DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Đừng coi di tích là của riêng
(Ngày đăng: 17/03/2014   Lượt xem: 471)

Nhiều di tích bị xâm phạm bởi chính những người ngày đêm trông nom di tích đó. Do không hiểu biết về pháp luật, do cố ý làm trái để tư lợi hay do quan niệm sai lầm – coi di tích như tài sản riêng?

Khi báu vật của cộng đồng bị cá nhân “sở hữu”

Đến thăm các di tích, du khách thường đọc được những bản nội quy, quy định, trong đó nghiêm cấm các hành vi xâm phạm, phá hoại. Nhưng cũng tại đây, dư luận đã chứng kiến rất nhiều những hành động “tấn công” vào di tích ở nhiều mức độ, trong đó không ít vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, làm tổn hại các giá trị văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan... của di tích.

Đừng coi di tích là của riêng
Suối Giải Oan trong khu thắng tích Yên Tử, Quảng Ninh từng bị tự ý đào bới để xây lầu.

Nổi cộm thời gian gần đây, ngoài vấn nạn “loạn trùng tu” gây méo mó di tích vẫn thường trực và đe dọa, dư luận đang lên án một bộ phận trong chính những người trực tiếp trông nom di tích. Không phải ai khác, chính là một số nhà tu hành, một số thành viên ban quản lý đền, lăng miếu..., hoặc lợi dụng vị trí của mình, hoặc do hạn chế trong hiểu biết, đã vô ý hoặc cố tình có những hành vi trái quy định của pháp luật, làm hỏng, làm xấu đi hình ảnh của di tích. Vụ sư trụ trì chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội tự ý xây sửa chùa, bỏ tượng cũ, tiếp nhận tượng mới có khuôn mặt giống mình... bị người dân sở tại phản đối còn chưa hết xôn xao thì việc tự ý tiếp nhận ngựa sắt, giáp sắt cung tiến vào đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội lại gây bất bình trong dư luận. Cùng với đó, vụ dỡ gỗ sưa của đình thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội... đem bán càng khiến cho dư luận đặt vấn đề: từ bao giờ, những người trông nom đã coi hoặc ngầm coi di tích như “nhà riêng, của riêng” để muốn làm gì cũng được?

Không ít khi đi trên đường, người ta bắt gặp những ngôi chùa, ngôi đền cổ bị tô vẽ lòe loẹt, bị xây thêm các hạng mục mới phá vỡ không gian, cảnh quan, bị đặt vào nhiều phương tiện, hiện vật kệch cỡm, phản cảm làm cho không gian thờ tự bỗng nhiên thêm màu sắc “trọc phú”. PGS. Trần Lâm Biền khẳng định, người trực tiếp quản lý, trông nom di tích không phải là chủ của di tích đó, mà cùng với các công việc tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích, anh là người chịu trách nhiệm bảo vệ, coi sóc di tích ở cấp cơ sở để phòng tránh những hành vi xâm phạm di tích. Đặc biệt, anh càng không được là người tiếp tay hoặc gây ra những hành vi đó.

Đừng đẩy trách nhiệm cho họ!

Nhưng lỗi không chỉ thuộc về một số người coi những di sản nghìn năm, mấy trăm năm của cộng đồng như là “cơ ngơi” thuộc “sở hữu” của mình. Do đâu có sự thiếu hiểu biết về luật pháp liên quan đến di tích, di sản? Do đâu có những trường hợp đã thiếu hiểu biết nhưng vẫn được phân công, phân nhiệm đứng ra quản lý để rồi tham gia “làm hại” di tích? Ngoài sự thiếu ý thức, vụ lợi thì nguyên nhân thuộc về sự tắc trách trong công tác quản lý của ngành văn hóa; Còn rất thiếu những cuộc tập huấn về nghiệp vụ, phương pháp bảo vệ, chăm sóc, bài trí... di tích cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở và những người trông nom trực tiếp; Thiếu những cuốn sổ tay quản lý di tích, những cẩm nang hoặc bộ quy tắc khi trông nom việc sang sửa, trùng tu di tích, đương nhiên thiếu cả những hình thức nhắc nhở, cảnh cáo, bãi nhiệm... khi những người trông nom đã “hoàn thành xong” việc xâm phạm di tích. Để quản lý các di tích được tốt hơn, theo KTS. Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, các địa phương cần kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và xây dựng cơ sở dữ liệu cho hệ thống di tích. KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng cũng cho rằng, việc hướng dẫn nhà chùa, các ban quản lý đình, đền... trông nom, coi sóc di tích cần được hỗ trợ bởi hệ thống chuyên môn. Việc trông nom này cũng phải được theo dõi, kiểm tra thường xuyên để tránh những phát sinh không kịp kiểm soát như học đòi bên ngoài làm cho di tích trở nên lòe loẹt, tự ý đón nhận những lễ vật công đức không phù hợp. Họa sĩ cũng nhấn mạnh: Trong thời đại kỹ thuật số này, không nên nói không đủ người, nhiều đầu việc làm không xuể mà phải xây dựng, lưu trữ tư liệu gốc và đầy đủ về các di tích để trong thời gian ngắn, sẵn sàng khai thác, đối chiếu.

Và đương nhiên, để giúp cho các cá nhân, các nhóm ở cơ sở quản lý, trông nom di tích tốt hơn thì các cán bộ ngành văn hóa, ngoài việc nhanh chóng xây dựng các quy định, nguyên tắc, biên soạn các tài liệu, xây dựng các chương trình tập huấn, truyền thông... cũng phải siêng năng hơn trong việc quản lý, trông nom cùng cơ sở. Không coi di tích là “của riêng”, nhưng ở mỗi cấp quản lý văn hóa cũng không thể coi việc bảo vệ di tích không phải của mình.

                                                                                             Theo: suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.519.618
Tổng truy cập: