DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
San bằng di tích quốc gia để… tu bổ?!
(Ngày đăng: 06/01/2015   Lượt xem: 786)
Chiều qua 5-1, đại diện Ban liên lạc dòng họ Cao Việt Nam đã có đơn kiến nghị gửi các cấp, ngành chức năng trong đó có Bộ VH-TT&DL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Gia Bình về việc khu di tích lăng mộ tướng quân Cao Lỗ - di tích được xếp hạng lịch sử, nghệ thuật kiến trúc vào năm 1990 bỗng dưng bị đơn vị thi công san phẳng, trong khi dự án tu bổ này đã có quyết định dừng để điều chỉnh thiết kế từ tháng 9- 2014.


Khu lăng mộ Cao Lỗ Vương với hiện trạng đổ nát

Người đứng đơn kiến nghị, ông Cao Văn Việt, đại diện dòng họ cho biết, ngày 17-12, đơn vị thi công đã cho san ủi toàn bộ công trình lăng mộ tướng quân Cao Lỗ. Việc làm này không có sự đồng thuận của Ban liên lạc dòng họ Cao và bản thân các thành viên trong ban liên lạc cũng không hề hay biết. Sự việc chỉ được phát hiện vào ngày 22-12 khi hậu duệ dòng họ tổ chức dâng hương tại đền và những gì họ thấy trước mắt chỉ là một đống gạch vụn. Ngay sau đó, ngày 25-12-2014, đại diện Ban liên lạc và đại diện nhân dân xã Cao Đức - huyện Gia Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng yêu cầu nhà thầu không được có bất cứ hành động nào xâm hại đến khu di tích. Song dường như đề nghị này đã bị phớt lờ.
Cao Lỗ (chưa rõ năm sinh, mất năm 179 trước Công nguyên) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê tại vùng Lục Đầu - Bình Than (Bắc Ninh).

Tương truyền, ông chính là người đã chế tạo ra nỏ Liên Châu, nỏ lắp được nhiều mũi tên cùng một lúc mà đời sau vẫn quen gọi là Nỏ thần. Ông cũng chính là người khuyên An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế, chỉ huy công trình xây dựng thành Cổ Loa. Trong cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc Triệu Đà, ông đã anh dũng hy sinh ở chân thành Cổ Loa, thi hài được hổ tha về quê. Dân làng trông thấy liền kéo nhau ra đuổi hổ và làm lễ an táng ông, sau đó dựng đền thờ hương khói đến giờ. 

Năm 1990, Bộ trưởng Bộ VH-TT khi đó là Nông Quốc Chấn đã ký Quyết định số 34/VH/QĐ công nhận Di tích lịch sử và nghệ thuật kiến trúc đối với Di tích đình Tiểu Than và mộ Cao Lỗ. Trải qua mưa nắng và những biến thiên của lịch sử, năm 2013, di tích lịch sử văn hóa lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 24,5ha, trong đó khu lăng mộ có diện tích khoảng 5,5ha, khu đền thờ diện tích 19ha. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 967/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo khu di tích và du lịch văn hóa Cao Lỗ Vương (khu di tích gốc), huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư các hạng mục trên 42 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2013 đến 2015.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, cụ thể là khi phê duyệt gói thầu số 2 (tu bổ tôn tạo lăng mộ Cao Lỗ) đã nảy sinh nhiều bất hợp lý về thiết kế kiến trúc, quy hoạch cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quần thể du lịch danh thắng - tâm linh vùng ven sông Đuống. Sau nhiều cuộc họp đánh giá kiến trúc quy hoạch, ngày 18-9-2014, chủ đầu tư là UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Văn bản số 2241/UBND-XDCB về việc tạm dừng thi công gói thầu số 2 dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử và du lịch văn hóa Cao Lỗ Vương, huyện Gia Bình. Văn bản này cũng nêu rõ lý do phải điều chỉnh quy hoạch, thiết kế, báo cáo UBND tỉnh vào tháng 10-2014. 


Đơn vị thi công đã không thực hiện việc hạ giải, đánh giá cấu kiện
cũng như xây dựng mái che trong quá trình tu bổ


Cùng với quyết định tạm dừng thi công, ngày 5-12-2014, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có Văn bản số 1259/QĐ-UBND về việc điều chuyển vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2014. Theo đó, điều chuyển 3,5 tỷ đồng dự định tu bổ khu lăng mộ Cao Lỗ sang một dự án khác là nhà Tam Bảo, chùa Bảo Tháp (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình).

Tuy nhiên, ngày 17-12, đơn vị thi công đột ngột cho phá dỡ khu lăng mộ. Việc làm này không chỉ gây bức xúc cho người dân trong vùng, những người lâu nay vẫn hương khói thờ phụng tưởng nhớ ân đức của tướng quân Cao Lỗ mà còn gây bất bình trong nội bộ dòng họ Cao Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, con dâu của dòng họ Cao, hiện đang làm việc tại Hà Nội cho biết thêm, ngày 25-12-2014, đại diện Ban liên lạc và đại diện nhân dân xã Cao Đức - huyện Gia Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng, yêu cầu nhà thầu không được có bất cứ hành động nào tác động đến khu di tích. Thế nhưng, ngày 4-1-2015, khi trở lại nơi này thì toàn bộ di tích đã bị nhà thầu phá hủy toàn bộ. Bia mộ và lư hương tại lăng của Cao Lỗ Vương nằm phơi sương phơi nắng giữa đống đổ nát.

Được biết, sáng nay, 6-1 đại diện Cục Di sản Văn hóa và Thanh tra Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức một đoàn kiểm tra để có những đánh giá toàn diện về thực trạng di tích. Tuy nhiên, việc tu bổ kiểu san phẳng này trái ngược hẳn với quy trình tôn tạo di tích mà Bộ VH-TT&DL đã quy định trong nhiều văn bản pháp quy. Bên cạnh đó,  rõ ràng đã có dấu hiệu phớt lờ việc xin thỏa thuận trước khi thi công công trình này.
                                                                    Theo : anninhthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.518.806
Tổng truy cập: