Những nghệ nhân nghề dệt trong cả nước đã được giao lưu,
hợp tác, tìm hiểu công nghệ nghề dệt với các nghệ nhân nghề này khu vực
ASEAN ngày 18.3, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN (Thái Nguyên).
Hoạt động này do Bộ Văn hóa - thể thao và
Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức, bao gồm hoạt động:
Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt các nước ASEAN lần thứ IV với
chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối - mở ra bước sáng tạo trong nghề
dệt truyền thống Đông Nam Á”. Đợt giao lưu này có sự tham gia của 8
tỉnh, thành VN và gần 400 nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà sản xuất về dệt,
thêu, nhuộm đến từ các nước ASEAN.
 |
Nghệ nhân đang trình diễn dệt thổ cẩm. |
Nghệ
nhân Bùi Thị Mía – Trưởng ban kỹ thuật, HTX dệt Vọng Ngàn (Hòa Bình)
chia sẻ: “Tới ngày hội này, chúng tôi mới được biết có rất nhiều cách in
hoa trên tấm vải, lụa. Như người Malaysia có lối in vải thủ công đặc
biệt, như nghề in vải Batic chủ yếu sử dụng cách bôi sáp lên những chỗ
không cần in màu trên tấm vải hoặc tấm lụa. Chúng tôi đang học các kỹ
thuật này để làm phong phú sản phẩm vải, lụa thủ công”.
Tại
VN, nghề dệt thủ công bị đánh giá là hơi khép kín và đơn điệu. Tới ngày
hội này, nhiều nghệ nhân làm quen quy trình mở, từ dệt vải tới khâu
cuối là sự sáng tạo của nhà thiết kế, nhà sản xuất. Sự hợp tác trong
nghề dệt của các nước ASEAN cũng đưa các làng nghề đến với thị trường
rộng lớn hơn, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội cho mỗi quốc gia.
Ông
Nguyễn Văn Tình – Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao
- du lịch) cho biết: “Đây là một trong những cơ hội tốt để mở rộng mạng
lưới hợp tác với các bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn nghề dệt
thổ cẩm truyền thống trong nước và khu vực; quảng bá giá trị văn hoá đặc
sắc của các tộc người Việt Nam”.
Theo: Dân Việt