DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản
(Ngày đăng: 25/11/2013   Lượt xem: 415)

Những năm qua, ngành văn hóa phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa. Nhiều hoạt động được triển khai, huy động nguồn lực và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội. Nguồn đóng góp từ xã hội hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng, đó là chưa kể đóng góp bằng hiện vật. Nhiều hình thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được mở rộng, như việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, câu lạc bộ diễn xướng dân ca, hoạt động độc lập, hiệu quả bằng chính nguồn lực và khả năng của cộng đồng mà không phải dựa vào kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

Trên phạm vi cả nước, các lễ hội dân gian mang đậm giá trị nhân văn cũng được phục hồi, chủ yếu do cộng đồng tự tổ chức, hoạt động ngày càng quy củ hơn. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa còn dẫn đến sự ra đời của hàng loạt bảo tàng ngoài công lập cùng các câu lạc bộ, hội sưu tầm cổ vật, góp phần hạn chế tình trạng thất thoát cổ vật, tạo cơ hội để công chúng được tiếp cận các di sản văn hóa của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế và tiêu cực, chưa thể hiện được vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước. Nhận thức của xã hội về di sản văn hóa chưa thật sâu sắc và toàn diện, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, hiện tượng vi phạm di tích và thắng cảnh, tình trạng mất cắp cổ vật ở di tích, thất thoát cổ vật ra nước ngoài vẫn diễn ra. Những nguồn lực xã hội chưa thật sự được quy tụ và định hướng đúng để sử dụng hiệu quả. Phong trào quần chúng tham gia tu bổ di tích, hiến tặng cổ vật... còn mang tính tự phát, không phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bảo vệ di sản văn hóa ở các địa phương. Nhận thức yếu kém về di sản văn hóa cũng dẫn đến tình trạng vi phạm trong hoạt động bảo tồn hoặc đầu tư không đúng trọng điểm, làm sai lệch các yếu tố gốc. Trong khi đó, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, không đủ khả năng hướng dẫn về chuyên môn, dẫn đến nhiều bất cập, thiếu sót trong triển khai công tác xã hội hóa...

Với mục tiêu mở rộng các nguồn đầu tư, để khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng xã hội, thực hiện xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phải gắn liền việc nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước; cải tiến bộ máy quản lý; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, công chức; đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, xã hội hóa không đồng nghĩa với việc tự do hóa và tư nhân hóa mọi hoạt động. Trong quá trình này, cơ quan chủ quản phải giữ vai trò quan trọng, đó là vai trò quản lý và hướng dẫn theo đúng định hướng và chủ trương của Ðảng và Nhà nước, trong đó các tổ chức, cá nhân được tham gia, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Thực hiện hiệu quả xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đòi hỏi phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa trong mọi tầng lớp nhân dân, giúp họ chủ động tham gia, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cần được kịp thời phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhanh chóng cập nhật những quy định của pháp luật về di sản văn hóa đến với đông đảo nhân dân, nâng cao nhận thức và thu hút được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ðặc biệt, ngành văn hóa cần quan tâm và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn vi phạm ở các địa phương. Bên cạnh đó tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa; khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng Nhà nước, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Cần có những quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước. Việc xây dựng và ban hành chính sách quản lý và sử dụng các nguồn tài chính xã hội hóa như tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ... cần được triển khai theo hướng ưu tiên sử dụng cho mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời sớm ban hành chính sách tôn vinh những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Có thể nói, di sản văn hóa chỉ thật sự được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững khi Nhà nước và nhân dân cùng chung tay, góp sức.

                                                                                         Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.519.407
Tổng truy cập: