DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Di tích và nỗi lo “bà hỏa” Phòng cháy hơn chữa cháy
(Ngày đăng: 25/12/2013   Lượt xem: 488)
Nguy cơ cháy di tích ở Hà Nội quả thực là một nỗi lo khi mà công tác PCCC đang là một lỗ hổng lớn, thiếu sự quan tâm của các nhà làm quản lý. Chia sẻ về vấn đề này, đa số các nhà nghiên cứu, người làm chuyên môn đều khẳng định: Phòng cháy hơn chữa cháy.

Trưởng Ban quản lý di tích & danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Tuân:
Tốt nhất là làm bài bản công tác phòng cháy chữa cháy
 Để ngăn chặn tình trạng cháy di tích, tốt nhất là phải làm bài bản công tác PCCC; phải làm sao để đồ dễ cháy và lửa không tiếp cận được với nhau. Theo tôi, phòng cháy hơn chữa cháy, tập huấn là cần thiết để hiểu được kiến thức tối thiểu về PCCC, nhưng quan trọng hơn là phải nhận thức được nguy cơ gây cháy, phải ngăn chặn tuyệt đối giữa điện và các đồ dễ cháy đó.
Ngăn chặn thế nào đây? Theo tôi, với hiện trạng di tích đang có, tốt nhất là khi đưa điện vào di tích, nên đi ngầm hệ thống dây điện; không được đi qua cột xà, mái đình, điện chập là cháy ngay. Bởi cột kèo, xà, tượng… trong di tích phần lớn đã "nhiều tuổi", rất dễ bén lửa. Thứ hai, việc thắp hương phải xử lý triệt để, chỉ được để 1 - 2 chân hương, tránh thắp cả nắm, rất dễ bùng lên là cháy. Thứ ba, khi thắp nến, phải để xa đồ dễ cháy và có đồ để che gió tạt lửa… Rồi cả việc hóa vàng, bếp núc, người vào hút thuốc - phải có quy định cấm. 
Việc chạy ngầm dây điện trong di tích hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích, vì tất cả kiến trúc, cột kèo vẫn vậy, chỉ có lắp thêm đường điện vào để tiện sử dụng. Cũng như ở trên đường phố, người ta cho chạy ngầm dây điện, dây viễn thông, kiến trúc đường phố không có gì thay đổi. Mà dây điện sử dụng ở di tích cũng nên dùng những loại đảm bảo chất lượng. Để làm được việc này chắc Nhà nước phải đầu tư, chứ yêu cầu các di tích tự trang bị sẽ không làm nổi, vì di tích, đặc biệt ở khu vực ngoại thành rất khó khăn về mặt kinh phí khi muốn đầu tư, sửa chữa gì đó.
 Kiến trúc sư Lê Thành Vinh - Viện Bảo tồn di tích:Di tích cần được cấp tiền chăm sóc định kỳ
 Di tích thì vẫn xuống cấp âm thầm, đối diện với mọi nguy cơ về hỏa hoạn, mối mọt, nhưng lại không được chăm sóc kịp thời. Chúng ta cấp tiền cho dự án nhưng lại không cấp tiền chăm sóc định kỳ. Trong khi đó, nếu được chăm sóc mỗi ngày, những nguy cơ như hỏa hoạn sẽ được phòng tránh kịp thời. Điều đặc biệt nguy hiểm là gần như toàn bộ các đình, chùa, đền, miếu đều có cửa ra vào rất nhỏ và không có lối thoát nạn. Nhất là vào các dịp lễ hội, hàng quán và dịch vụ trông giữ xe còn lấn chiếm, chắn hết lối thoát vốn đã rất nhỏ của các di tích. Nếu hỏa hoạn xảy ra, nguy hiểm không chỉ cho con người, mà xe cứu hỏa cũng khó lòng vào được di tích để cứu cháy.
 Giáo sư Trần Lâm Biền: Ngành văn hóa phải vào cuộc
Việc phòng cháy ở các di tích đã được ngành văn hóa đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Vì sự quản lý đối với di tích chưa được chặt chẽ, việc phân cấp và xác định ai là chủ di tích cũng chưa rõ ràng. Vậy thì, cùng với xu hướng của thế giới, chúng ta cần tiến đến việc nâng cao vị thế, tính chuyên môn trong thực thi và bảo tồn di sản. Mặt khác, để làm tốt công tác phòng cháy, mà sâu xa hơn là bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, vai trò của người dân cần được chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa một cách hợp lý. Bên cạnh đó, cần phải trang bị bình cứu hỏa cho tất cả các di tích; tập huấn PCCC cho người trông coi và người dân sống xung quanh di tích; Phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát cơ sở vật chất của các di tích để xử lý ngay nếu có nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt, hơn ai hết, người trông coi di tích cần có kiến thức, kỹ năng về PCCC, có khả năng sử dụng được bình bọt cứu hỏa, thường xuyên nhắc nhở du khách sử dụng các vật dụng có thể gây cháy, nổ như bật lửa, nhang, đốt vàng mã… đúng nơi quy định.
Phòng cháy ở di tích không phải việc riêng của cơ quan PCCC, ngành văn hóa phải phối hợp, vì "có thân thì phải lo" chứ không đợi người khác lo.
 Lời kết
 
Không thể phủ nhận, nguy cơ cháy di tích ở Hà Nội luôn thường trực, khi các đình, đền, chùa đang tọa lạc ở thế "tựa lưng, ghé vai" bên nhà dân. Điều đáng nói, trong hoàn cảnh ấy, công tác PCCC ở những địa chỉ rất "nhạy cảm" với lửa này lại gần như bị bỏ lửng, thiếu sự quan tâm cần thiết của các nhà quản lý, đặc biệt là ngành văn hóa.
Rất nhiều trường hợp cháy di tích đã xảy ra từ Bắc chí Nam, Sóc Trăng có, Thanh Hóa có, Hòa Bình có và Hà Nội cũng đã có. Hết thảy đều chỉ còn đống tro tàn, "bà hỏa" đã xóa sổ gần như hoàn toàn những thư tịch cổ, những bảo vật quý đã được lưu giữ cả ngàn năm. Và thiệt hại ở những vụ cháy di tích không thể quy thành tiền, bởi ngoài những giá trị vật chất còn là những giá trị văn hóa, lịch sử…
Những gợi ý cho việc PCCC ở di tích đã được các chuyên gia, nhà quản lý, người làm di tích đưa ra, xem như một trong những việc cần phải làm để bảo tồn di tích. Đây là việc quan trọng mà các nhà quản lý Hà Nội, đặc biệt với ngành văn hóa cần để tâm trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở mảnh đất Hà Nội hơn 1000 năm tuổi.

                                                                                                  Theo: kinhte&dothi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.519.634
Tổng truy cập: