DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Hát Chầu văn - Di sản văn hóa nhân loại
(Ngày đăng: 22/11/2013   Lượt xem: 825)


"Sinh thời hầu cận Mẫu vương/Dọn hàng quan mát âm dương núi hồng/Cô cầm đàn luyện khúc 5 cung/Gọi hồn non nước chung tình thế nhân/Cung thương gió chuyển mây vần/Hồ cầm vọng nguyệt hoa xuân mỉm cười...". Nghe những lời văn trong bài "Văn cô Chín" này không phải trong một giá đồng ở đền, phủ, điện nhưng cũng đủ làm cho tôi cảm nhận được một phần giá trị của nghệ thuật hát chầu văn, một nghi lễ hiện đang tìm lại được "đất  sống" của mình.

Hát Chầu văn - Di sản văn hóa của nhân loại. Đây cũng là loại hình nghệ thuật gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần. Ảnh Kim Dung

Ngày nay, nghi lễ hát chầu văn không chỉ được thực hiện trong không gian linh thiêng của đền, phủ, điện mà đã được sân khấu hóa như một tác phẩm nghệ thuật. Đó là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Ðức Thánh Trần. Sự độc đáo của hát chầu văn không chỉ thể hiện ở sự trầm bổng, nhấn nhá của lối hát, ở sự ứng diễn linh hoạt có sức cuốn hút người nghe mà còn thể hiện ở tay đàn, nhịp phách ăn nhập một cách hài hòa và tinh tế của các nghệ nhân bằng cả tâm huyết và bề dày năm tháng.

Thôn Yên Chung thuộc xã Tam Quan, Tam Đảo nằm gần khu danh thắng Tây Thiên là nơi nổi tiếng với nghề hát chầu văn. Ở đây có quần thể đền, chùa, các công trình tôn giáo lớn nên người dân thôn Yên Chung sớm được tiếp xúc, giao lưu với giới cung văn, các đồng anh, lính chị tụ tập về đây sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và bởi vậy cũng sản sinh ra nhiều thanh đồng, cung văn phục vụ nghi lễ tại các đền, các phủ.

Chẳng ai ở trong thôn, dù là người cao tuổi nhất nhớ chính xác được hát chầu văn có ở đây từ bao giờ, chỉ biết là có từ rất lâu rồi. Ông Đào Tiến Long, làm quen và bắt đầu hát chầu văn từ năm 17 tuổi đến nay đã 83 tuổi được coi như là bậc tiền bối trong giới chầu văn ở đây. Nhớ lại những năm tháng hát chầu văn vẫn bị coi là mê tín dị đoan, những người đi hát như ông thậm chí phải trốn, phải chạy và có khi cũng bị bắt. Trong số lần đó thì kỷ niệm năm 1980, khi đang thực hiện nghi lễ hát chầu văn ở Thiện Kế, Bình Xuyên, ông đã bị chính quyền bắt và bị phạt đi lao động công ích 5 ngày vẫn làm ông nhớ mãi. Đến nay, khi hát chầu văn chính thức được coi là "hợp pháp" thì nghề này cũng coi như một nghề "kiếm sống" của người dân thôn Yên Chung. Không phải vì thế mà người dân ở đây lợi dụng nó để làm mất đi giá trị đích thực của hát chầu văn. Theo ông Long, ngoài những yếu tố tâm linh, hát chầu văn còn là loại hình nghệ thuật kế thừa và phát triển của dân ca và có ý nghĩa giáo dục truyền thống đấu tranh lịch sử của dân tộc. Bởi lẽ, chỉ có hát chầu văn mới có thể thực hiện được sự hòa quyện dân ca ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong cùng một giá chầu, người nghệ nhân có thể ứng biến theo hoàn cảnh bằng ngôn ngữ, cử chỉ, bằng tiếng nói, bằng ngữ điệu biểu đạt. Và các bài văn trong hát chầu văn đều nói về lịch sử đánh giặc của dân tộc, các anh hùng dân tộc, người có công với đất nước, từng câu từ đều rất nghiêm trang... Giờ đây, ở thôn Yên Chung có khoảng hơn 170 anh chị cung văn, trong đó có khoảng 20% người giỏi nghề, thạo nghề. Người biết hát giỏi dạy cho người chưa biết, họ thành lập những đội hát khác nhau tự dạy nhau hát và dắt nhau đi hát khắp đền to, phủ lớn ở trong nước.

Cũng là một người tình cờ đến với nghệ thuật hát chầu văn, ông Nguyễn Cao Đán ở Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên đã có hơn 10 năm trong nghề cho rằng: "Những người hát chầu văn phải thực sự có duyên và có tâm". Trước kia người ta vẫn thường đánh đồng hát chầu văn là một hiện tượng mê tín dị đoan bởi không phân tích được giá trị nào là giá trị di sản trong nó. Giá trị di sản của nghi lễ chầu văn nằm ở nội dung lời hát, nhạc điệu, nhạc cụ cũng như nghi lễ trang trọng, thiêng liêng của hình thức diễn xướng này. Theo ông Đán thì không có hình thức nghệ thuật nào như ở chầu văn mà nghi lễ, tín ngưỡng và hình thức diễn xướng lại hòa quyện và ăn nhập với nhau đến thế. Chầu văn chỉ thực sự thăng hoa khi được diễn xướng trong các giá hầu đồng và ngược lại, hầu đồng chỉ có thể sinh động và diễn tiến trôi chảy khi có sự góp mặt của chầu văn. Và cũng vì thế, những người trong nghề như ông Đán, ông Long đều cảm thấy tiếc khi hát chầu văn không được coi là Di sản văn hóa phi vật thể sớm hơn, rộng rãi hơn.

Nhằm bảo tồn, phát huy loại hình độc đáo này, trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung đã có nhiều mô hình như CLB hát chầu văn nhằm tạo không gian sinh hoạt chung cho những người hát chầu văn. Bên cạnh đó, nghi lễ hát chầu văn đã chính thức được đưa vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi, hội diễn hay liên hoan văn nghệ quần chúng, giúp khơi dậy những nét đẹp vốn có của hát chầu văn. Hiện nay, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đã công nhận nghi lễ chầu văn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho hai tỉnh là Hà Nam, Nam Định và quyết định đưa nghi lễ chầu văn vào hồ sơ xét duyệt Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại trình UNESCO phê duyệt. Đây hẳn là tin vui lớn đối với những người yêu thích nghệ thuật diễn xướng này.

Tuy nhiên, nghi thức chầu văn trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều hành vi trục lợi, toan tính. Theo các nhà quản lý văn hóa thì cũng không thể thống kê con số chính xác, cập nhật những người theo nghề hát chầu văn trên địa bàn tỉnh, bởi những người theo nghề này, đa số là tự phát và người nọ truyền dạy cho người kia. Có gia đình hiện nay, có đến hơn chục người theo nghề hát chầu văn, cứ đời nọ nối tiếp đời kia. Các thanh đồng, cung văn hiện nay chủ yếu là mạnh ai nấy làm, nên phần lớn họ đều chưa định hướng được mình là chủ thể của di sản để nhận ra cái hay, cái dở và điều chỉnh, giữ gìn, bồi đắp thêm vẻ đẹp của chầu văn. Vì vậy, cùng với cuộc vận động để chầu văn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính những người hát chầu văn cần ý thức và bảo tồn các giá trị đẹp của loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc để thật xứng đáng là Di sản nhân loại.

                                                                                            Theo: vinhphuc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.345
Tổng truy cập: