DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Phục dựng tôn tạo di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc
(Ngày đăng: 01/12/2014   Lượt xem: 433)
Khởi công phục dựng, tôn tạo Chùa Hoằng Phúc tại huyện Lệ Thủy.
Khởi công phục dựng, tôn tạo Chùa Hoằng Phúc tại huyện Lệ Thủy.

Ngày 30-11, UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) phối hợp công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam tổ chức lễ khởi công phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy.

Chùa Hoằng Phúc còn có tên là chùa Kính Thiên hay chùa Quan thuộc phường Thuận Trạch, nay là thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình. Chùa tọa lạc trên một vùng đất cao, rộng gần 10.000 m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4 km về phía nam.

Chùa Hoằng Phúc vốn bắt nguồn từ Am Tri Kiến. Theo sử cũ chép lại, tháng 3 năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du Chiêm Thành có ghé qua Am Tri Kiến, thuộc châu Lâm Bình. Năm Kỷ Dậu thứ 52 (1609), Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng cho dựng chùa trên nền cũ và đặt tên là chùa Kính Thiên. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho sửa lại chùa và đổi tên là “Kính Thiên Tự”. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá bắc tuần đã ghé thăm chùa và cho đổi tên là “Hoằng Phúc Tự”, có nghĩa là phúc lớn. Nhân dân địa phương thường gọi là Chùa Quan.

Tính từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé vào Am Tri Kiến đến nay, chùa Hoằng Phúc đã có chiều dài lịch sử hơn 700 năm. Nơi đây không những là nơi thờ tự đức Phật, hoằng dương phật pháp mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của quê hương Lệ Thủy qua các thời kỳ.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, chùa bị tàn phá nghiêm trọng. Đến nay, chùa còn lưu giữ một số hiện vật như tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo, cổng tam quan, nền nhà chính điện.

Ngày 1-6-2010, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định xếp hạng Chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Công trình phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư với sự tổng số vốn 40,4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và công đức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phật tử trong cả nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Anh Quý, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời Trần, gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa... Công trình sử dụng các vật liệu truyền thống như đá xanh Thanh Hóa, gạch Bát Tràng, đá tổ ong, gốm Việt.

Tại lễ khởi công, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh cúng dường hơn 20 tỷ đồng để tôn tạo, phục dựng chùa Hoằng Phúc. Dự kiến, công trình hoàn thành vào đầu năm 2016.

                                                                   Theo : nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.599
Tổng truy cập: