất truyền
(Ngày đăng: 23/03/2015   Lượt xem: 561)
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với gốm Bát Tràng, Phù Lãng, gốm Thổ Hà từng là một trong ba trung tâm gốm sứ nổi tiếng ở miền Bắc, được người tiêu dùng lựa chọn. Không chỉ có vậy, nghề gốm phát triển đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Thế nhưng gần đây, nghề làm gốm ở Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đang đứng trước nguy cơ thất truyền...

Khi lò gốm cuối cùng... sắp tắt lửa

Làng gốm Thổ Hà một thời sầm uất thế mà giờ đây, về xã Vân Hà hỏi người dân về gốm Thổ Hà, ai cũng lắc đầu, tiếc nuối.

Ông Bùi Tá Thành, Phó chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết: Đã có một thời kỳ, nghề gốm ở địa phương chúng tôi phát triển rất mạnh. Cũng nhờ có nghề gốm mà đời sống người dân trong làng khấm khá, số hộ giàu chiếm tỷ lệ cao. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, gốm Thổ Hà nổi danh khắp nơi, khi người dân cùng nhau làm trong hợp tác xã, rồi thành xí nghiệp gốm Thổ Hà. Cái độc đáo trong lối ăn ở của người làng gốm cổ chính là sử dụng những mảnh sành, sứ, gốm bỏ đi để xây nhà, xây tường, không trát vôi vữa mà đan gác với nhau tạo thành những hình khối rất độc đáo. Ngay cả hội thi đồ xôi hằng năm ở Quế Võ nhất định phải có chõ sành của Thổ Hà mới ưng ý.

Đìu hiu lò gốm cuối cùng ở làng Thổ Hà.

Rồi ông Phó chủ tịch UBND xã thanh minh: “Thật khó, nếu như bây giờ các anh cứ hỏi về gốm Thổ Hà. Trong làng, các sản phẩm gốm vẫn bày bán ở nhiều nơi, nhưng toàn là sản phẩm của nơi khác đem về bán. Gốm Thổ Hà đã mai một từ lâu rồi. May ra anh xuống nhà ông Trịnh Đắc Tân, lò gốm cuối cùng ở thôn này thì còn”.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Tân. Con gái ông, chị Trịnh Thị Tiên cho biết: “Bố tôi là người tâm huyết, đam mê và ra sức giữ gìn nghề gốm. Nhưng cách đây mấy tháng, ông đã qua đời. Hiện nay, vợ chồng tôi vẫn giữ nghề của ông, cha, nhưng chỉ làm nhỏ lẻ thôi, vì hàng làm ra rất khó tiêu thụ”. Anh Nguyễn Đắc Tập, chồng chị Trịnh Thị Tiên dẫn chúng tôi ra lò gốm. Nhìn qua chẳng ai nghĩ đấy là lò gốm, bởi phía ngoài thì được trưng dụng làm nơi phơi than, phên phơi bánh đa, phía trong thì trùm chiếu, gỗ mục chắn ngang, lò tắt lửa, lạnh ngắt, có lẽ đã từ lâu rồi không hoạt động. Chỉ tay về ngôi đình của làng, anh Tập cho biết: Ngôi đình này là dấu tích hoàng kim một thời gốm Thổ Hà. Bố mẹ chúng tôi vẫn kể lại vào thập niên 1960, ở Thổ Hà phong trào làm gốm phát triển mạnh. Gia đình khá giả thì xây dựng tới hai, ba lò nung, nhà ít thì một lò. Gốm được phơi thành từng bãi dài hàng trăm mét ven sông Cầu. Bến Nguyệt Đức từng là một thương cảng tấp nập thuyền bè ra vào buôn bán đồ gốm. Khách buôn từ Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên… liên tục qua lại mua hàng. Ngày ấy, người dân Thổ Hà luôn tự hào vì từ bàn tay của người thợ làm ra các sản phẩm như chum, vại, chĩnh, tiểu sành… có màu cánh gián đặc trưng, rất bền, cứng, khi gõ vào có tiếng kêu như chuông...

Đâu là nguyên nhân?

Từ thập niên 1990 (thế kỷ 20), nghề gốm Thổ Hà rơi vào tình trạng khủng hoảng, sản phẩm làm ra nhưng tiêu thụ rất chậm. Lúc bấy giờ trong làng đi đến đâu cũng thấy gốm sứ ngổn ngang, chất đầy sân, nhà. Xí nghiệp và Hợp tác xã gốm sứ làm ăn phát đạt là vậy nhưng cũng rơi vào cảnh tan rã dần. Nhiều lò nung gốm với mức đầu tư lên đến hàng chục triệu đồng đã phải đập bỏ để dành chỗ cho ngành nghề khác.

Những năm gần đây, một số người dân Thổ Hà nặng lòng với nghề gốm của quê hương luôn trăn trở tìm giải pháp khôi phục nghề cổ truyền. Tuy nhiên, do sản phẩm làm theo phương pháp truyền thống, nên giá thành cao, mẫu mã không đa dạng, không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các làng gốm bạn. Một nguyên nhân nữa là nhiều tiểu thương đã mang gốm sứ Trung Quốc với mẫu mã đẹp, rẻ hơn về bày bán tại địa phương. Vì thế mà gốm Thổ Hà cứ “lỗi thời”, không có chỗ đứng và dần bị mai một.

Mặc dù chính quyền địa phương đã thành lập khu làng nghề số 2, kêu gọi xây lò gốm, nhưng do vấn đề đầu ra, hạch toán không có lãi nên người dân không mạnh dạn vào khu làng nghề, đến nay vẫn bỏ không. Nguy cơ thất truyền của gốm Thổ Hà đang hiển hiện. Để khôi phục nghề truyền thống của quê hương, quan trọng nhất là phải đổi mới công nghệ và tìm đầu ra cho sản phẩm.

                                                                                           Theo : qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.518.745
Tổng truy cập: