DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Những công trình văn hóa mất truyền thống, phi cộng đồng: Phản cảm và lãng phí
(Ngày đăng: 07/01/2015   Lượt xem: 479)

Nhà rôn biến dạng (bằng bêtông, lợp tôn, sư tử đá kiểu Trung Quốc chầu trước cửa) do Nhà nước đầu tư tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: THANH HẢI

Trước nỗi lo chung về thực trạng văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một và biến dạng, ngành văn hóa từ trung ương đến các địa phương đã dành nhiều nguồn lực để bảo tồn, phục dựng. Trong đó, nổi bật nhất là phong trào xây dựng, tôn tạo nhà văn hóa truyền thống, làng văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do sai về phương pháp bảo tồn, hoặc thực hiện duy ý chí, đã khiến hàng loạt công trình văn hóa ở các địa phương và cả trung ương đã không phát huy tác dụng, bỏ hoang phế, không chỉ lãng phí ngân sách, mà còn gây phản cảm…

Bài 1: Cưỡng ép văn hóa

Các nhà rông, nhà gươil, nhà dài… truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở dọc dải Trường Sơn và Tây Nguyên hình thành từ ý chí, sức lực, tiền của, vật chất của cả làng góp vào, vì thế nó mang đậm ý nghĩa cộng đồng. Nhà truyền thống được cả cộng đồng làm chủ, nó là khát vọng của cả bản làng, nhưng gần đây, nhà truyền thống bị xuống cấp, mai một, phải nhờ sự hỗ trợ kinh phí phục dựng, xây mới từ ngân sách nhà nước. 

Mỗi năm, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã đầu tư hàng tỉ đồng chỉ riêng vào công tác phục dựng, sửa chữa nhà truyền thống cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhưng, với cách làm áp đặt mà ngành văn hóa, chính quyền cơ sở đã xây dựng lên những nhà rông, nhà gươil, nhà dài theo tư duy người miền xuôi, bêtông hóa, lợp tôn lạc lõng giữa những làng đồng bào miền núi, chủ yếu là nhà sàn lúp xúp bên suối hoặc chênh chếch trên sườn đồi. Hậu quả: Bị bỏ hoang.

Nhà văn hóa phi cộng đồng

Tại Quảng Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số có khoảng gần 200.000 người, chủ yếu là các dân tộc Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Bh’noong,… phân bố rải rác ở 9 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành và Tiên Phước. Dù luôn được chính quyền quan tâm, hỗ trợ, nhưng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mai một bản sắc. 

Theo GĐ Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam - ông Đinh Hài - ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho các địa phương phục dựng, xây mới, sửa chữa gần 200 nhà làng truyền thống ở các thôn, làng thuộc 9 huyện miền núi của tỉnh. Liên tiếp từ năm 2012 - 2014 và kế hoạch 2015, ngân sách tỉnh chi trung bình 1 tỉ đồng/năm cho riêng công tác xây mới và sửa chữa nhà truyền thống của đồng bào dân thộc thiểu số. Mỗi năm xây mới 5 - 6 nhà, sửa chữa 8 - 10 nhà truyền thống. Song không phải nơi nào cũng phát huy tác dụng.

“Tiêu biểu” cho sự phản cảm nhất là nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại 2 huyện Nam Giang và Đông Giang. Cùng với ngân sách hỗ trợ từ tỉnh, chính quyền các địa phương này đã bỏ ra 2 - 3 tỉ đồng để xây dựng nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu - vốn chiếm đa số tại huyện. Tuy nhiên, thay vì phục dựng nhà theo đúng nghĩa truyền thống, bằng vật liệu gỗ, tre lá, ván sàn… thì ngành văn hóa và chính quyền sở tại lại bêtông hóa. 

Trụ cột được đổ bêtông cốt thép, mái lợp tôn đỏ rực, nổi bật giữa rừng xanh. Nền nhà lát gạch men, trang trí đèn chùm… thậm chí rước cả tượng sư tử đá ngoại lai về trưng bày, không ăn nhập gì với văn hóa bản địa. Và tất nhiên, với nhà văn hóa mới phi truyền thống này không thể hòa nhập với cộng đồng, quanh năm phải đóng cửa, bỏ hoang. Công trình kiến trúc mà “không có hơi ấm con người” càng nhanh xuống cấp, ngân sách lại phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng để tu bổ mỗi năm.

Phải thay đổi cách làm

Ông Đinh Hài - GĐ Sở VHTTDL - cho biết, vì vật liệu truyền thống như tranh tre, nứa lá bây giờ khan hiếm, công trình phục dựng theo vật liệu truyền thống đắt đỏ, nhanh hư hỏng… Vì vậy, khi xây dựng mới các nhà văn hóa cộng đồng, chính quyền các địa phương đã thay thế vật liệu hiện đại để kiên cố hóa. Mặt khác, họ cũng chỉ muốn xây dựng như một biểu trưng văn hóa hơn là nhà cộng đồng. 

Riêng tại huyện Đông Giang, nhà văn hóa truyền thống còn dùng để làm bảo tàng, nơi làm việc… Chính vì những “tham vọng” này mà các nhà văn hóa truyền thống trở nên xa lạ với cộng đồng. Hiện ngành văn hóa Quảng Nam đã thay đổi cách làm, thay vì xây mới, chúng tôi hỗ trợ thêm kinh phí để đồng bào tự làm nhà theo vật liệu, kiến trúc và tín ngưỡng truyền thống của mình.

Theo ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang - sự giao thoa văn hóa theo chiều hướng tiêu cực, thể hiện sự cẩu thả trong cách tiếp nhận cũng như nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, nhất là giới trẻ. Ở Tây Giang còn có phong trào đặt tên con theo diễn viên, nhân vật trong phim Hàn Quốc… Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp thực hiện việc bảo tồn văn hóa đồng bào vùng cao của các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý ở các địa phương miền núi cũng là nguyên nhân khiến thực trạng văn hóa của đồng bào ngày càng biến dạng. 

Để tìm hướng khắc phục và bảo tồn văn hóa các dân tộc không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, mà đòi hỏi quá trình lâu dài, đúng hướng. “Tây Giang xây dựng và phát triển văn hóa làng theo phương châm: Lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định xã hội; lấy văn hóa đoàn kết dân tộc, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, giữ vững an ninh trật tự; lấy văn hóa phát triển văn hóa, để thu hút đầu tư và du lịch”. Với cách làm này, Tây Giang là một trong số ít huyện miền núi giữ gìn, bảo tồn được văn hóa bản địa.

                                                                        Theo : laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.518.745
Tổng truy cập: