DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn làn điệu hát giao duyên vùng biển di sản Vịnh Hạ Long
(Ngày đăng: 23/10/2014   Lượt xem: 532)

Hát đám cưới trên thuyền - một trong những làn điệu hát giao duyên của ngư dân Vịnh Hạ Long.

Toàn bộ hộ dân ở 7 làng chài sinh sống trong vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long hiện đã được di dời lên sống định cư trên bờ. Điều này mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của họ, song bên cạnh đó lại khiến làn điệu giao duyên đặc trưng của ngư dân Vịnh Hạ Long, vốn đang bị mai một, càng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Theo quan điểm của những người làm công tác quản lý du lịch, Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang... giờ không còn được gọi là làng chài nữa sau khi toàn bộ các hộ dân vạn chài đã lên bờ sinh sống, làng chài xưa chỉ còn lại một số nhà bè nổi được giữ lại để phục vụ du lịch.

Chính vì không còn dân sinh sống trên Vịnh nên những điệu hát giao duyên của người dân vạn chài có nguy cơ biến mất.

Trước thực tế đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã có sáng kiến thành lập một đội hát giao duyên thuộc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa biển để lưu giữ nét văn hóa độc đáo này.

Có đến một nửa số thành viên của đội hát giao duyên là con em người dân vạn chài Vịnh Hạ Long. Họ là những người có năng khiếu và đã được truyền dạy những câu hát cổ từ thế hệ cha, ông.

Chị Dương Thị Nụ, một người con của làng chài Cửa Vạn cũ, nay là nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Văn hóa biển cho hay: "Trước đây, vào các ngày lễ, ngày hội, hay đêm sáng Trăng, thanh niên làng chài hát giao duyên, hát đối trên Vịnh rất vui. Tuy nhiên, nhiều năm qua rồi, việc hát giao duyên không còn diễn ra thường xuyên nữa. Giờ đây thanh niên Cửa Vạn chỉ còn khoảng 6 người biết hát."

Chị Nụ kể, trước đây ở làng chài Cửa Vạn, lứa thanh niên được các nghệ nhân như cụ Thân, cụ Hưu và cụ Cận trong làng truyền lại những bài hát giao duyên và hát hò biển lời cổ. Tuy nhiên, giờ các cụ chỉ thi thoảng mới hát giao lưu và uốn nắn lại cho thế hệ sau này hát thôi, chứ không thường xuyên hát nữa.

Chị Đoàn Thị Anh Thảo, hướng dẫn viên, người hát giao duyên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chia sẻ, hát giao duyên, hò biển là nét văn hóa đặc sắc của người dân vạn chài sống trên Vịnh Hạ Long. Từ xa xưa, người dân vùng biển tìm hiểu và đến với nhau thông qua câu hò, điệu hát này. Giờ đây, người dân vạn chài không còn hát nhiều giai điệu truyền thống nữa.

Chính vì vậy, chị Thảo và các đồng nghiệp của mình muốn mang tiếng hát, điệu hò này phục vụ khách du lịch đến với Hạ Long; đồng thời mong muốn thông qua đội hát giao duyên, người dân vạn chài sẽ giữ được nét văn hóa đặc sắc này.

Anh Nguyễn Văn Luyến, 29 tuổi, người dân làng chài Cửa Vạn cũ được học hát giao duyên, hò biểu từ ông, bà đã hơn chục năm nay. Được hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long, anh thấy rất vui và chia sẻ, muốn hát cho khách du lịch được nhiều hơn, nhất là du khách nước ngoài để giới thiệu nét văn hóa đáng tự hào của làng chài.

Bà Esther, du khách Tây Ban Nha, chia sẻ cảm nhận, đã từng đi du lịch qua nhiều quốc gia, nghe nhiều làn điệu dân ca, nhưng khi được nghe làn điệu hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long, bà cảm thấy rất bình yên, thư giãn và vô cùng thú vị vì được chứng kiến một cuộc sống sinh động với nét văn hóa đặc trưng của con người ngay giữa vùng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Hát giao duyên thực sự là nét sinh hoạt độc đáo, thể hiện nét đặc sắc riêng của ngư dân vùng biển Hạ Long; là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, cưới hỏi… hoặc trong những giờ giải lao sau những mùa vụ đánh bắt…

Đây chính là phương tiện để người dân vạn chài truyền đạt tình cảm, diễn tả tâm hồn mình. Giai điệu của lối hát này mềm mại, chậm rãi, mênh mang, trữ tình, đơn giản, mộc mạc. Lời ca là những ngôn từ bình dân, mộc mạc, thô sơ và nhiều khi còn có những từ ngữ mang tính chất địa phương hết sức độc đáo.

Hát giao duyên chứa đựng một kho tàng khổng lồ về ca dao, dân ca, phong tục tập quán và lễ hội. Tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời sưu tầm, lưu giữ các bài hát lời cổ và tổ chức tập luyện cho các thanh niên của làng chài Cửa Vạn cũ thông qua Dự án “Phục dựng, bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân gian của ngư dân làng chài Cửa Vạn (Vịnh Hạ Long).”

Dự án do Sở Văn hóa Thông tin trước đây (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh) thực hiện.

Giờ đây, thông qua các đội hát giao duyên của Trung tâm bảo tồn Văn hóa biển (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long), điệu hát giao duyên, hò biển lại vang lên giữa vùng Vịnh là một cách làm hay để bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của người dân vạn chài ở vùng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
                                                                     Theo : vietnamplus.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.468.510
Tổng truy cập: