DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Đề xuất bảo tồn chợ tình Khâu Vai
(Ngày đăng: 13/10/2014   Lượt xem: 858)

Vấn đề bảo tồn không gian văn hóa chợ tình Khâu Vai, lễ hội Khèn Mông…  vừa được Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đưa vào đồ án Quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030.


Trong một quán ăn ở phiên chợ tình Khâu Vai 

Theo ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), lễ hội Khèn Mông, chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) được VIUP xác định là “có giá trị văn hóa phi vật thể” nên đề xuất: cần phải có phương án bảo tồn (không gian văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng).

Đối với các công trình văn hóa có giá trị văn hóa vật thể trong công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn như dinh họ Vương, Cột cờ Lũng Cú… nhóm thực hiện đồ án quy hoạch (thuộc VIUP) cũng đề nghị phải bảo tồn và nâng cao giá trị để đáp ứng nhu cầu về văn hóa của người dân.

Về địa chất, sau khi đánh giá hiện trạng và nghiên cứu, VIUP đưa ra định hướng bảo tồn, như sau: đối với di sản địa chất là các điểm hóa thạch, nhất là các điểm lộ thiên, sẽ bảo tồn nghiêm ngặt – chủ yếu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học; đối với di sản địa chất là các điểm danh lam thắng cảnh thì bảo tồn nhưng được phép tham quan, du lịch, xây dựng các trạm dừng chân và các công trình phục vụ.

Và, để bảo tồn công viên đá Đồng Văn, VIUP chia ra ba khu vực, ba công viên chuyên đề cụ thể, gồm:

(i) Công viên văn hóa địa chất (khu vực Đông bắc của Cao nguyên đá Đồng Văn), có giá trị địa chất, văn hóa chính là thôn Lũng Cẩm, thị trấn Phó Bảng, Dinh họ Vương, thị trấn Đồng Văn, Phó Cáo, cột cờ Lũng Cú…

(ii) Công viên khoa học địa chất (khu vực phía Bắc huyện Mèo Vạc) có giá trị địa chất là hẻm vực Tu Sản, thị trấn Mèo Vạc, rừng Tát Ngà, sông Nho Quế…

(iii) Công viên sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học đó là khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, khu vực sinh thái núi cao Na Khê, Lao Và Chải, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn, khu vực rừng tự nhiên, rừng đặc dụng khu vực Tùng Vài.

Riêng định hướng phát triển trung tâm du lịch văn hóa lịch sử Đồng Văn, VIUP đề xuất bảo tồn và xây dựng phố cổ Đồng Văn và xây dựng bảo tàng (văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc). Tại cửa khẩu Mèo Vạc sẽ xây dựng khu thể thao mạo hiểm phục vụ khách du lịch. Xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh Yên Minh. Các khu vui chơi giải trí sẽ được xây dựng tại Quản Bạ.

Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (duy nhất ở Việt Nam). Đây là một trong tổng số 91 công viên địa chất toàn cầu thuộc 27 quốc gia có giá trị nổi bật về giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc…

Theo ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đồ án Quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong năm nay (2014).

Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt hồi tháng 5-2014.

Phạm vi quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên khoảng 235.680 héc ta.

Về quy mô dân số, dự kiến đến năm 2020 dân số khoảng 300.000 người, đến năm 2030 dân số khoảng 330.000 người. Đồng thời, dự kiến đến năm 2020, khách du lịch đạt khoảng 2,3 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách/năm.

Khu vực được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu có giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học; văn hóa các dân tộc bản địa mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

Đây là khu du lịch quốc gia, đầu mối thúc đẩy phát triển du lịch miền núi Bắc Bộ, từ đó phát triển kinh tế góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững toàn vùng Bắc Bộ; đồng thời là vùng nguyên liệu nông, lâm sản, dược liệu gắn với công nghiệp chế biến công nghệ cao.

Quan điểm quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội, dân số, lao động, các đô thị và điểm dân cư nông thôn, tình trạng sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, môi trường; phân vùng và định hướng phát triển không gian...

Đồng thời, quy hoạch xây dựng 4 đô thị - trung tâm du lịch gồm: Thị trấn Đồng Văn - Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; Thị trấn Mèo Vạc - Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu; Thị trấn Yên Minh - Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh; Thị trấn Tam Sơn - Trung tâm du lịch, vui chơi giải trí.

                                                                Theo : thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.219
Tổng truy cập: