DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Khu di tích Cổ Loa
(Ngày đăng: 30/12/2013   Lượt xem: 578)
Khu di tích Cổ Loa ở huyện Đông Anh là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và đô thị cổ cách ngày nay gần hai thiên niên kỷ.
 
Bản đồ khu di tích Cổ Loa. Ảnh: tư liệu

Di tích nằm về phía đông bắc của Thủ đô Hà Nội. Từ trung tâm Thủ đô qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 1, đến cây số 11, qua cầu Đuống, theo quốc lộ 3, đi tiếp đến cây số 18 là tới khu vực di tích.

Khu vực Cổ Loa là một khu thành đất đồ sộ với 3 vòng thành, chiều dài cả 3 vòng thành tổng cộng hơn 16 cây số. Không có tài liệu nào ghi lại cụ thể niên đại xây dựng, nhưng có lẽ thành được tạo lập vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên. Thành Cổ Loa gắn liền với câu chuyện An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc. Chuyện kể rằng: vào cuối thời Hùng Vương, vua nước Thục tên Phán, chiếm được nước của Hùng Vương, lập nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, định đô ở Cổ Loa ngày nay, cho xây ở đây 1 thành hình ốc gọi là Loa Thành. Câu chuyện xây thành đã trở thành huyền thoại. Thành cứ ngày xây, đêm đổ, nên chỉ khi vua được thần Kim Quy (Rùa Vàng) cho móng và mách kế diệt tinh Bạch Kê (Gà trắng) thì thành mới xây xong. Chiếc nỏ thần mà lẫy nỏ chính là móng rùa vàng, trăm phát trăm trúng, đã giúp vua tiêu diệt giặc, giữ được thành. Sau khi Trọng Thủy là con Triệu Đà từ phương Bắc tới đánh lừa lấy mất nỏ thần, mở đường cho quân xâm lược, thì An Dương Vương đã phải dẫn con gái Mỵ Châu chạy loạn. Những chiếc lông ngỗng Mỵ Châu rắc trên đường là dấu hiệu giúp cho Trọng Thủy theo tìm đến mối tình đầu, nhưng cũng đưa dắt kẻ thù truy đuổi nhà vua thất thế, khiến vua cha phải giết Mỵ Châu. Thất vọng vì mất người yêu, Trọng Thủy gieo mình xuống giếng trong Loa Thành. Khách tham quan ngày nay đến Cổ Loa còn được chỉ cho xem 1 cái giếng mang tên “giếng Trọng Thủy”.

Đi từ trong ra ngoài, thoạt tiên là vọng “Thành Trong”, hình chữ nhật mà chu vi là 1650m, nơi được xem là chỗ ở của nhà vua. Truyền thuyết còn tặng cho di tích cái tên là “Thành Nội”. Nhà cửa hay cung điện không còn nữa. Cái còn lại là vết tích của rãnh đào cống thoát nước. Cổng chính của “Thành Nội” ở giữa bờ thành phía nam. Từ cổng này nhìn vào, trước kia hẳn có nhà ở hay cung điện mà tiếng dân gian gọi là “Điện Ngự triều di qui”. Hai bên cổng có đắp 2 ụ công sự cao hơn mặt thành và nhô hẳn về phía trước. Ở bên góc “Thành Nội” còn đếm được 18 ụ công sự. Bao quanh thành là hào sâu và rộng.

Vòng thành giữa hay “Thành Trung” bao ngoài “Thành Nội”. Chu vi của nó là 6.500m. Từ cửa Nam (chợ Sa ngày nay) thành vòng về phía đông theo Đầm Cả, qua gò Voi ở phía bắc, vòng lại phía nam theo bờ sông Hoàng.
Vòng thành ngoài hay “Thành Ngoại” có chu vi là 8.000m. Một đoạn dài của sông Hoàng chảy từ tây nam đến đông nam, bao quanh thành từ đông bắc đến đông nam.

Ngoài khu thành đất đồ sộ có giá trị lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử quân sự, xã hội… thời thượng cổ trên đất miền bắc nước ta. Năm 1982, chiếc trống đồng Cổ Loa được phát hiện tại gò Mả Tre, và bộ sự tập lưỡi cày đồng nổi tiếng thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay hơn 20 thế kỷ. Hai kho mũi tên đồng gồm hàng vạn chiếc cũng được phát hiện tại đây vào giữa thế kỷ 20.

Trong khu vực “Thành Nội”, nhân dân ta đã xây dựng một số công trình tưởng niệm An Dương Vương: Đền Thượng và Ngự triều di qui.
 
Giếng Ngọc thành Cổ Loa. Ảnh: tư liệu

Theo quan niệm phong thủy xưa, thì đền Thượng mọc lên trên một gò hình đầu rồng, hai gò hai bên là hai cánh rừng. Phía dưới có hai hố tròn: mắt rồng (rồng cầm ngọc). Toàn bộ giải đất được gọi là thân. Bên trong hồ có “giếng Trọng Thủy” – nơi truyền thuyết cho là Trọng Thủy đã gieo mình. Truyền thuyết còn nói rằng ngọc trai từ biển mang về mà rửa bằng nước giếng này sẽ sáng hơn, nên giếng còn mang một tên khác: “Giếng Ngọc”.
Đến nay vẫn chưa biết đền được xây dựng từ bao giờ, chỉ biết đã được sửa chữa lại vào năm 1687, và đến năm 1893 lại được trùng tu lớn.

Đền còn giữ một số di vật: tượng An Dương Vương bằng đồng hun, đúc năm 1897, 2 con ngựa “hồng – bạch” làm năm 1716, các đồ tự khí bằng đồng, sứ, gỗ, vải… Trước cổng đền có 2 con rồng đá, thân uốn lượn, tay vuốt râu, phô ra những nét chạm tinh tế - tài nghệ của những người thợ thủ công Việt Nam thế kỷ XVII.

Còn “Ngự triều di qui” là một ngôi đình được chuyển từ nơi khác về, và dựng lại hồi cuối thế kỷ XVIII lên trên khu đất tương truyền là “Khu ngự triều di qui” – nơi xa xưa vua Thục “thiết triều”. Giữa đình, còn bức cửa võng chạm hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (đào, cúc, trúc, mai). Bức chạm khá tinh tế, thếp vàng rực rỡ.

Bên trái đình, “cây đa nghìn tuổi” nay đã không còn. Sau gốc đa, hé ra cửa tò vò vào am thờ nàng Mỵ Châu. Am thờ một hòn đá, trôi dạt về phía đông vòng thành giữa, dân thấy hòn đá kỳ dị, bèn rước về thờ.

Xã Cổ Loa có khu di tích lớn và là di tích duy nhất còn lại đến nay về một thủ phủ lớn. Một Thủ phủ mà cha ông ta đã thiết lập trên đồng bằng Bắc Bộ, thoạt đầu tiên hẳn là Thủ phủ của một thủ lĩnh quân sự lớn. Đây còn là di tích duy nhất về kiến trúc quân sự thời viễn cổ ở nước ta. Khu di tích đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa ở đợt đầu trên toàn quốc năm 1962.


Theo Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr305-308
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.519.874
Tổng truy cập: