DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Phát triển bền vững du lịch tâm linh Ninh Bình
(Ngày đăng: 25/11/2013   Lượt xem: 564)
Hành lang chùa Bái Đính với 500 bức tượng La Hán bằng đá xanh thu hút khách tham quan.

Ninh Bình là một trong những địa phương may mắn được thừa hưởng những di sản văn hóa của vùng kinh đô cổ với hơn một nghìn năm lịch sử.

Cùng quá trình lịch sử, vốn di sản văn hóa đó được các thế hệ giữ gìn và phát huy, làm giàu có thêm với các dấu ấn phong phú qua các thời kỳ, trong đó có những giá trị văn hóa tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, một trong những tiềm năng đã và đang thu hút du khách, người hành hương đến nơi đây.

Khai thác hiệu quả tiềm năng Khởi động phát triển du lịch tâm linh Ninh Bình có lẽ bắt đầu từ việc triển khai dự án xây dựng khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính năm 2004. Đến nay, về cơ bản, hình hài của một chiến lược phát triển du lịch tâm linh tại cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành, đặt ra nhiều vấn đề về những chính sách, cơ chế cụ thể trong lĩnh vực quản lý danh thắng, đào tạo nghề du lịch, dịch vụ, phát triển tiểu, thủ công nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vốn có lịch sử từ hàng nghìn năm của vùng đất cố đô Hoa Lư, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch kinh tế để hướng đến phát triển bền vững.

Ninh Bình hiện được coi là một trong những trung tâm của cả Phật giáo và Thiên chúa giáo nước ta. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà thờ cổ, trong đó nhà thờ bằng đá Phát Diệm đã có tuổi đời hơn 100 năm và gần đây nhất là chùa Bái Đính được đầu tư xây dựng, mở rộng với quy mô lớn trên diện tích 700 ha, là trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo lớn nhất Việt Nam, mang tầm khu vực và quốc tế. Về tín ngưỡng dân gian, trên địa bàn tỉnh có 1.023 cơ sở, 242 đình, 380 đền, 209 miếu, 148 phủ nằm rải rác tại tám huyện, thị xã, thành phố ở địa phương. Các giá trị văn hóa - lịch sử, tại những công trình thờ tự có từ hàng trăm năm, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, như khu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, núi chùa Bái Đính (Bái Đính cổ) cùng hàng trăm di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, khiến Ninh Bình trở thành vùng đất có giá trị văn hóa tâm linh phong phú.

Du khách đến với Ninh Bình thường tham gia hai loại hình du lịch tại đây là du lịch tâm linh và tham quan danh thắng. Bởi bên cạnh các cơ sở tín ngưỡng, thiên nhiên cũng rất ưu ái cho vùng đất cố đô với cảnh quan kỳ thú là khu du lịch ngập nước Vân Long, khu sinh thái hang động Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, khu nước khoáng nóng Kênh Gà, v.v.

Trong lĩnh vực du lịch, tốc độ tăng trưởng tương đối đồng đều và ổn định ở Ninh Bình với mức khoảng 16%/năm. Năm 2012, tỉnh đã đón 3,4 triệu lượt khách và năm 2013, ước tính sẽ đạt hơn bốn triệu lượt khách đến tham quan. Riêng trong quý I vừa qua, số khách đến Ninh Bình đã chiếm chừng 40% tổng lượng khách trong năm. Nhiều ngày trong tháng giêng, số khách đến Ninh Bình đạt tới từ 80 đến 100 nghìn lượt người/ngày. Qua số liệu cho thấy, lượng du khách ngày càng đông, khách lưu trú và số ngày lưu trú cũng đang có xu hướng tăng.

Du lịch tâm linh là một thế mạnh của Ninh Bình, trong đó bao gồm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống với thái độ trân trọng trước những di tích lịch sử.

Từ sự nhìn nhận về tiềm năng của vùng đất cố đô xưa, có thể nói, dự án thực hiện phát triển du lịch văn hóa tâm linh là một lựa chọn sáng suốt của lãnh đạo tỉnh và ngành văn hóa, du lịch Ninh Bình trong việc hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Cơ hội quảng bá ra thế giới Tháng 4-2012, Tổng Thư ký tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Ta-lép Ri-phai đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Sau khi khảo sát một số điểm du lịch tại Ninh Bình, ông Tổng Thư ký có ấn tượng tốt đẹp và cho rằng, đây là một trường hợp thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ phát triển công nghiệp và nông nghiệp sang du lịch và dịch vụ, góp phần quan trọng để phát triển bền vững, có trách nhiệm và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Chính Tổng Thư ký Ta-lép Ri-phai đã đề xuất sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững tại tỉnh Ninh Bình trong hai ngày 21 và 22-11 năm nay. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, thu hút sự tham dự của 350 đại biểu, trong đó có 150 đại biểu quốc tế hoạt động trong lĩnh vực truyền thông nghiên cứu, quản lý, kinh doanh du lịch tâm linh của khu vực và thế giới.

Theo đánh giá của UNWTO, du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Việc giao lưu giữa con người với con người thông qua du lịch tâm linh sẽ đẩy mạnh đối thoại, xây dựng mối quan hệ hiểu biết giữa các nền văn hóa.

Xuất phát từ đó, Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững được tổ chức nhằm tăng cường các khuôn khổ chính sách, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng bảo vệ và gìn giữ các giá trị truyền thống; xây dựng các quy định về sử dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh nhằm tạo cơ hội việc làm, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa; khuyến khích giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực, hiểu biết của cộng đồng trong việc quản lý du lịch và tham gia xây dựng chính sách; thúc đẩy và ủng hộ sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, các nhóm dân cư, thông qua phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt đối với cư dân bản địa, dân tộc thiểu số, phụ nữ và người tàn tật; mở rộng hợp tác quốc tế vì sự hòa hợp, bảo đảm tồn tại của các giá trị truyền thống.

Đây là cơ hội để Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của mình tới bạn bè quốc tế trong bối cảnh khu danh thắng Tràng An đang được đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới, tăng cường hợp tác giữa du lịch Việt Nam và UNWTO, cũng như khẳng định vai trò thành viên tích cực của du lịch nước ta trong đại gia đình UNWTO. Để phát huy tác động tích cực của du lịch tâm linh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, cuộc gặp gỡ giữa các nhà hoạt động du lịch tâm linh thế giới lần này sẽ tập trung thảo luận các nội dung về ý nghĩa của du lịch tâm linh, giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm, tăng cường sự tương tác giữa người với người thông qua du lịch tâm linh, tính bền vững tại các điểm du lịch tâm linh, phát triển trọng tâm, quản lý có trách nhiệm sản phẩm du lịch tâm linh và những kinh nghiệm thực tiễn.

Qua Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững được tổ chức tại Việt Nam càng cho thấy những chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng đã và đang có tác động tích cực, mạnh mẽ đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là chỗ dựa vững chắc để phát triển du lịch tâm linh một cách có hiệu quả và loại hình du lịch này sẽ góp phần khẳng định vị thế của Ninh Bình như một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đầy sức cuốn hút trên bản đồ du lịch thế giới.

LÂM QUANG NGHĨA Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình

Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.519.429
Tổng truy cập: