DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Quần thể di tích Tốt Động: Một số di tích bị lãng quên
(Ngày đăng: 11/09/2014   Lượt xem: 449)
Trong áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” tổng kết 10 năm chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã viết: “Ninh Kiều, máu chảy thành sông hôi tanh muôn dặm/ Tốt Động, thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu”. Có thể nói, Chiến thắng Tốt Động-Chúc Động có ý nghĩa to lớn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV và được lưu vào quốc sử. Vậy mà, gần 600 năm trôi qua, những chứng tích vẫn còn đó, nhưng không ít di tích lịch sử đang bị lãng quên...

Xã Tốt Động thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội), chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 30km, hôm nay đã là một vùng quê trù phú, yên bình với nhiều nhà cao tầng mọc lên và gần như nơi nào cũng chứa đựng di tích, giống như một bảo tàng văn hóa vật thể phong phú, đa dạng. Nhưng, không ít di tích lịch sử đang bị lãng quên và không được quan tâm đúng mức.

Cụ Nguyễn Trọng Thích (tức cụ Từ Quán Bến), người trông coi đình thờ ông Đỗ Bí kể rằng: Từ thế kỷ XV, nhân dân trong vùng quyên góp xây dựng hai ngôi đình gần nhau để tưởng nhớ nhị vị Thành hoàng làng là Đỗ Bí và Lê Ngân (bố vợ Lê Lợi)-hai danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Các triều đại phong kiến sau này đã có tới 26 sắc phong (hiện vẫn còn lưu giữ tại đình). Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng Thành hoàng, cỗ kiệu, đồ thờ tự như bát bửu, nghi trượng sơn son thếp vàng cùng nhiều đồ đồng, đồ gốm có giá trị. Đại bái đình có các mảng điêu khắc nghệ thuật phong cách dân gian đặc sắc, nhưng qua thời gian đã bị xuống cấp, người dân góp tiền tu sửa mang tính chất chắp vá. Cụ Thích cho biết thêm, hơn một năm nay địa phương đã phải bỏ ra gần 5 triệu đồng mua thuốc diệt mối, nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Cụ Nguyễn Trọng Thích chỉ những chỗ bị xuống cấp trong đình Đỗ Bí.
Hoang phế đình Tốt Động.

Cách đó không xa là đình Tốt Động, được xây dựng từ thế kỷ XV. được biết, năm 1830, nhà Nguyễn cho làm lại Thượng cung và vào năm 1929 tu sửa lại bái đường. Năm 1985, được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng và công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thế nhưng, do đình bị xuống cấp nghiêm trọng, đầu năm 2013, TP Hà Nội đầu tư hơn 20 tỷ đồng để tu bổ lại. Đến nay, mới tu sửa được 5 gian đại bái, trị giá hơn 5 tỷ đồng, còn lại tạm dừng chưa biết đến khi nào mới tiến hành, vì thiếu kinh phí. Hằng năm, vào ngày 15-2 âm lịch, đình làng tổ chức lễ hội nhưng không có quỹ để phục chế các đồ tế lễ như kiệu, cờ thần, các binh khí, quần áo…”. Vào cửa đình bây giờ trông như nơi bỏ hoang, cát sỏi, cỏ mọc tứ phía, người dân chăn thả trâu, bò tự do. Trước cửa đình là một hồ nước rộng gần hai mẫu, nhưng bờ kè đã bị sạt lở, có đoạn dài hơn 100m, kéo theo 15 cây lộc vừng có nguy cơ bị đổ nếu không khắc phục kịp thời.


Từ cửa đình Tốt Động theo hướng Đông Bắc đi ra chừng 700m là dinh nhà mồ (mồ chôn quân Minh) nằm giữa cánh đồng cô quạnh. Cụ Hà Như Tiến, thành viên Ban di tích lịch sử đình Tốt Động cho biết: Ngày 7-11-1426, quân Minh bị phục kích ở cánh đồng Trê, trũng Hẻn này và đã có khoảng 5 vạn quân bị tiêu diệt. Để làm “việc nghĩa chủng”, nhà vua ra chiếu phải gom nhặt hài cốt rồi theo đó cúng tế đàng hoàng. Năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức 19 (năm 1866), viên cử nhân ở Bộ Lại là Đặng Tĩnh Trai đã thừa soạn tấm bia “di ngôn” đặt giữa đồng Mồ ngay cạnh cánh đồng Trê và đã lập văn bia tại đây. Nhưng vì thấp, lụt mà năm 1940, người dân trong làng đã chuyển văn bia vào vùng cao hơn cách đó khoảng 400m và lập một cái đình mà người dân quen gọi đó là Cầu Đồng Gạo. Trên tấm bia có đoạn ghi: “Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...”. Và bài văn khấn viết: “Hàng năm đến tế/ Một cõi thê lương/ Một gò cao vút/ Ai tựa ai nương/ Rượu cùng một chén/ Giò lợn một chân/ Các hồn chung hưởng/ Không phân sang hèn/ Cúi xin thưởng hưởng” (Bản dịch của Trương Đức Quả, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Cụ Hà Như Tiến trăn trở: “Lịch sử dân tộc hào hùng như thế. Cánh đồng mồ chôn 5 vạn quân Minh còn đây, Cầu Đồng Mồ với văn bia còn đó, nhưng mấy ai biết tới, con đường dẫn vào cũng chẳng còn...!”.

Ông Đoàn Đình Thắng, Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho biết: Quần thể di tích Tốt Động là niềm tự hào của địa phương. Nơi đây là điểm tham quan, du lịch cho du khách trong và ngoài nước, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc. Đồng thời, là nơi học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử. Song, hiện nay nhiều di tích bị xuống cấp; cụm di tích bao gồm hai đình làng thờ Đỗ Bí, Lê Ngân (quán Đửn, quán Bến); Văn bia Cầu Đồng Gạo; dinh nhà mồ chưa một lần được tu bổ tương xứng với giá trị của di tích và chưa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa đặc biệt này.

                                                                                                        Theo : qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.403
Tổng truy cập: