DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Ứng xử thế nào để di sản trường tồn
(Ngày đăng: 26/02/2014   Lượt xem: 1368)
Với 5 di tích vừa được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt đã nâng tổng số Di tích Quốc gia Đặc biệt tại TP Hà Nội lên 9 di tích trên tổng số 2.311 di tích được xếp hạng. Tuy nhiên, để hình ảnh của di tích bền lâu với thời gian thì việc gắn danh hiệu mới chỉ là bước khởi đầu…



Điêu khắc gỗ ở đình Tây Đằng

1. Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) vừa được gắn danh hiệu Di tích Quốc gia Đặc biệt vì những giá trị to lớn của các di tích lịch sử trường tồn cùng năm tháng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó còn là sự biểu dương nỗ lực của TP Hà Nội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Như vậy là Hà Nội chiếm 5/14 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt trong đợt công nhận thứ 4 của cả nước là một niềm tự hào,  không chỉ ở số lượng di tích được công nhận mà còn ở cả giá trị mỗi di tích đem lại trong kho tàng di sản Thủ đô.

Xin điểm lại những giá trị nổi bật trong mỗi di tích được vinh danh lần này: Đình Tây Đằng có kiến trúc đặc trưng thời Mạc với quy mô bề thế, được đánh giá là kho tàng nghệ thuật dân gian thời Lê sơ (thế kỷ XVI). Nét đặc sắc của ngôi đình nằm ở kết cấu chồng rường giá chiêng (5 gian, nhiều cột có đường kính 80cm), các họa tiết trang trí chạm khắc trên mái đình, cột đình… cực kỳ độc đáo và tinh tế. 

Bên cạnh đó đền thờ Hát Môn (Phúc Thọ), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) với không gian di tích và kiến trúc nghệ thuật Phù Đổng (Sóc Sơn) lại gắn với những câu chuyện lịch sử và huyền thoại. Hằng năm tại những di tích này vẫn diễn ra các hoạt động lễ hội với nhiều nghi thức đặc sắc, gắn với nhân vật thờ tự. 

Và di tích đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm ở vị trí trung tâm của Thủ đô đã trở thành biểu tượng của Hà Nội.



Hồ Gươm - Hà Nội

2. Với quan điểm "Bảo tồn di sản cho muôn đời”, chỉ tính riêng 3 năm qua, TP đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa để cải tạo, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho 645 di tích. Tuy nhiên, tại 5 di tích vừa được vinh danh, người ta vẫn nhìn thấy những hạn chế cần sớm được khắc phục. Ví dụ, đình Tây Đằng đang trong hiện trạng gần như bị thu hẹp bởi 4 phía dân cư. Điều đáng nói là tới nay, đình vẫn chưa có đơn vị cụ thể nào đứng ra quản lý. Mọi việc phụ thuộc vào ông Từ sống cạnh đình. Do vậy, công tác trùng tu, tôn tạo của nhiều hạng mục đang xuống cấp của di tích còn bị bỏ ngỏ. Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: Liên quan đến vấn đề trùng tu di tích, hầu hết cán bộ đang công tác không có chuyên môn sâu về bảo tồn, công tác tu bổ được giao cho ngành xây dựng nên rất dễ xảy ra tình trạng tu bổ sai lệch. 

Theo ông Tiến, sắp tới, Sở VHTT&DL sẽ tham mưu cho TP Hà Nội đề xuất với Bộ VHTT&DL xin cơ chế đặc thù riêng cho các Di tích Quốc gia Đặc biệt. "Đối với các di tích có giá trị cao về nghệ thuật, kiến trúc và tầng lịch sử văn hóa cần có cơ chế tài chính riêng, hình thức tổ chức để phát huy được giá trị cũng như đảm bảo công tác bảo tồn” - ông Tiến nhấn mạnh. 

3. Làm thế nào để những di tích trường tồn cùng thời gian, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan cũng là vấn đề được đặt ra sau vinh danh. Dù có hoạt động theo cơ chế đặc thù nào đi chăng nữa thì theo PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống Di tích Quốc gia Đặc biệt ở Hà Nội nên được triển khai bằng các dự án mang tính liên ngành, như thế thì mới tạo được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Mỗi di tích đặc biệt ở Hà Nội có những giá trị riêng, không thể áp dụng chung một biện pháp quản lý, tu bổ hay bảo tồn, mà phải linh hoạt đối với từng di tích.

TS Đặng Văn Bài cho biết: Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt cũng là hình thức công nhận giá trị của di tích như cách ông cha ta đã làm, song cách thức quản lý thì đã thay đổi nhiều. Nhưng dù có thay đổi như thế nào chăng nữa thì cộng đồng vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực tế đã chứng minh, khi cộng đồng hiểu đúng về di tích, lễ hội, tất yếu họ sẽ có cách ứng xử đúng. Điều này càng quan trọng đối với hệ thống Di tích Quốc gia Đặc biệt ở Hà Nội vì các di tích này đã, đang và sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn.
                                                                                               Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.519.429
Tổng truy cập: