DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Giữ cội nguồn bằng tiếng nhạc
(Ngày đăng: 21/09/2014   Lượt xem: 416)
Ngôi nhà cũ kỹ, ọp ẹp của nghệ nhân Hồ Văn Chôn, 77 tuổi (trú tại thôn Kỳ Rỹ, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, nhưng lại là điểm đến thú vị của bà con dân bản. Mỗi khi lên rẫy hay vào đêm trăng sáng, bà con lại tụ tập tại đây để được nghe tiếng khèn bè man mác, thanh âm hào sảng từ chiếc tù và…
Nghệ nhân Hồ Văn Chôn luôn ý thức việc truyền nghề cho lớp trẻ.
 
Mơ tiếng khèn bè

Chủ tịch UBND xã A Xing - Hồ A Dược còn rất trẻ. Mỗi khi nói về âm nhạc dân tộc, ánh mắt anh lại lấp lánh niềm tự hào. Chỉ tay lên bức tường trưng bày rất nhiều bằng khen, giấy khen, anh bảo: "Người dân xã mình còn nghèo, nhưng đời sống tinh thần thì ít ai sánh kịp. Ở xã, có nguyên một đội nghệ nhân, thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh đấy".

Anh Dược cho biết thêm, hiện nay, xã A Xing có 8 nghệ nhân kỳ cựu. Họ có thể làm, sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ dân tộc và hát nhiều làn điệu dân ca. Trong đó, nghệ nhân Hồ Văn Chôn được thượng tôn là "báu vật sống".

Nhà nghệ nhân Hồ Văn Chôn nằm cách biệt trên đồi cao. Muốn đến thăm ông, khách phải lội qua con suối và vượt con đường gập ghềnh. Nhiều người đi được nửa chặng đã mệt đứt hơi. Vậy mà, chẳng ai muốn nghỉ. Tiếng khèn bè đâu đó vọng lại như giục giã bước chân khách bộ hành.

Anh Hồ Văn Thiêm, Bí thư Chi bộ thôn Kỳ Rỹ bảo: "Mình cá đây là tiếng khèn của ông Chôn. Cứ sáng sớm và chiều tối, khi người dân đi lên rẫy, rồi trở về nhà, ông lại lấy khèn ra thổi để bà con nghe tiếng nhạc mà quên đi mọi mệt nhọc". Quả thật, anh Thiêm nói đúng.

Gặp nghệ nhân Hồ Văn Chôn trong ngôi nhà cũ kỹ, trông ông nhỏ bé, gầy guộc đến nao lòng. Đã 77 tuổi, ông Chôn không thể đi làm nương rẫy như trước. Ông ở nhà, trông 3 đứa cháu bé như cây kẹo và làm việc lặt vặt. Qua "thông dịch viên" Hồ Văn Thiêm, tôi bày tỏ sự thắc mắc: "Sao bố không xin một mảnh đất gần trung tâm xã để ở? Nơi này xa dân bản, đường sá gập ghềnh, sức khỏe bố lại không tốt, bà con khó mà đến thăm hỏi thường xuyên được".

Ông Chôn trả lời nghe rất hợp lý: "Mình ở trên đồi cao. Mỗi lần thổi khèn, âm thanh vang vọng cả núi rừng. Ai nghe thấy sẽ biết mình khỏe hay ốm liền. Tiếng đàn, tiếng hát thường xuyên dẫn mọi người đến đây góp vui đấy".

Con trai ông Chôn cho biết, tuy đau ốm liên tục, nhưng đôi bàn tay bố mình gần như không ngơi công việc làm khèn bè, trống, tù và, sáo…

Nhiều khi ông "ngồi thiền" cả tuần, chỉ để hoàn thành loại nhạc cụ dân bản đặt. Chuyện làm việc quên ăn uống hay nửa đêm nghe tiếng khèn bè trong mơ rồi bật dậy chế tác thường xuyên diễn ra. "Hôm trước, bố mình ốm, phải đi bệnh viện huyện khám. Lúc chuẩn bị lên đường, ông nằng nặc đòi đưa chiếc khèn bè đang làm dở và các dụng cụ cần thiết theo. Phải động viên mãi, ông mới chịu đi với hai tay không" - Con trai út ông Chôn tâm sự.

Chính niềm đam mê âm nhạc dân tộc đã khiến ông Hồ Văn Chôn trở lại quê hương. Từng tham gia kháng chiến, sau ngày giải phóng, ông Chôn và vợ sang sống trong một ngôi làng nhỏ ở huyện Tù Muồi, tỉnh Sa-la-van, Lào. Nhớ lại ngày ấy, ông Chôn cho biết: "Sau khi hoạch định biên giới, người thân của mình sang sống ở Lào khá đông. Mình nghĩ, Việt - Lào là anh em, sống ở đâu cũng được nên khăn gói đi theo. Sang đó ít lâu, mình nhớ quê cũ đến mức ngủ không được. Đêm nào ngủ cũng mơ nghe thấy tiếng trống, tù và, khèn bè… réo rắt, như giục giã mình về".

Thế là, bỏ ruộng vườn sắp vào mùa thu hoạch, vợ chồng ông Hồ Văn Chôn và các con dắt díu nhau trở lại quê cũ. Cả gia đình bắt tay dựng nhà, lập vườn với bao gian khó.

Giữ nét thuần hậu dân tộc

Gia đình nghệ nhân Hồ Văn Chôn nghèo nhất nhì bản. Song, đời sống tinh thần của ông lại phong phú ít ai bì kịp. Từ ngày trở về bản đến nay, ngôi nhà sàn nhỏ của ông Chôn luôn là "điểm hẹn" của những người yêu âm nhạc dân tộc. Họ đến không chỉ để xem ông làm nhạc cụ, mà còn nghe đàn hát. Về phần mình, hễ nghe tin ở đâu có lễ hội, đám cưới, ông Chôn lại xách khèn đi.

Ông bảo: "Cây khèn này gắn bó với mình từ tấm bé. Chính bố mẹ đã dạy mình làm ra nó. Lớn lên, khèn giúp mình chinh phục trái tim vợ. Giờ, mình muốn cùng nó đưa niềm vui đến với mọi người".

Tuy sức khỏe hạn chế, nhưng mỗi khi tiếp xúc với âm nhạc dân tộc, nghệ nhân Hồ Văn Chôn dường như nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Ông là một trong những người góp tay thành lập đội nghệ nhân của xã. Để làm được điều đó, ông Chôn đến từng nhà, gặp từng người, nghe họ đàn hát rồi vận động tham gia. Không những thế, ông còn tìm các "nhân tố trẻ" để đưa vào đội. Buổi đầu, một số người chế giễu, bảo ông "đói ăn mà cứ lo chuyện đàn hát".

Thế nhưng, ông Chôn không lấy làm phiền lòng. "Mưa dầm thấm lâu", chính sự tâm huyết của nghệ nhân Hồ Văn Chôn đã khiến nhiều người cảm động và cùng đồng hành trên một con đường. Nghệ nhân Côn Khăm chia sẻ: "Có một thời, dân bản mình chỉ biết cắm cúi làm ăn. Tiếng khèn, điệu Xiêng vì thế cũng tắt dần. Chính ông Chôn đã thức tỉnh bà con. Mình sống đâu phải chỉ để no cơm, ấm áo, cái tinh thần cũng cần lắm chứ".

Tài sản đáng quý nhất của ông Hồ Văn Chôn là những chiếc khèn bè.
 
Sau khi thành lập, đội nghệ nhân xã A Xing sớm nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Ông Chôn và các nghệ nhân trong đội được tạo điều kiện đến nhiều nơi, giới thiệu văn hóa dân tộc thông qua làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống. Đến đâu, họ cũng được chào mừng bởi những tiết mục độc đáo, mới lạ.

Đặc biệt, đội nghệ nhân xã A Xing đã "thắng lớn" trong nhiều hội thi, liên hoan. Mỗi khi họ trở về, cả bản lại mổ trâu ăn mừng. Tiếng khèn trống, làn điệu dân ca một lần nữa vang lên rộn rã. Nhờ đó, những thanh niên vốn say nhạc hiện đại bắt đầu nhận ra cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Một số bạn trẻ xin vào đội nghệ nhân để ca múa phụ họa, rồi tiếp tục học các làn điệu dân ca, sử dụng nhạc cụ và say mê lúc nào chẳng hay.

Nhiều người sử dụng được nhạc cụ truyền thống. Thế nhưng, làm ra nó là điều không dễ. Ở xã A Xing, số người chế tác khèn bè, sáo, trống, tù và… chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là vì công việc này vốn tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức. Đã thế, cái khó nhất vẫn là làm sao cho nhạc cụ tấu lên thanh âm hay nhất. Vì lẽ đó, dân bản gần xa chỉ tin cậy, đặt nghệ nhân Hồ Văn Chôn làm nhạc cụ.

Từ đó, ông Chôn có thêm khoản thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Ông thật thà cho biết: "Bố làm khèn bè trong 1 tuần, bán với giá 500 ngàn đồng. Trống, tù và thì đắt hơn do nguyên liệu không phải lúc nào cũng có sẵn".

Mặc dù nghề làm nhạc cụ truyền thống đã trở thành "cần câu cơm" của ông Hồ Văn Chôn, nhưng, người nghệ nhân này không có ý định giấu nghề. Nhiều đêm, ông gác tay lên trán nghĩ: "Giá như xã, huyện mở một lớp học làm nhạc cụ truyền thống thì hay biết bao". Người nghệ nhân già cũng tự nhủ, nếu điều ước đó thành hiện thực, ông sẵn sàng làm thầy để dạy con cháu.

"Ba đứa con mình đều không biết làm và sử dụng được nhạc cụ dân tộc. Mình có thể ép học nhưng không thể buộc chúng phải đam mê. Thế nên, mình rất mong gặp những bạn trẻ thực sự say mê âm nhạc truyền thống. Nghèo mà đời sống tinh thần giàu có, giữ được hồn cốt dân tộc thì mới đáng quý" - Ông Chôn nói một cách triết lý.

Đoạn, ông tạm dừng cuộc trò chuyện, đưa chiếc khèn bè lên môi và thổi. Ngoài kia, mặt trời xuống dần. Từ đồi cao, dân bản Kỳ Rỹ đang gùi những chiếc A chói trĩu nặng sắn, khoai về nhà.
                                                                                  Theo : bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.518.752
Tổng truy cập: