DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Di chỉ Đồng Đậu – di sản văn hóa người Việt
(Ngày đăng: 22/11/2013   Lượt xem: 588)


Đồng Đậu (Khu di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu) – quê hương của người Việt Cổ, niềm tự hào của dân tộc và cũng là di sản văn hóa vô cùng quý giá của người Việt chúng ta. Không giống như di tích Đông Sơn (Thanh Hóa), làng Vạc (Nghệ An), làng Cả (Phú Thọ)…, di chỉ Đồng Đậu ở Vĩnh Phúc chứa đựng và lưu tồn một cách đậm đặc 4 tầng văn hóa trải dài theo quá trình hình thành, phát triển của con người Việt Nam, đó là các tầng văn hóa được đan xen và nối tiếp nhau: Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn.

Được phát hiện vào tháng 2 – 1962, suốt 50 năm qua, di chỉ Đồng Đậu (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc) đã được điều tra, thám sát và khai quật vào những năm 1965 – 1967, 1968 – 1984, 1999, 2012. Hiện vật thu được tại đây vô cùng phong phú và đa dạng thuộc các giai đoạn văn hóa khác nhau với đủ loại chất liệu như: đá, xương, sừng, gốm, đồ đồng. Nhiều nông cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức bằng đá, xương, sừng; xương răng cá và thú vật… được chế tác tinh xảo và rất thẩm mỹ qua nghệ thuật trang trí hoa văn. Bên cạnh đó, các tượng tròn hình động vật: trâu, bò, chim, gà nặn bằng đất nung và nhiều hạt lúa gạo cháy từ thời Phùng Nguyên cho thấy nghề trồng lúa nước và chăn nuôi ở đây đã có từ rất sớm, từ buổi đầu dựng nước của các Vua Hùng.

Đặc biệt, lần khai quật năm 1999 và năm 2012 đã phát hiện hai bộ hài cốt khá nguyên vẹn từ giai đoạn Phùng Nguyên trong hai huyệt mộ khu vực di chỉ. Năm 1999, qua hố thám sát nhỏ đã thấy một huyệt mộ, bên trong là một bộ xương phụ nữ, tay đeo chiếc vòng đá thời Phùng Nguyên. Theo thông tin từ các Giáo sư, nhà khảo cổ, đây là bộ di cốt người thời Văn hóa Phùng Nguyên còn khá nguyên vẹn, được tìm thấy đầu tiên ở nước ta. Từ đó, khu di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được khẳng định vừa là nơi cư trú, vừa là khu mộ táng của người Việt cổ. Lần khai thác thứ 7, kéo dài từ tháng 12 - 2012 đã phát hiện một di cốt người đàn ông thời Phùng Nguyên ở phía Tây di tích. Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, người chủ trì 3 cuộc khai quật tại di chỉ khẳng định: “Những lần khai quật trước đều nghiên cứu về phía Đông của khu di tích, số lần gần đây đào được di cốt là phía Tây. Điều này khẳng định phía Đông là nơi cư trú của người Việt cổ, còn phía Tây là nơi mộ táng của họ”. Hai bộ hài cốt giá trị này đã được đưa về Bảo tàng tỉnh trưng bày và bảo vệ.

Là một di tích quý giá, Đồng Đậu có những đặc điểm riêng biệt mà không nơi nào có được, nếu có thì không đầy đủ 4 tầng văn hóa liên tiếp từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn (như ở Vĩnh Phúc) mà không có sự gián đoạn về thời gian. Với chiều dày trung bình của tầng văn hóa từ 3m – 4m, khẳng định con người đã cư trú tại đây với thời gian dài hàng nghìn năm, trở thành một trung tâm của người Việt cổ, để cùng với nhiều cộng đồng dân cư trong vùng xây dựng và hình thành nên Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cùng với thời gian, Đồng Đậu tuy còn tương đối nguyện vẹn, còn tiềm ẩn trong lòng nó nhiều bí ẩn quý giá nhưng việc bảo vệ khu di chỉ là vấn đề rất cần thiết và bức thiết. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị UBND thị trấn Yên Lạc – Chủ đầu tư Dự án xây dựng tường rào bảo vệ toàn bộ khu Đồng Đậu lớn (42 ha); không để rễ cây lâu năm ăn sâu làm hỏng tầng văn hóa; đồng thời lập bản chỉ dẫn tại những hố thám sát, khai quật để phục vụ khách tham quan đến nơi này. Hiện tại, cổng và hàng rào mặt trước cơ bản đã hoàn tất, còn lại bên trong nhiều ngôi mộ của người dân chưa được di chuyển ra khỏi khu vực di chỉ. Theo đồng chí Nguyễn Thành Viên, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc: “Hiện tại, kinh phí của tỉnh đã cấp hơn 1 tỷ đồng, việc giải phóng mặt bằng chưa xong nên phần hàng rào còn lại vẫn chưa làm được vì vướng vào đất của dân”. Đồng Đậu đang từng ngày, từng giờ cần được bảo vệ một cách trọn vẹn và an toàn. Điều này, cần sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng cùng chính quyền sở tại.

                                                                                                Theo: vinhphuc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.472
Tổng truy cập: