DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Ai hiểu di tích "nói" gì?
(Ngày đăng: 14/05/2014   Lượt xem: 457)

Không nhiều người dân hiểu biết về ý nghĩa, lịch sử hình thành của những ngôi đình, ngôi chùa, cho dù đôi khi nó nằm sát nhà mình, vì những hoành phi, câu đối trong đình, chùa, miếu mạo toàn được viết bằng chữ... Hán. Ðây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng xâm hại di tích, khi người dân không hiểu về di sản mà mình đang sở hữu.

Du khách tham quan chùa Trấn Quốc.   Ảnh: THĂNG LONG

Ðến với hầu hết các di tích trên địa bàn thành phố, điều đầu tiên đập vào mắt khách tham quan là tấm biển "Di tích lịch sử đã xếp hạng - Cấm xâm phạm". Nhưng vì sao di tích lại được xếp hạng? Vì sao lại có quy định cấm xâm phạm lại là câu hỏi không dễ trả lời. Ðến thăm Hà Nội, không mấy khách tham quan bỏ qua Khu Phố cổ. Và ở phố cổ, Ô Quan Chưởng là một trong những di tích được ưa thích nhất. Song, đến đây, ngoài tấm biển "cấm xâm phạm", khách tham quan, muốn biết thêm thông tin gì về di tích có giá trị hết sức đặc biệt này thì đành... tự tìm tư liệu. Sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều nếu người ta biết rằng Hà Nội từng có một tòa thành rộng lớn bao bọc với hàng chục cửa ra vào. Và đây chính là một cửa ra vào - cũng là cửa duy nhất còn sót lại. Càng hấp dẫn hơn, nếu được biết nơi đây từng diễn ra những trận chiến giữa quân ta với quân Pháp từ hồi cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp đánh Hà Nội. Song song với việc "quên" giới thiệu thì nhiều nơi có giới thiệu, nhưng giới thiệu qua loa, không đầy đủ. Chùa Bà Ðá, nằm trên phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm là một thí dụ. Mặc dù sân chùa khá rộng, nhưng bảng giới thiệu về di tích nằm trong một ngách nhỏ, không dễ để nhận ra. Ðiều quan trọng là bảng giới thiệu lại chỉ nói vài nét về quá trình hình thành của chùa. Trong khi đó, phần giá trị vật thể là kiến trúc, điêu khắc hoàn toàn không được đề cập. Các đình, chùa của các làng quê càng ít được quan tâm hơn. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, lỗi của việc này là do các ban quản lý các di tích đã không có những chỉ dẫn đầy đủ, hợp lý. Khi không được cung cấp những thông tin cơ bản thì người dân khó có thể yêu mến, bảo vệ di tích được.

Mỗi di tích, danh thắng đều mang trong mình những câu chuyện dài về lịch sử, văn hóa. Không phải ai cũng có điều kiện để tìm hiểu về giá trị di tích, di sản qua sách vở. Bởi thế, những tấm biển giới thiệu tuy nhỏ bé, nhưng có ý nghĩa rất lớn. Nó giúp người ta có kiến thức cơ bản về di tích, di sản. Nhưng thực tế hiện nay, rất ít di tích có biển giới thiệu.

Một thực tế khác đã và đang xảy ra là trong khi rất thiếu những biển chỉ dẫn, giới thiệu di tích, thì đình, đền, chùa của ta lại đang "lạm phát" những thứ chữ mà... không ai đọc được! Ðó là hệ thống hoành phi, câu đối, bia đá và các minh văn khác bằng chữ Hán. Chữ Hán là thứ chữ cha ông ta vay mượn của nước ngoài. Một thời gian dài, nó đã đóng góp đáng kể vào xây dựng văn hóa dân tộc. Những đình, đền, chùa cổ được ghi bằng chữ Hán là điều đương nhiên. Nhưng Hán tự đã là chuyện của quá khứ, hiện giờ, rất hiếm người biết chữ Hán... Những hoành phi, câu đối ở di tích thường mang những nội dung cơ bản: ca ngợi công đức của vị thần (nhân thần, hoặc thiên thần) được thờ phụng, ca ngợi vẻ đẹp của di tích, đặc biệt là nhiều hoành phi, câu đối răn dạy về đạo làm người. Ðền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng, ở Phúc Thọ, Hà Nội) có đôi câu đối thuộc hàng tuyệt phẩm là: Ðồng trụ chiết hoàn Giao Lĩnh trĩ/ Cẩm Khê doanh hạc Hát giang trường. Có thể tạm dịch là: Ðồng trụ gãy hay còn, núi Lĩnh Nam đời đời cao ngất/ Cẩm Khê vơi hay đầy, dòng Hát Giang mãi mãi vươn dài, thể hiện khí phách dân tộc, vừa ca ngợi Hai Bà Trưng. Nhưng mấy người khách tham quan hiểu được ý nghĩa câu đối này, vì nó không được dịch ra tiếng Việt... Tất nhiên, không thể dịch tất cả các hoành phi, câu đối, bia đá, nhưng chọn lựa những tấm tiêu biểu để dịch nghĩa cho công chúng là điều cần thiết. Hoành phi, câu đối, bia đá... đều là những thông điệp của người xưa. Thường những bậc văn hay, chữ tốt được chọn để viết. Nhưng những thông điệp của người xưa bỗng chốc trở nên vô nghĩa, khi phần đông mọi người không hiểu.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, chính ban quản lý các di tích phải vào cuộc. Họ phải quan tâm tới việc giới thiệu cho du khách những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích mình đang quản lý. Và phải làm việc đó bằng cái tâm nhiệt tình và sự hiểu biết về lịch sử. Thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện việc dịch nghĩa các hoành phi, câu đối trong đền Ngọc Sơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan. Một di tích khác của Hà Nội cũng được xem như biết "nói chuyện" cùng du khách, đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhiều bức hoành, câu đối được dịch ra tiếng Việt. Thậm chí, trích đoạn một số tấm bia cũng được dịch ra tiếng Việt và cả tiếng Anh. Gần đây, khi xây chùa ở đảo Trường Sa, toàn bộ hoành phi, câu đối được viết bằng tiếng Việt. Việc làm này khiến cả giới học giả lẫn công chúng đều hoan nghênh. Ðó là một trong những cách để khẳng định niềm tự hào tiếng Việt.

Câu chuyện này cũng cho thấy, chỉ có tiếng Việt mới có thể đưa di tích gần hơn với mọi người; đồng thời gợi mở hướng ứng xử với các di tích cổ. Ðó là, di tích thì phải bảo tồn nguyên trạng, nhưng nếu bên cạnh những bức hoành phi, câu đối, ta treo một câu tiếng Việt dịch nghĩa sao cho phù hợp không gian thì các chuyên gia bảo tồn cũng không thể phản đối. Thậm chí là ủng hộ.

Những việc ấy không quá khó, chỉ cần sự quan tâm hợp lý hơn. Ðừng để di tích tồn tại câm lặng, vô hồn.

                                                                                                                         Theo: Nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.520.519
Tổng truy cập: