DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn phố cổ Hà Nội Nghìn xưa đến với hôm nay….
(Ngày đăng: 29/04/2014   Lượt xem: 520)

Phố cổ là khu dân cư hình thành rất sớm của Hà Nội, nằm giữa Hoàng thành Thăng Long và bờ phía Nam Sông Hồng. Khu dân cư này có nhiều hoạt động tiểu thủ công nghiệp, buôn bán giao thương nên hình thành những phố nghề điển hình. Vào thời Lý – Trần, đây là nơi cư trú của quan lại, binh lính, nhân dân, cũng là khu vực buôn bán sầm uất của đất nước. Thời Lê, khu vực này là huyện Vĩnh Thuận và Quảng Xương có nhiều thương lái từ Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ đến buôn bán. Khi thực dân Pháp vào nước ta, khu phố cổ có nhiều thay đổi, những ngôi nhà kiến trúc Châu Âu mọc lên bên cạnh nhà cổ mái ngói, hình thành khu dân cư có sự giao thoa văn hóa kiến trúc đặc sắc.

Khu phố cổ hiện nay có diện tích 82ha, chứa 77 tuyến phố thuộc 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Cùng với sự hồi phục và phát triển kinh tế, khu phố cổ hiện có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa. Hằng năm, số lượng khách du lịch đến phố cổ ngày càng tăng, thúc đẩy hệ thống các quán cà-phê, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm ngày càng nhiều. Các nghề truyền thống như nghề lụa, kim hoàn dần hồi phục và phát triển mạnh. Tuy nhiên, do dân cư tập trung đông, hạ tầng cơ sở bị xuống cấp rất nhanh. Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải có quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu phố cổ, vừa lưu giữ được giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.

Một góc phố cổ Hà Nội.

Theo Quyết định số 14/2004-QĐBVHTT ngày 5/4/2004 của Bộ Văn hóa – Thông tin, Khu phố cổ Hà Nội được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia. Ngày 24/10/2013, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 6398/QĐ-UBND chính thức ban hành Quy chế quản lí quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội, xác định Khu phố cổ là di tích có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn liền với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di tích kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử, trong đó phần lớn nhà ở hình ống với các lớp công trình có sân xen kẽ, mái dốc lợp ngói, chức năng chủ yếu thương mại, du lịch kết hợp với nhà ở và công trình công cộng. Dân số trong Khu phố cổ khoảng 66.000 người, đến năm 2020 sẽ giảm còn 45.000 người. Bảo tồn, tôn tạo các giá trị cấu trúc không gian, di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhà ở, phố nghề, phố chuyên doanh, thương mại dịch vụ; khôi phục, phát huy các giá trị di sản phi vật thể: Lối sống, sinh hoạt đặc trưng của dân phố cổ, lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống… UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành điều tra xã hội học, lập đề án giãn dân phố cổ và kêu gọi đầu tư, bắt tay vào thực hiện đề án.

Các công trình kiến trúc tiêu biểu có giá trị trong Khu phố cổ được chia làm 5 loại: Kiến trúc Việt Nam truyền thống; kiến trúc phong cách Trung Hoa; kiến trúc phong cách Châu Âu: Mẫu nhà Địa Trung Hải thời kì 1900 – 1930, mẫu nhà Anpo thời kì 1900 -1930, mẫu nhà Art-Deco thời kì 1931 – 1945 và 120 công trình di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, gồm đình, đền, chùa, miếu và di tích cách mạng. Không nơi nào các di tích lịch sử lại tập trung dày đặc như ở Khu phố cổ. Theo điều tra bổ sung, ở đây có 553 công trình nhà ở cần bảo tồn, tôn tạo; trong đó 205 công trình có giá trị đặc biệt và 348 công trình có giá trị. Các tuyến phố được điều tra kĩ, đề ra phương án bảo tồn, tôn tạo khoa học, phù hợp với cảnh quan và đưa vào thực hiện. Như phố Tạ Hiện hình thành từ cuối thế kỉ XIX, đan xen nhiều loại hình kiến trúc. Quận Hoàn Kiếm tổ chức quy hoạch theo hướng cải tạo, bảo tồn nguyên trạng mặt đứng dãy lẻ theo phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp, phục dựng mặt đứng bên dãy chẵn theo kiến trúc cổ truyền Việt Nam, có chú ý cải tạo công trình, sân trong từ lớp thứ hai trở vào để bảo đảm điều kiện sống của người dân.

Dự án ở số nhà 51 Hàng Bạc là dự án thí điểm đầu tiên tu bổ, tôn tạo nhà cổ có giá trị. Ngôi nhà này xây dựng theo kiến trúc truyền thống với 4 gian hình ống, nối với nhau bằng những khoảng sân kế tiếp. Việc tu sửa ngôi nhà không làm thay đổi kiến trúc cũ, nhưng cải thiện tiện nghi, tăng diện tích ở từ 27m2 lên 39m2 cho mỗi hộ dân, trang bị bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh cho mỗi hộ. Sau khi dự án hoàn thành, các hộ dân về nhà cũ ở với tiện nghi cao hơn.

Dự án trùng tu đình Kim Ngân, 42 – 44 Hàng Bạc được dư luận đánh giá cao. Đình thờ ông Hiên Viên là ông tổ bách nghệ, do người làng Châu Khê xây dựng. Sau này, đình thờ thêm ông Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư thời Lê được giao việc lập xưởng đúc bạc nén, vốn là người Châu Khê lên kinh thành, do đó nhân dân gọi là đình Hai ông. Công việc trùng tu bảo lưu nghệ thuật cuối Lê, đầu Nguyễn, giữ được một số hiện vật có giá trị nên năm 2012 đình được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Năm 2014 quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện Đề án giãn dân phố cổ, đồng thời trùng tu, tôn tạo những di tích có giá trị và giá trị đặc biệt, để Khu phố cổ Hà Nội trở thành điểm du lịch có sức thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

                                                                                         Theo: Báo Người Cao tuổi


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.520.685
Tổng truy cập: