Cách TP.HCM chưa đến 20km,
làng nghề truyền thống chạm, khắc gỗ Phú Thọ (phường Phú Thọ, TX.Thủ
Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là địa danh từng níu chân biết bao du khách xa
gần. Nhưng hiện tại, làng nghề này đang ngày càng mai một và đứng trước
nguy cơ biến mất khỏi đời sống của người dân nơi đây.
Tiếng một làng nghề
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt
chân đến đây là không khỏi tiếc nuối cho một làng nghề vốn đã rất nổi
tiếng từ xưa. Nơi mà vào thời kỳ phồn thịnh của nó đi đến đâu cũng nghe
được những âm thanh đục, đẽo của những nghệ nhân rộn ràng cả xóm làng.
Ông Trần Văn Rịch, 62 tuổi, một trong
những nghệ nhân nổi tiếng nhất làng trong vòng 50 năm qua tâm sự: “Làng
nghề chạm khắc gỗ Phú Thọ đã ra đời từ lâu lắm rồi, tôi chỉ biết các cụ
truyền lại đến đời mình đã có đến gần chục đời rồi. Thời kỳ phồn thịnh
nhất của làng nghề là vào thập niên 90 của thế kỷ trước.
Lúc đó, xưởng chạm khắc gỗ của gia đình
tôi có đến gần hai chục người, cả người làm và người đến xin theo học
nghề. Thu nhập bình quân lúc đó của người thợ cũng cao lắm (3- 4 triệu
đồng/người/tháng). Xưa kia, sản phẩm chính của làng nghề chạm khắc Phú
Thọ là các sản phẩm về đồ gỗ thủ công mỹ nghệ như bàn ghế, tượng phật,
các đồ thờ…”.
Ông Rịch cho biết thêm: Khi đó, với những
bàn tay tài hoa, sự sáng tạo, những nghệ nhân trẻ đã tạo ra nhiều mẫu
mới như các bức tượng phật của các vùng miền đã mang lại sự phong phú về
sản phẩm cho làng nghề này. Có thể nói rằng, dù ở bất kỳ giai đoạn phát
triển nào, các sản phẩm đồ gỗ của làng nghề Phú Thọ cũng luôn mang
những sắc thái đặc trưng tạo nên thương hiệu của riêng mình. Đó là những
sản phẩm với những đường chạm khắc tinh xảo toát lên sự công phu, tinh
tế và rất có hồn khiến cho sản phẩm mang nét tự nhiên, bền, đẹp, lạ mắt.
 |
Còn rất ít nghệ nhân còn mặn mà với nghề chạm khắc truyền thống
|
Cần sự chung tay
Tồn tại và phát triển lâu đời và đã có
giai đoạn hưng thịnh trong thời gian trước đây là thế nhưng đến nay nghề
chạm, khắc gỗ Phú Thọ lại đang dần bị mai một và có nguy cơ biến mất
khỏi đời sống của những người dân nơi đây. Do không sống nổi với nghề,
nhiều nghệ nhân đã chuyển đổi từ điêu khắc truyền thống sang sản xuất đồ
gia dụng theo hướng công nghiệp.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn
Vinh, một trong những nghệ nhân tâm huyết cố gắng để giữ lấy cái nghề
truyền thống của gia đình chia sẻ: “Sở dĩ có chuyện như vậy là do hầu
hết nghệ nhân trong làng, những người trước đây mở xưởng sản xuất, kinh
doanh sản phẩm đồ gỗ Phú Thọ gặp khó khăn về nguồn vốn.
Các sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống khi
thể hiện cần có sự uyển chuyển, nhằm toát lên được cái hồn của sản
phẩm. Trong khi nhiều người thợ do tay nghề kém, lại chạy theo lợi nhuận
nên làm một cách cẩu thả, dẫn đến sản phẩm không có hồn, khiến khách
hàng ngày càng quay lưng, nhất là khi thị trường cạnh tranh gay gắt như
hiện nay”.
 |
Do không sống nổi với nghề truyền thống, nhiều nghệ nhân đã chuyển sang sản xuất đồ gỗ gia dụng công nghiệp
|
Trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của
mình, sản phẩm gỗ Phú Thọ tuy được nhiều người biết đến nhưng những
người làm nghề truyền thống nơi đây vẫn chưa thực sự tìm ra hướng phát
triển bền vững cho mình. Vấn đề trăn trở của cả làng nghề là việc các cơ
sở sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ còn rất bị động về thị trường.
Phần lớn các sản phẩm đều được bán thông
qua đại lý ở địa bàn Bình Dương và TP.HCM. Duy chỉ có một số ít sản phẩm
được bán trực tiếp cho khách thông qua những đơn đặt hàng nhưng những
đơn hàng này thường có số lượng rất ít.
Không chỉ gặp khó khăn ở thị trường, làng
nghề gỗ Phú Thọ còn gặp vướng mắc do tình trạng sản xuất manh mún, mạnh
ai nấy làm. Việc làm theo phong trào khiến cho hàng hóa cung vượt cầu,
sản phẩm tồn đọng. Đó là chưa kể, hầu hết các cơ sở sản xuất đều thiếu
vốn, khó tiếp cận nguồn vốn, làm ảnh hướng không nhỏ tới kế hoạch sản
xuất.
Ông Võ Đức Phong, Chủ tịch UBND phường Phú
Thọ cho biết: Trước đây, vấn đề khôi phục lại làng nghề gỗ Phú Thọ cũng
đã được đưa vào nghị quyết của phường với dự định xây dựng hợp tác xã
chạm khắc; mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp, tạo dựng
lại các cơ sở sản xuất; vận động những nghệ nhân, nhất là những người có
tay nghề kỹ thuật cao, quay lại làm nghề; liên kết với quỹ tín dụng để
hỗ trợ vốn cho nghệ nhân, cơ sở sản xuất. Nhưng trên thực tế cho đến
nay, làng nghề chạm, khắc gỗ Phú Thọ vẫn chưa có gì thay đổi và đang mai
một dần.
Để đánh thức làng nghề, trước hết đòi hỏi
phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nghệ nhân và các cơ sở sản xuất, kinh
doanh, các nhà đầu tư và cả thị trường, cùng sự vào cuộc giúp sức của
chính quyền địa phương. Nếu không có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía
thì việc khôi phục làng nghề điêu khắc Phú Thọ sẽ rất khó khăn và có
nguy cơ mất đi một làng nghề truyền thống lâu đời nay ở Bình Dương.
Theo: Hải Quan online