DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn và phát triển các khu dự trữ sinh quyển
(Ngày đăng: 26/11/2013   Lượt xem: 431)
Các khu dự trữ sinh quyển không chỉ chứa đựng giá trị đa dạng sinh học mà còn hàm chứa những giá trị văn hóa phong phú. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, để bảo tồn và phát triển bền vững, cần hài hòa các mối quan hệ kinh tế, môi trường và xã hội, bảo tồn văn hóa truyền thống cũng như đa dạng sinh học…, đặc biệt tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Chỉ trong vòng 10 năm, Việt Nam đã được thế giới công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) trên hầu hết các vùng sinh thái của cả nước, gồm: khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, khu DTSQ Đồng Nai, quần đảo Cát Bà, đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, khu DTSQ Kiên Giang, khu DTSQ Tây Nghệ An, khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An và khu DTSQ Mũi Cà Mau. Về giá trị đa dạng sinh học, các khu DTSQ của Việt Nam chứa đựng hầu hết các loại hệ sinh thái chủ yếu của quốc gia và có lẽ hầu hết các loài mang tính biểu tượng của đất nước. Không chỉ vậy, nhiều khu DTSQ còn hàm chứa các giá trị văn hóa phong phú. Đây là quê hương của các nhóm dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Chơ Ro, Tày và Nùng, là nơi sinh sống quan trọng của các nhóm dân tộc thiểu số như Khmer, Mạ và S’tieng. Một số khu DTSQ lưu giữ những di tích nổi tiếng, minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc… Việc tham gia hội nhập trong một mạng lưới toàn cầu các khu DTSQ (610 khu DTSQ thuộc 117 quốc gia, tính đến tháng 10.2012) đã góp phần tạo nên một hình ảnh Việt Nam năng động, sáng tạo và nhân bản. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc bắt kịp trí tuệ của nhân loại trong sử dụng các khu DTSQ như một cách thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên để phát triển bền vững, là một thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua.


Khu Dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng Nguồn: datviettour.com.vn
Về vấn đề này, Gs, Ts Nguyễn Hoàng Trí - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) nhấn mạnh phương châm “bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn”. Ông phân tích: một trong những nguyên tắc phát triển của khu DTSQ là thực hiện đầy đủ 3 chức năng cơ bản: bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế thân thiện với môi trường và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giám sát, giáo dục và gìn giữ giá trị truyền thống. Các khuyến nghị của UNESCO cũng tập trung vào việc xây dựng các hành động bảo tồn cho phát triển và phát triển cho bảo tồn, trong đó bảo tồn làm cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Bài học thành công từ các quốc gia cho thấy, bảo tồn đa dạng sinh học tạo nên sự nổi tiếng cho một địa phương và quốc gia, đặc biệt là các loài quý hiếm sẽ được khai thác khôn khéo từ sự nổi tiếng đó để vừa phát triển du lịch sinh thái vừa tạo việc làm, thu nhập cho cộng đồng địa phương, nhất là các địa phương nghèo khó, ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, phát triển kinh tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn. Khi kinh tế phát triển, cuộc sống sẽ được cải thiện, phần lớn dân cư có cuộc sống ổn định và nâng cao trình độ nhận thức, dân trí tăng theo, các doanh nghiệp và nhân dân sẵn sàng tự nguyện chi trả cho các dịch vụ như phí sử dụng nước sạch, nguồn tài nguyên, các dịch vụ sinh thái... Các nguồn thu từ thuế, phí dịch vụ sẽ được tái đầu tư cho các hoạt động bảo tồn. Đặc biệt, khi chất lượng cuộc sống, ý thức người dân được nâng cao, áp lực đối với khu di sản và sinh quyển sẽ giảm.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần phát triển hài hòa các mối quan hệ kinh tế, môi trường và xã hội, bảo tồn văn hóa truyền thống cũng như bảo tồn đa dạng sinh học… tại các khu DTSQ. Tại Việt Nam, 8 khu DTSQ thế giới cũng là ngôi nhà chung của khoảng 1,5 triệu người, gồm hàng ngàn người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số. Mỗi nhóm có những cách thức sinh sống riêng, phản ánh những hiểu biết và diễn giải độc đáo của họ về tự nhiên đã được tích lũy qua hàng trăm năm cư trú trên mảnh đất của họ. Trong khi các nhóm thiểu số thường dễ bị tổn thương trước áp lực của phát triển từ bên ngoài, bản sắc và những giá trị văn hóa của họ cùng với vốn kiến thức giàu có về tự nhiên chính là nền tảng vững chắc không chỉ cho sự phát triển nội lực của những nhóm này mà còn cả với việc bảo vệ các khu DTSQ. Bởi vậy, cần tạo cơ hội để cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa và thiên nhiên, như: phát triển du lịch sinh thái, phát triển các đặc sản của khu DTSQ…

Theo bà Trần Thị Huệ, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia MAB Việt Nam: trong xây dựng và quản lý bền vững các khu DTSQ, cần sử dụng văn hóa như một công cụ để giải quyết các mối liên hệ giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên: nếu trong tư duy hệ thống cần có văn hóa tư duy tổng thể, quảng đại thì trong quy hoạch cảnh quan, cần tôn trọng bản sắc truyền thống, tôn trọng cộng đồng địa phương, sự tham gia của họ là nhân tố sống còn cho việc thực hiện quy hoạch. Trong điều phối liên ngành cần tôn trọng cá nhân, nhóm lợi ích, đối thoại. Trong kinh tế chất lượng, cần có niềm tin và tự hào, bởi chất lượng sản phẩm và sự nổi tiếng về bảo tồn là hai yếu tố nâng đỡ lẫn nhau. Bà Trần Thị Huệ khẳng định: “Bảo tồn khu DTSQ nhờ các công cụ văn hóa để đạt được sự hài hòa. Chúng ta đang học tập từ thiên nhiên chứ không phải mang ý chí của mình áp đặt vào nó. Đó chính là sự phát triển bền vững cho địa phương, quốc gia và nhân loại”.

                                                                                          Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.519.382
Tổng truy cập: