DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Gian nan bảo tồn làng cổ
(Ngày đăng: 27/04/2014   Lượt xem: 485)


Kiến trúc làng cổ Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: LÊ THẮNG

Cùng với tốc độ đô thị hóa của đất nước thời kỳ hiện đại, làng cổ Việt Nam với những giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống đã và đang bị phá vỡ, mai một từng ngày. Vấn đề bảo tồn trong sự phát triển không hề giản đơn.

Nhộn nhịp làng hóa phố

Cách đây hơn 20 năm, với số dân khoảng hai triệu người, Hà Nội là một tổng thể khá bình dị, hài hòa với hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen; các làng hoa, làng nghề truyền thống, khu vực trung tâm lác đác vài nhà cao tầng, cấu trúc khu phố cổ, khu phố Pháp còn tương đối nguyên vẹn. Là thủ đô, đô thị dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển, mục tiêu đặt ra là tới năm 2015 Hà Nội phát triển thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế và giao lưu quốc tế, trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế của cả nước. Những năm qua kiến trúc Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Cùng với việc cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hệ thống giao thông, nhiều khu công nghiệp, đô thị mới, công trình nhà ở và làm việc... mọc lên không ngừng. Chính trong "cơn lốc" ấy, làng xã ở Hà Nội, nhất là làng ven đô đang chịu sự biến động mạnh mẽ, sâu sắc. Khoảng gần chục năm trở lại đây, những nơi này nhanh chóng "thay da đổi thịt". Nhiều ngôi làng nổi tiếng của Hà Nội như Ðường Lâm, Cự Ðà, Tây Mỗ, Tả Thanh Oai... rơi vào tình trạng nửa phố nửa quê. Xóm Cầu Bươu đầu làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì đã trở thành xóm dịch vụ với đủ loại nhà hàng, nhà nghỉ, quán bi-da, tiệm tạp hóa, in-tơ-nét... Nhiều nhà cao tầng mầu sắc xen lẫn những nếp nhà loang lổ rêu phong. Xe cộ chen chúc, tắc đường, bụi bặm. Dân ở đây bán đất nên có tiền, đua nhau xây nhà chẳng theo một quy chuẩn, kiến trúc nào, chủ yếu nhà cao tầng hình ống. Bên kia sông là làng Cự Ðà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai có nghề làm tương truyền thống hàng trăm năm. Chỉ trong khoảng ba năm, làng chỉ còn hơn nửa số nhà cổ, những ngôi nhà trên dưới 300 năm tuổi đang lần lượt bị xóa sổ. Nhiều ngôi nhà với kiến trúc Pháp độc đáo đã xuống cấp nặng nề nhưng người dân không có tiền tu sửa, một phần do làm ăn buôn bán phát đạt, người dân tự đập đi xây mới cho thời thượng.

Nhiều người cao tuổi và hộ gia đình trong làng bày tỏ nỗi buồn trước tình trạng nhà cũ xuống cấp, muốn có tiền sửa cũng khó mà xây mới lại càng không có điều kiện, đành bất lực ngồi nhìn không gian cũ bị phá vỡ, làng cổ đang "biến mất" từng ngày. Còn làng Mơ, hay Kẻ Mơ, với sản vật đặc trưng của Hoàng Mai và kinh thành Thăng Long là rượu mơ, rượu cúc đã để thất truyền trong quá trình đô thị hóa. Là một làng ven đô nay trở thành một phường thuộc thành phố, làng bị mất đi cảnh quan thiên nhiên, cổ xưa, đất canh tác bị thu hẹp và triệt tiêu. Nhà cửa xây theo phố sá, sinh hoạt theo tổ dân phố. Quá trình đô thị hóa nơi đây diễn ra nhanh chóng, tự phát nên không có quy hoạch cụ thể dẫn đến thực trạng phố không ra phố, làng không ra làng, đường làng tuy được đặt tên phố nhưng vẫn là đường cũ bé nhỏ, ngoằn ngoèo, lộn xộn...

Sự xuống cấp, phai nhạt bản sắc của làng cổ có thể nhận thấy ngay từ tổng thể cho đến sự biến đổi của những công trình kiến trúc, cảnh quan hoặc nếp sinh hoạt văn hóa của người dân sở tại. Chiếc cổng, một yếu tố "linh hồn" của làng cũng bị tác động khi thực tế có nhiều cổng làng bị đập đi hoặc có nơi bỏ ra hàng tỷ đồng xây lại cổng mới to, rộng hơn, sơn lòe loẹt, kiểu dáng kiến trúc na ná như nhau khiến cho cổng làng trở thành những chiếc cổng chào vô cảm. Yếu tố vật chất và không gian quan trọng của làng cổ là mặt nước cũng đã bị xóa mất nhiều, cụ thể như các làng ven hồ Tây trước đây nằm trong hệ thống sông, hồ, ao chằng chịt, song đến nay có sông không còn dấu vết, các ao đầm bị san lấp, lấn chiếm hoặc ô nhiễm, tù đọng...

Nghiên cứu, khảo sát của Viện Bảo tồn di tích 10 năm trở lại đây cho thấy, tốc độ thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá nhanh, đặc biệt là trong ba năm gần đây. Nhiều ngôi làng chỉ ba năm sau khi đoàn khảo sát quay lại đã gần như biến mất. Theo GS, TS Phạm Ðình Việt (Trường ÐH Xây dựng Hà Nội), do sự biến đổi về phương thức canh tác, lối sống... đã làm thay đổi cả vật chất và tinh thần của các làng. Cũng bởi dân số tăng, nhiều gia đình phải chia nhỏ mảnh đất cha ông để lại cho các con xây nhà ở riêng chứ không chung sống theo kiểu gia đình ba, bốn thế hệ trong ngôi nhà truyền thống chật hẹp. Qua đó, nhiều làng chỉ còn có ý nghĩa của cái tên vì trên thực tế nó đã thay đổi rất nhiều như các làng Ngọc Hà, Nhật Tân... Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, hiện Hà Nội có duy nhất làng cổ Ðường Lâm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, còn lại hơn 60 làng được đề xuất đưa vào danh mục nghiên cứu lựa chọn công nhận là làng cổ, trong đó có những làng nổi tiếng như Ðông Ngạc (Từ Liêm), Cự Ðà (Thanh Oai), Vân Từ (Phú Xuyên), Bát Tràng (Gia Lâm), Ðại Áng (Thanh Trì)... Mỗi làng đều có những đặc thù riêng, lưu giữ hình ảnh quá khứ đẹp đẽ và giá trị nhưng đang phải chịu áp lực nhiều mặt về sự phát triển dân số, kinh tế, cơ cấu dân cư, lối sống... Nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian làng truyền thống là rất lớn, làm cho quỹ di sản văn hóa Hà Nội bị vơi cạn. Và để từ danh sách đề xuất đến khi được công nhận đưa vào danh mục, có những biện pháp bảo tồn còn là cả một chặng đường dài...

Bảo tồn theo hướng nào ?

Bảo tồn làng cổ phải từ quan niệm làng cổ là một di sản sống. Ðiều này không chỉ xác định rõ mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản, mà còn giúp lựa chọn lối ứng xử thích hợp. Tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội do Viện Bảo tồn di tích tổ chức mới đây, một số ý kiến đã chú trọng vấn đề bảo tồn phải gắn liền với phát triển; giữ gìn cái cũ giá trị không được ngăn cản cái mới văn minh, tích cực; bảo tồn phải tôn trọng và gắn với lợi ích cộng đồng chủ thể của làng cổ... Từ sự việc làng cổ Ðường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), GS Hoàng Ðạo Kính nêu vấn đề: Làng cổ Ðường Lâm mang bản chất di tích từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, song nên nhận thức nó như là di sản, một phức hợp cộng cư kiến trúc - cộng đồng lịch sử sống động. Nếu ứng xử với làng cổ như với di tích sẽ làm nảy sinh nguy cơ biến làng thành bảo tàng ngoài trời. Làng còn xác, mất hồn. Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, KTS Lê Thành Vinh đồng quan điểm khi cho rằng, cuộc sống của cộng đồng dân cư chính là một phần quan trọng của di tích. Nếu chỉ lo giữ những ngôi nhà cổ và không gian kiến trúc truyền thống sẽ có một tổng thể đẹp, nhưng được một ngôi làng "chết". Bảo tồn không phải là "đóng băng" cái sẵn có. GS Hoàng Ðạo Kính nhấn mạnh: "Bảo tồn làng cổ không có nghĩa là xếp hạng nó thành di tích. Hơn 4.000 di tích đã được công nhận hiện nay đều đòi hỏi trùng tu, giá trị mỗi lần trùng tu cũng phải từ 15 đến 20 tỷ đồng. Ngân sách lấy đâu ra? Kể cả những nước giàu cũng không công nhận di tích nhiều như Việt Nam. Cuộc đua danh hiệu di sản không những không bảo tồn được gì, mà còn khiến những cái thật sự là di sản không được đầu tư, bảo tồn đến nơi đến chốn". Theo ông, nên giảm bớt số lượng di tích bảo tồn để gìn giữ, duy trì những di tích thật sự là tinh hoa.

Một điều cấp bách cần được đặt ra là, trước khi có được những đề án, chương trình lâu dài, nên chăng Nhà nước và TP Hà Nội cần đầu tư xây dựng các quy định và nghiêm khắc, kiên quyết trong việc xử lý những sai phạm về xây dựng, bảo vệ hay trả lại cảnh quan không gian phù hợp cho các công trình truyền thống, sự vật của làng cổ như hệ thống cổng làng, đình, chùa, đền, miếu, cầu, quán, giếng nước, cây cổ thụ... Kể cả những quy định và chế tài xử phạt trong hoạt động xây dựng vốn rất tự do, bừa bãi lâu nay liên quan đến những khu vực được phép xây dựng về chiều cao, kiểu dáng kiến trúc... để người dân có thể nâng cấp điều kiện sống nhưng không được gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Thời gian qua, giới chuyên môn có rất nhiều ý tưởng, giải pháp, đề xuất về vấn đề bảo tồn nhưng việc đón nhận, áp dụng, triển khai của chính quyền các cấp, các sở, ngành chức năng vẫn chậm chạp, bất cập. Ðó là nguyên nhân khiến làng cổ bị biến dạng, làm xấu, ô nhiễm nặng nề. Một khó khăn trong việc bảo tồn hiện nay là do chưa đạt được sự đồng thuận của cộng đồng, người dân sở tại. Vì vậy, các chính sách về bảo tồn cần phải linh hoạt, mềm dẻo, hợp lòng dân, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo tồn và phát triển, vừa đáp ứng được các nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng dân cư. Vai trò của người dân hết sức quan trọng vì họ là những người sở hữu di sản, họ cần được hưởng lợi nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước nên đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ tích cực. "Việc bảo tồn các làng cổ nếu muốn đạt được kết quả, ngoài sự nỗ lực của các nhà chuyên môn, còn cần có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, những người hoạch định chính sách, nhà quy hoạch và cộng đồng dân cư. Vì vậy, công tác tuyên truyền quảng bá về giá trị di sản và những đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ tới tất cả các tầng lớp trong xã hội là một điều rất cần thiết, cần làm ngay" - Phó Cục trưởng Di sản Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm.

Bảo tồn làng cổ là một vấn đề quá lớn và quá khó. Ðiều này được không ít nhà quản lý và giới chuyên môn khẳng định. Tại hội nghị về quản lý di tích cách đây không lâu, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðặng Thị Bích Liên thừa nhận, bản thân Bộ cũng đang "bí" trong việc thiết lập hệ thống quản lý thống nhất từ trên xuống, khi hiện nay các tỉnh, thành phố trong cả nước có tới sáu mô hình quản lý di tích, mà việc điều chỉnh sáu mô hình này mỗi nơi lại làm một khác...

Ðô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị làng cổ thật sự là thách thức lớn. Làm sao để làng cổ trụ vững trong nhịp sống hiện đại? Ðiều đó rất cần nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận của cả chính quyền và người dân.

Theo: Báo Nhân dân


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.520.629
Tổng truy cập: